Sau nhiều vụ lừa đảo, cấm các ngân hàng nhận và trả tiền tiết kiệm của khách VIP tại nhà

ANTD.VN - Quy định mới của Ngân hàng Nhà nước bắt buộc khách hàng phải trực tiếp đến địa điểm giao dịch khi gửi tiết kiệm, kể cả lần đầu và những lần gửi sau.

Thông tư 48/2018/TT-NHNN về tiền gửi tiết kiệm của Ngân hàng Nhà nước chính thức có hiệu lực từ ngày 5/7 với nhiều thay đổi về quy định, thủ tục đối với tiền gửi tiết kiệm.

Theo đó, Thông tư quy định ngân hàng chỉ được nhận và chi trả tiền gửi tiết kiệm tại điểm giao dịch thuộc mạng lưới hoạt động của ngân hàng đó, trừ trường hợp nhận và chi trả tiền gửi tiết kiệm bằng phương tiện điện tử.

Người gửi tiền phải trực tiếp đến địa điểm giao dịch của tổ chức tín dụng và xuất trình giấy tờ xác minh thông tin của người gửi tiền. Trường hợp gửi tiền gửi tiết kiệm chung, tất cả người gửi tiền phải trực tiếp xuất trình giấy tờ xác minh thông tin của mình.

Đối với trường hợp gửi tiết kiệm thông qua người đại diện theo pháp luật, người đại diện theo pháp luật phải xuất trình giấy tờ chứng minh tư cách đại diện, giấy tờ xác minh thông tin của người đại diện theo pháp luật và giấy tờ xác minh thông tin của người gửi tiền.

Từ nay, khách hàng bắt buộc phải đến chi nhánh, phòng giao dịch ngân hàng mới được gửi tiết kiệm

Như vậy, Thông tư 48 đã có thay đổi lớn so với quy chế tiền gửi tiết kiệm được Ngân hàng Nhà nước ban hành năm 2004.

Theo quy chế cũ, thủ tục gửi tiết kiệm được chia thành lần đầu và những lần tiếp theo, trong đó khách hàng chỉ cần  đến trực tiếp địa điểm giao dịch cho lần gửi tiết kiệm đầu tiên.

Đối với những gần gửi tiết kiệm sau, thủ tục nhận tiền gửi tiết kiệm sẽ do tổ chức nhận tiền gửi tiết kiệm tự quy định. Nội dung quy chế cũ cũng cho phép người gửi tiền có thể thực hiện gửi thông qua người khác nếu giao dịch gửi tiền vào thẻ tiết kiệm đã cấp.

Thông tư 48 của Ngân hàng Nhà nước được ban hành trong bối cảnh thời gian qua, nhiều trường hợp lừa đảo, mất tiền, mất sổ tiết kiệm đã xảy ra do khách hàng không trực tiếp đến ngân hàng làm thủ tục khi số tiết kiệm đáo hạn, mà thực hiện thông qua nhân viên tín dụng hoặc người thân.

Dựa vào sự tin tưởng của khách hàng, nhiều nhân viên ngân hàng đã làm giả sổ tiết kiệm, ủy quyền rút tiền để chiếm đoạt. Hầu hết những trường hợp này đều là khách hàng VIP với số tiền gửi tiết kiệm lớn, lên tới hàng trăm tỷ đồng.