Sau Nghị quyết 42, đã thu hồi được khoảng 37.000 tỷ đồng nợ xấu

ANTD.VN - Ông Nguyễn Tiến Đông – Chủ tịch VAMC cho biết từ khi Nghị quyết 42 có hiệu lực đến nay, hiệu quả xử lý nợ xấu đã tăng gấp rưỡi so với các thời kỳ trước.

Cụ thể, theo Chủ tịch HĐQT Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), từ ngày 15-8-2017 khi Nghị quyết 42 có hiệu lực đến nay, hiệu quả xử lý nợ xấu đã tăng gấp rưỡi so với các thời kỳ trước.

Đặc biệt, Nghị quyết 42 có hiệu lực chỉ hơn 1 quý trong năm 2017 nhưng kết quả thu hồi nợ xấu về mặt thực chất của 2017 đã tăng hơn rất nhiều so với năm 2016 và những năm trước đây. “Sau Nghị quyết 42, năm 2017, VAMC cùng với các tổ chức tín dụng (TCTD) đã thu hồi nợ xấu được khoảng 37.000 tỷ đồng, gần bằng một nửa so với 3 năm trở lại đây” - ông Nguyễn Tiến Đông cho biết.

Theo các tổ chức tín dụng, trước đây, công tác xử lý nợ xấu gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc đề thu giữ, xử lý tài sản đảm bảo là dự án bất động sản, chi phí thi hành án, các loại thuế trong xử lý tài sản đảm bảo...

Thời gian xử lý nợ kéo dài, đôi khi ra tòa tới 3-5 năm vẫn chưa xử lý được, gây tốn kém không chỉ cho các ngân hàng thương mại mà cả Nhà nước bởi nhiều chi phí phát sinh; kéo theo những hệ lụy như ngân hàng khó giảm được lãi suất, nguồn vốn ra nền kinh tế cũng bị ách tắc.

Việc Quốc hội thông qua Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD (có hiệu lực từ 15/8/2017) đã được tạo hành lang pháp lý thông thoáng trong xử lý dứt điểm “cục máu đông” nợ xấu.

Theo ông Nguyễn Tiến Đông, cái mới trước tiên ở Nghị quyết 42 là thay đổi tư duy về nợ xấu. Trước đây, suy nghĩ nợ xấu là của ngành ngân hàng, tự ngân hàng phải trả giá, phải tự chịu trách nhiệm và tự xử lý.

Tuy nhiên, với Nghị quyết 42, tư duy của nhà lập pháp đã thay đổi khi cho rằng, nợ xấu là của nền kinh tế. Từ nhận thức nợ xấu là của nền kinh tế, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành địa phương các cấp đã vào cuộc quyết liệt, hỗ trợ ngành ngân hàng xử lý nợ xấu. Nghị quyết 42 đã khẳng định được quyển của chủ nợ của VAMC và các TCTD trong giao dịch dân sự vay trả.

Nghị quyết 42 được cho là đã tháo gỡ nhiều vướng mắc trong quá trình xử lý nợ xấu của các TCTD

Ngoài việc tháo gỡ những vướng mắc về pháp lý trong quá trình xử lý nợ xấu, ông Nguyễn Tiến Đông cũng cho biết, ý thức trả nợ của khách hàng cũng tốt lên rất nhiều từ sau Nghị quyết 42. Nếu như trước đây, do cách thức xử lý tài sản đảm bảo rất khó khăn, kéo dài nên khách hàng có tâm lý chây ì… thì nay với quy cách xử lý rút gọn, dứt điểm trong quy định tại Nghị quyết 42, khách hàng vay vốn sẽ có ý thức hơn trong việc hợp tác xử lý nợ.

Chủ tịch VAMC cho hay, trước đây, cứ 10 khách hàng thì chỉ được 1-2 khách thiện chí làm việc với TCTD hay VAMC. Tuy nhiên, sau khi có Nghị quyết 42, cho phép VAMC cũng như các TCTD tiến hành thu giữ tài sản khi khách hàng vi phạm cam kết.

“Có khách hàng mới nhận giấy mời lên làm việc đã phải đem tiền đến trả. Nhiều trường hợp, chúng tôi chưa cần làm đến cùng các biện pháp thì khách hàng đã phải tự giác và đã xử lý được nợ. Việc vay trả sòng phẳng và thị trường hơn rất nhiều” – Ông Nguyễn Tiến Đông nói.

Cùng quan điểm trên, chuyên gia tài chính, TS Cấn Văn Lực cũng cho rằng việc xử lý nợ xấu thời gian qua có nhiều chuyển biến. Thứ nhất là sự vào cuộc của các cơ quan chức năng chủ động hơn, quan tâm hơn nhiệt tình hơn; Thứ hai là ý thức xử lý nợ xấu của bên đi vay tăng lên; Thứ ba là xử lý tài sản đảm bảo cũng đã được đẩy nhanh hơn đáng kể khi các TCTD thời gian vừa qua phân loại tài sản đảm bảo khá nhiều.

Dù vậy, vị chuyên ra này cũng chỉ ra một số vướng mắc như việc định giá tài sản để đấu giá còn chưa chuẩn. Bên cạnh đó là vấn đề tài sản cần xử lý, các hướng dẫn của các bộ ngành liên quan trong đó có tòa án.

Hay những vướng mắc liên quan đến thuế, nhiều khi tài sản bảo đảm bán xong rồi nhưng người mua không lấy được về vì thuế chưa đóng...