Sau ngày tăng lương: Mặt bằng giá vẫn ổn định

ANTĐ - Tuần đầu tiên của tháng 7 đã trôi qua trong nỗi lo âu của người tiêu dùng, sợ giá cả sẽ tăng sau thời điểm tăng lương và giá cả một số mặt hàng xăng dầu, gas… tăng. Nhưng trên thị trường, giá các loại hàng hóa thiết yếu vẫn giữ ổn định.

Trong ngắn hạn, giá các mặt hàng thiết yếu dự báo ổn định

Cụ thể, tại chợ Ngô Sĩ Liên, thịt lợn các loại trung bình từ 85.000-90.000 đồng/kg; cá chép và cá trắm 60.000 đồng/kg; rau cải 3.000 đồng/mớ, rau muống 5.000 đồng/mớ; cà chua 13.000 đồng/kg; dưa chuột 10.000 – 11.000 đồng/kg;  mướp đắng 9.000 đồng/kg. Giá rau xà lách búp 30.000 đồng/kg; quả su su 10.000 đồng/kg. … Chị Hằng, nội trợ (nhà ở phố Quốc Tử Giám) cho hay: “Mức giá này vẫn ổn định như tuần trước. Người nội trợ chúng tôi rất lo lắng nếu chi tiêu cho sinh hoạt lại tiếp tục tăng sau khi lương tăng. Rất may là đến giờ thị trường chưa biến động gì”.

Tương tự, chị Mai - tiểu thương chợ Cầu Diễn cho biết: “Trước đây bán một ngày được cả tạ thịt lợn, giờ chỉ bán bằng nửa. Nếu giá cả tăng nữa, không những người mua mà cả người bán chúng tôi sẽ khó khăn. Phía đầu nhập hàng cũng có ý kiến việc tăng giá, nhưng hàng phải bán được mới dám tăng”. Còn theo chị Nho (tiểu thương chợ Thành Công), hiện tại, nhiều loại rau mùa hè đang cho thu hoạch nên giá rau vẫn ổn định. 

Với các mặt hàng gạo, giá bán không có gì đột biến so với cuối tháng 6. Cụ thể, gạo tám Thái 18.000-19.000 đồng/kg, Bắc Hương 15.000 đồng/kg, xi dẻo 13.500 đồng/kg, tạp dao 10.500 đồng/kg. Nguyên nhân giá gạo ổn định là do các vùng nông thôn vừa bước vào thu hoạch vụ mùa bội thu. Hơn nữa, lượng gạo tồn kho tại các doanh nghiệp trong nước hiện vẫn ở mức cao. Giá chào bán gạo xuất khẩu của Việt Nam và giá gạo trong nước tiếp tục giảm do nguồn cung dồi dào trong khi nhu cầu của các nước nhập khẩu thấp. Diễn biến này sẽ còn duy trì trong thời gian tới.

Theo khảo sát của PV Báo ANTĐ, ngoài một số sản phẩm sữa của nhãn hiệu Abbott bán tại các đại lý ở Hà Nội tiếp tục tăng từ 10-15% tùy chủng loại trong tháng 6 như: các dòng sản phẩm Gain Plus IQ được các đại lý tăng tới 32.000 đồng/hộp 900 gram, lên mức 472.000 đồng/hộp. Sữa bột Glucerna dành cho người tiểu đường của hãng này cũng tăng rất mạnh, tới 57.000 đồng/hộp 900 gram, lên mức 660.000-663.000 đồng/hộp... thì các hãng sữa trong và ngoài nước vẫn giữ giá bán như hồi tháng 3 và tháng 4-2013. 

Trong khi đó, tại các siêu thị, các chương trình khuyến mãi vẫn được tổ chức liên tục và rầm rộ với hàng trăm mặt hàng khuyến mãi, giảm giá sâu đến 50% hoặc kèm theo quà tặng thiết thực. 

Khá lạc quan nhận định về giá cả các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu thời gian tới, các chuyên gia kinh tế cho rằng người tiêu dùng có thể tạm thời yên tâm về ngắn hạn, bởi sức mua các mặt hàng nói chung trên thị trường còn yếu, nguồn cung các mặt hàng này vẫn tương đối dồi dào. “Chỉ số giá tiêu dùng Hà Nội tháng 7-2013 sẽ tăng khoảng 0,15% so với tháng 6-2013”- một chuyên gia kinh tế dự báo.

Bên cạnh đó, Sở Công Thương Hà Nội cũng tiếp tục thực hiện nhiều biện pháp để đảm bảo ổn định giá cả. Đại diện cơ quan này cho hay, trong thời gian tới, Sở Công Thương Hà Nội sẽ chủ động nắm bắt tình hình thị trường, giá cả hàng hóa trên cơ sở đó cân đối cung cầu hàng hóa trên địa bàn thành phố; phối hợp cùng các ngành, các cấp chỉ đạo doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trên địa bàn chủ động duy trì nguồn hàng, có biện pháp khai thác, dự trữ đảm bảo đáp ứng đầy đủ nhu cầu người tiêu dùng, không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa. Đồng thời, duy trì thường xuyên việc tổ chức giao ban doanh nghiệp để thu thập thông tin, nắm bắt tình hình, kịp thời giải quyết hàng tồn kho, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, tạo thêm việc làm và duy trì tăng trưởng cũng như triển khai thực hiện “Kế hoạch cân đối cung cầu hàng hóa, ổn định giá cả thị trường một số mặt hàng thiết yếu trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2013”; phối hợp cùng UBND các quận, huyện, thị xã giới thiệu cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các địa điểm tại các khu đất trống để phát triển mạng lưới bán lẻ.