Sâu nặng một tình yêu

(ANTĐ) - Nhạc trưởng Graham Sutcliffe là một người ngoại quốc có tình cảm đặc biệt với Việt Nam. Ông đã dành nhiều tâm huyết trong việc thúc đẩy hợp tác, phát triển văn hóa - nghệ thuật giữa Việt Nam và Vương quốc Anh, tạo thành chiếc cầu nối quan trọng trong quan hệ hữu nghị văn hóa giữa hai quốc gia.

Sâu nặng một tình yêu

(ANTĐ) - Nhạc trưởng Graham Sutcliffe là một người ngoại quốc có tình cảm đặc biệt với Việt Nam. Ông đã dành nhiều tâm huyết trong việc thúc đẩy hợp tác, phát triển văn hóa - nghệ thuật giữa Việt Nam và Vương quốc Anh, tạo thành chiếc cầu nối quan trọng trong quan hệ hữu nghị văn hóa giữa hai quốc gia.

Có người gọi ông là nghệ sỹ, người khác thì gọi ông là nhạc trưởng của những dàn nhạc, hay có người lại gọi ông là người đàn ông ngoại quốc thân thuộc với Việt Nam, nhưng tất cả với tôi, ông là một con người tài năng, có một tấm lòng yêu đất nước tôi, tha thiết và chân thành! Năm 1990 Graham Sutcliffe đã đến Việt Nam. Lần đầu tiên ấy ông chỉ đơn thuần là một vị khách du lịch quá giang thăm thú một đất nước hoàn toàn xa lạ trong vài ngày. Nhưng không thể phủ nhận sức hút diệu kỳ mang tên Việt Nam khó cưỡng lại được là rõ rệt để sau đó, ông tiếp tục trở lại du lịch thêm một lần nữa. Thời gian trôi đi thật nhanh, 2 năm sau, người đàn ông ngoại quốc ấy thêm một lần nữa có mặt ở Việt Nam, nhưng chủ đích của chuyến đi này là rõ ràng - đi để ở lại, sinh sống và làm việc tại Việt Nam. 

Graham Sutcliffe là người Anh. Ngay từ thuở thiếu thời Graham đã có trong mình máu phiêu lưu. Ông muốn khám phá, tìm hiểu và muốn đi để biết nhiều hơn về con người và các nền văn hóa nằm ngoài nước Anh. Nhưng giấc mơ của Graham chỉ thành hiện thực sau khi tốt nghiệp ĐH Birmingham khoa Âm nhạc và Ngoại ngữ. Từ biệt gia đình Graham lên đường, đến và lưu lại tại nhiều miền đất trên thế giới; và ông bảo nơi ông ở lại lâu nhất để sống và làm việc là Đức, Singapore… và nay là Việt Nam.

Graham nhớ lại: “Ngay từ lần đầu tiên đặt chân đến Việt Nam tôi đã muốn sống tại nơi đây rồi. Đến giờ tôi vẫn đang đi tìm câu trả lời cho ý định trên nhưng chưa thỏa đáng - Âu cũng là cái duyên rồi định mệnh sắp đặt! TP.HCM ngày đó không có xe ôtô, xe máy cũng mới có, tôi đi từ sân bay đến trung tâm thành phố bằng chiếc taxi duy nhất. (Cười) Có thể nói ngày đó Việt Nam vẫn là một nước nghèo, nhưng con người thì rất “giàu” - họ giàu nụ cười, giàu tình yêu và giàu sự thân thiện. Mọi người ở TP.HCM chọn hình thức sinh hoạt ngoài trời khá phổ biến, thời tiết miền đất này hợp với cách sống như vậy, ai cũng đi uống café, “relax” lắm!

Trước khi đến Việt Nam tôi đang làm giáo viên dạy Anh ngữ tại Singapore; con người tôi có một nghề chính cũng là niềm đam mê là âm nhạc, nên đến TP.HCM tôi lại tiếp tục công việc giảng dạy Anh ngữ bởi lúc đó các Trung tâm Anh ngữ còn rất ít - môi trường này giúp tôi quen biết thêm rất nhiều người bạn, già - trẻ đều có và rất ham học tiếng Anh, tôi mừng vô cùng vì điều đó và dồn hết tâm huyết dạy cho họ. Với niềm đam mê âm nhạc đã giúp tôi làm quen với một số nhạc công chơi violin, tôi nói chuyện và chia sẻ với họ về âm nhạc, về nhạc cổ điển tại TP.HCM. Qua họ tôi biết đến Nhạc viện TP.HCM, nơi đây có một dàn nhạc nhỏ, rồi tôi được giới thiệu gặp gỡ GS.TS.NSND Quang Hải, Giám đốc Nhạc viện TP.HCM và tôi được mời đến chơi violon như một nhạc công cho dàn nhạc TP.HCM. Tôi gắn bó với nơi đây 5 năm trời, thời gian còn lại tôi tập hợp một số nghệ sỹ biểu diễn để trình diễn riêng do tôi làm nhạc trưởng”.

“Năm 1997, Hội đồng Anh có một dự án âm nhạc tại Hà Nội kéo dài 5 năm với Giáo sư chỉ huy của Nhạc viện Hoàng gia Anh; họ đã tìm đến tôi nhờ sự giúp đỡ. Tôi đã được mời làm trợ lý cho Giáo sư, qua công việc này tôi có cơ hội được làm việc với Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam (DNGHVN). Năm 2000, Hội đồng Anh tìm kiếm một người quản lý các dự án về nghệ thuật làm việc tại Hà Nội và tôi đã bắt đầu công việc này. Nửa ngày tôi dành chọn tâm huyết với công việc Giám đốc phụ trách dự án nghệ thuật của Hội đồng Anh; nửa ngày còn lại tôi giữ vai trò Chỉ huy trưởng của DNGHVN.

Tôi thích khái niệm “thời gian không miễn phí”, quả đúng là như vậy khi đi qua và quay đầu nhìn lại, 7 năm trời tôi đã gắn bó với DNGHVN trên cương vị chỉ huy. Đến năm 2007, Hội đồng Anh có một dự án lớn kéo dài 2 năm, tôi quyết định tham gia và công việc buộc tôi phải di chuyển rất nhiều trong các quốc gia khu vực Đông Nam Á, thật tiếc là sau đó tôi không còn dành nhiều thời gian cho DNGHVN. Đến giờ dự án với Hội đồng Anh đã kết thúc và tôi chỉ tập trung làm âm nhạc. Hiện tôi đang làm Chỉ huy trưởng của dàn nhạc tại Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam”... 

Tôi chủ động cắt những niềm miên man về quá khứ, về hành trình dài tại Việt Nam bằng một câu hỏi thẳng và thực tế: “Ông đã hiểu về con người Việt Nam sau ngần ấy thời gian sống ở nơi đây chưa?” - “Đôi khi chúng ta đi hết cả một đời người cũng chẳng thể hiểu tường tận về một con người huống chi cả một dân tộc. Nhưng sự thân thiện, cởi mở và sẵn sàng giúp đỡ người khác thật khác với người châu Âu. Đặc biệt là các bạn có văn hóa ngoài trời thật sự cuốn hút, nó khiến tôi tò mò và đam mê. Hãy cho tôi nói về con người Việt Nam dưới góc nhìn nghệ thuật, các bạn có một cá tính riêng, rõ nét, rất quyết liệt nhưng tinh tế, chính những điều này sẽ tạo nên điểm nhấn trong nghệ thuật đối với các quốc gia khác.

Tôi vẫn đang trên hành trình khám phá, tự tin nói rằng chỉ hiểu chút xíu thôi, tương lai của tôi vẫn còn ở phía trước, ở chính nơi đây mà!” - Graham chia sẻ. “Tôi hỏi tiếp về khó khăn ông gặp phải?” - “Một thực tế buộc tôi phải đối mặt đó là cuộc sống ở Việt Nam quá khác với quê hương tôi. Tôi chọn một cách sống đơn giản và ở môi trường nào cũng sống được bởi mong muốn tự mình khắc phục những khó khăn trong cuộc sống. Nhưng tính tương tác giữa các thành viên trong mỗi gia đình Việt Nam khiến tôi lạ lẫm, các bạn luôn cần và mong muốn sự sẻ chia, quan tâm hàng ngày, nó chặt chẽ khiến một người phương Tây như tôi khó thích nghi” - “Tại sao ông lại chọn Việt Nam làm điểm dừng chân lâu đến vậy?” - “Sống ở Anh hoặc châu Âu giúp tôi có thể kiếm được nhiều tiền hơn nhưng tôi vẫn chọn cuộc sống thú vị ở chính miền mảnh đất này. Tại sao ư, mấy ai định nghĩa được tình yêu (?) Tôi đến Việt Nam để làm âm nhạc và ngành Âm nhạc tại Việt Nam rất mới, thú vị. Ở châu Âu hoạt động âm nhạc là một nghề bình thường, không phải tất cả nhưng họ làm việc vì tiền. Còn ở Việt Nam, rất nhiều người làm nghệ thuật vì đam mê, điều này hay và lạ với một người như tôi. Đây là một cơ hội, một cách khác để làm âm nhạc không giống bất kỳ nơi đâu trên thế giới. Hơn cả tôi muốn đóng góp một chút khả năng cho việc phát triển âm nhạc giao hưởng, cổ điển tại Việt Nam”…

“Những ghi nhận đến tự nhiên như hơi thở, như là phần thưởng xứng đáng sau những gì đã cống hiến” - Tôi đã đọc được câu nói trên ở đâu đó, trong hoàn cảnh này thấy hợp với ông nên muốn hỏi về Tặng thưởng danh hiệu thành viên của dòng Hiệp sĩ Đế chế Anh ghi nhận những đóng góp của ông cho mối quan hệ văn hóa giữa Việt Nam và Vương quốc Anh? - “Đó là năm 2005, tôi thật sự bất ngờ, điều đặc biệt trước tiên dành cho tôi, bố mẹ và em gái tôi. Tôi trở về Anh, gặp Nữ hoàng tại Cung điện Buckingham. Một vinh dự, một niềm tự hào cho cả gia đình tôi. Chẳng có gì vĩ đại trên thế gian này lại có thể được làm nên nếu không có lòng đam mê!” - “Xin lỗi cho tôi thẳng thắn hỏi, nếu có một ngày ông thức dậy và không còn niềm đam mê quanh mình?” - “Đêm mê biến mất đồng nghĩa với việc cuộc sống của tôi sẽ “chết”. Cuộc đời tôi trở nên vô nghĩa nếu thiếu âm nhạc. Thế giới âm nhạc vô cùng rộng lớn, mà đi hết cuộc đời chẳng ai có thể biết tường tận về nó”. “Vậy nếu có một ngày ông thức dậy và phải rời xa Việt Nam?” - “Tôi đã nghĩ nhiều về điều đó! Bố mẹ tôi vẫn sống ở Anh, họ đã lớn tuổi và ngày càng yếu. Trong một vài năm nữa có lẽ tôi sẽ phải trở về quê hương để chăm sóc bố mẹ!” (Im lặng) “Khi xa rồi ông sẽ nhớ nhất điều gì?” - “Sao tôi kể hết được đây! Nhớ con người, thiên nhiên, nhớ âm thanh, hình ảnh, thói quen, ẩm thực… Việt Nam. Nhớ phong thái sống tích cực, sự lãng mạn và đa cảm, nhớ những giá trị truyền thống được đan xen hài hòa với những giá trị của nhân văn như sự trung thành, đề cao và tôn trọng tình bạn - tình yêu của người Việt Nam”…

Lần này thì ông xua tay bảo chuyển đề tài khác thôi vì nhắc đến sự chia xa buồn quá! Chính lúc này tôi mới nhìn khuôn mặt ông kỹ hơn, hơi lạnh nhưng trí tuệ hiện rõ với một tính cách ấn tượng rất Anh (Phớt-Ăng-lê). Ông lịch thiệp trong giao tiếp, không quá để tạo nên sự xa cách, vừa đủ để người đối diện muốn trò chuyện, khám phá... Đang trò chuyện, chợt ông giật mình nói: “Đã gần 20 năm tôi ở Việt Nam rồi, biết bao những dự án nghệ thuật, những kỷ niệm đã ở lại phía sau! Năm đầu tiên ở TP.HCM tôi chỉ đi xích lô, thuê hẳn một người đạp xích lô riêng, sau đó tôi học lái xe máy và mua một chiếc loại nhỏ, phân khối thấp và đội mũ bảo hiểm, chấp hành nghiêm chỉnh luật lệ giao thông. Tôi nghiện café Việt Nam và thường xuyên ăn cơm bụi”...

*      *      *

Tôi lặng yên nghe câu chuyện của ông và cảm nhận - một con người lúc nào cũng tự nhận mình bình thường, lãng đãng thả mình như cánh buồm trôi đi trong gió trời. Ông bay cao trên mặt đất để tới những vùng đất mới. Ngọn gió phương Tây thổi ông đi từ xứ sở sương mù qua các quốc gia khác để tới Việt Nam, đất nước hình chữ S với thế Rồng bay ở điểm Đông Nam châu Á. “Ý muốn chủ quan không thể tác động tới những điều tình cờ sẽ gặp trong đời. Cũng không phải chúng ta điều khiển được cuộc đời mình.

Chính cuộc sống đã làm điều ấy! Ngọn gió phương Tây và phương Đông đã mang tôi đi, tới một thế giới tốt đẹp, một đất nước tươi đẹp nó mang tên Việt Nam” - Ông chậm rãi chiêm nghiệm với tôi về quãng thời gian đã qua! Ông đã đến Việt Nam bằng cả tấm chân tình, mong muốn những điều tốt đẹp nhất cho đất nước tôi bằng những đóng góp nghệ thuật lớn lao. Theo cách nào đó, ông đã lần lượt trở thành “người Sài Gòn” rồi “người Hà Nội” trọn vẹn gần 20 năm. Hơn tất thảy, với tôi, người đàn ông ấy yêu Việt Nam!         

quân.trần