Sau một tuần thực hiện Nghị định 24: Nguy cơ hình thành "chợ đen"

ANTĐ - Nghị định 24 về quản lý và kinh doanh vàng miếng của Chính phủ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 25-5-2012. 
Mục đích của việc ban hành Nghị định 24 nhằm kéo giá vàng trong nước về sát giá thế giới. Tuy nhiên, hiện tại giá vàng trong nước và thế giới vẫn có sự chênh lệch khá lớn, có thời điểm lên tới 2 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, giá vàng miếng SJC vẫn cao hơn thương hiệu vàng miếng khác 1 triệu đồng/lượng. Chính vì vậy khách hàng vẫn phải chịu thiệt kép và đang bị mắc kẹt giữa các mức giá chênh lệch không đáng có này.

Ảnh minh họa (Interet)

Giá vàng thế giới và trong nước chênh lệch lớn

Nghị định 24 và Thông tư 16 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng mặc dù đã được thực thi nhưng kể từ khi ban hành, giá vàng trong nước và thế giới vẫn có sự chênh lệch rất lớn, chỉ có một thời gian rất ngắn là 430.000 đồng/lượng, sau đó luôn duy trì mức chênh lệch từ 1,5-2 triệu đồng/lượng. Ông Cao Sĩ Kiêm, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho biết: Thị trường vàng vẫn còn hai nút thắt mà không giải quyết sẽ dễ nảy sinh tình trạng lách luật. Nút thắt thứ nhất là chưa huy động được vàng trong dân, nút thắt thứ hai là chưa đảm bảo được sự liên thông giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho rằng, giá vàng trong nước và thế giới chênh lệch 400.000 đồng/lượng là chấp nhận được, song chênh lệch giá hiện nay vẫn thường xuyên ở mức 2 - 3 triệu đồng/lượng, chứng tỏ có yếu tố tâm lý, yếu tố đầu cơ, làm giá, có yếu tố quản lý không tốt. Muốn để giá vàng trong nước thông thương với giá thế giới, Nhà nước phải quản lý hoàn toàn hoạt động xuất nhập khẩu. Nghị định quản lý hoạt động kinh doanh vàng có bước tiến là Nhà nước độc quyền sản xuất, kinh doanh vàng miếng, song việc này phải thực hiện nghiêm túc, triệt để nhằm tránh lách luật.

Như vậy, nếu như giá quốc tế và nội địa quá chênh lệch, sẽ dẫn đến tình trạng nhập lậu vàng có nguy cơ bùng phát. Khoản vênh 2 triệu đồng/lượng là quá hấp dẫn với những người buôn lậu vàng thời điểm này. Tuy nhiên, nếu trình trạng nhập lậu vàng gia tăng, đặc biệt qua con đường tiểu ngạch, sẽ là yếu tố gây bất ổn đến nền kinh tế, tác động không tốt đến tỷ giá USD trên thị trường tự do. Dòng tiền của người dân thay vì đầu tư cho sản xuất kinh doanh thì lại đổ vào vàng.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, Ngân hàng Nhà nước nên mở kênh đầu tư kinh doanh vàng trên tài khoản, giúp nhà đầu tư giảm tập trung vào vàng vật chất, để không dẫn đến việc nhập khẩu vàng ồ ạt. Đồng thời hoạt động kinh doanh vàng thông qua sàn hoàn toàn có thể kiểm soát được khối lượng mua bán. Bên cạnh đó, nếu như Ngân hàng Nhà nước cho phép các doanh nghiệp uy tín có thể xuất nhập khẩu vàng thông thường với quốc tế, sẽ giúp giảm cơ hội nhập khẩu vàng lậu và kéo giá vàng trong nước sát với giá vàng thế giới.

Vàng phi SJC vẫn bị ép giá

Với Thông tư số 16/2012/TT-NHNN, hàng nghìn hiệu vàng nhỏ lẻ có thêm 6 tháng chuyển tiếp đối với hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng.

Tuy nhiên, điều mà người dân và doanh nghiệp đang sở hữu vàng miếng phi SJC mong chờ nhất là lộ trình chuyển đổi vàng miếng phi SJC ra sao, cách thức chuyển đổi thế nào, thì không thấy NHNN đề cập. Trong khi đó, từ cuối năm ngoái, khi NHNN tuyên bố vàng SJC sẽ trở thành thương hiệu độc quyền, đến nay giá vàng miếng phi SJC ngày càng giãn cách lớn so với vàng SJC về giá. Hiện giá vàng SJC vẫn cao hơn các thương hiệu khác 1 triệu đồng/lượng.

Chị Nguyễn Hương Mai, quận Ba Đình cầm 2 lượng vàng SBJ đến hiệu vàng gần nhà bán nhưng bị ép giá thấp hơn 1,8 triệu so với vàng SJC cùng thời điểm. Mang đi các cửa hàng vàng khác chị cũng nhận được mức giá như trên. Chủ cửa hàng nói mua vàng đó vào không bán được, chủ yếu để chế tác nữ trang nên khách hàng phải chấp nhận giá rẻ. Nhiều người khác cũng có cùng tâm lý vô cùng bức xúc khi giá vàng miếng không phải của SJC bị phân biệt đối xử. Không chỉ vàng miếng SBJ mà vàng miếng nhiều thương hiệu khác như NJC (Thần Tài Phương Nam), Rồng vàng Thăng Long, AAA cũng chịu cảnh tương tự.

Người tiêu dùng giữ vàng không phải của SJC thì chịu thiệt. Còn doanh nghiệp kinh doanh vàng lại chớp thời cơ “có một không hai” này để gom vàng miếng phi SJC kiếm lời. Anh Nguyễn Hồng Anh, chủ tiệm vàng Hồng Anh (Nghĩa Tân, Cầu Giấy) cho biết: Giá vàng phi SJC hiện nay khá rẻ. Sau 6 tháng nữa, khi Nghị định và Thông tư có hiệu lực thì sẽ khó mua vào nên chúng tôi phải tích trữ vàng từ bây giờ để làm nguyên liệu chế tác ra vàng trang sức sau này.

Theo nhận định của một chuyên gia trong giới kinh doanh vàng thì chỉ người dân “trót” mua vàng phi SJC trước đó bị oan uổng khi phải bán giá thấp, còn những doanh nghiệp thu mua vàng khác SJC sẽ thu lời, vì “vàng nào chả là vàng” sau khi vàng phi SJC được đưa vào nung chảy, gia công, đúc thành những thỏi vàng, có thể sau đó lại hóa thành vàng SJC.

Để giải quyết tình trạng “chê” vàng miếng không phải thương hiệu SJC, các công ty vàng đều kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cần sớm công bố chuyển đổi vàng miếng loại này thành vàng miếng SJC để ổn định tâm lý cho người dân. Hiện nay do chưa được hướng dẫn nên vàng miếng không phải thương hiệu SJC chỉ có chiều mua vào chứ không bán ra được, khiến doanh nghiệp bị chôn vốn. Do vậy buộc doanh nghiệp phải niêm yết giá thấp để hạn chế mua vào. Dư luận cho rằng Ngân hàng Nhà nước cần cho phép những loại vàng này khi kiểm định nếu đủ trọng lượng, chất lượng thì cho chuyển đổi sang vàng miếng SJC. Ngân hàng Nhà nước có thể thu một số phí nhất định, chẳng hạn mức 60.000 đồng/lượng như mức Công ty SJC thu trước đây.

Bên cạnh đó, các miếng vàng SJC bị móp méo, không đủ tiêu chuẩn cũng bị từ chối mua vào. Trước đây đổi vàng móp méo rất dễ, chỉ cần bù 60.000 đồng phí gia công. Quy định hiện nay khiến cho các hiệu vàng rất khó khăn vì phải ôm hàng, trong khi giá vàng biến động liên tục. 

Có thể sẽ “lách” luật

Theo Thông tư, sẽ có 6 tháng để các đơn vị mua bán vàng miếng đăng ký, xin giấy phép. Nơi nào đang mua, bán thì cứ mua, bán, chờ khi có hướng dẫn cụ thể. Cả nước hiện nay có khoảng 12.000 hộ kinh doanh nhỏ lẻ đang phải loay hoay tìm lối thoát.

Theo quy định tại Nghị định 24 nêu rõ, doanh nghiệp được NHNN xem cấp cấp giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng chỉ khi đáp ứng đủ 5 điều kiện: doanh nghiệp thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật, có vốn điều lệ từ 100 tỷ đồng trở lên, có số thuế đã nộp của hoạt động kinh doanh vàng từ 500 triệu đồng/năm trở lên trong 2 năm liên tiếp gần nhất, có mạng lưới chi nhánh, địa điểm bán hàng tại Việt Nam từ 3 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên, có kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh mua, bán vàng từ 2 năm trở lên. Theo quy định này, sẽ có khoảng 90% các hộ kinh doanh nhỏ lẻ không đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh vàng miếng. Chính những quy định này đã  tạo cú sốc khiến cho hoạt động mua bán vàng của nhà đầu tư và người dân trở nên trầm lắng, dù giá vàng đã giảm rất nhiều.

Như vậy sắp tới hàng loạt doanh nghiệp đang mua, bán vàng miếng chỉ còn được kinh doanh vàng nữ trang. Tuy nhiên, theo giới kinh doanh vàng, 95% lợi nhuận hiện nay của các tiệm vàng là từ kinh doanh vàng miếng, còn mặt hàng nữ trang chỉ là thứ yếu, do làm nữ trang chi phí nhân công cao, chi phí đầu tư máy móc thiết bị lại lớn, trong khi nhu cầu mua không nhiều như vàng miếng.

Hiện nay vẫn còn một lượng lớn vàng đang được găm giữ ở dân cư, ước tính là 5.000 tấn, cộng thêm việc chênh lệch giá vàng trong nước và giá vàng thế giới, nhiều chuyên gia tài chính dự báo các doanh nghiệp kinh doanh vàng có thể sẽ “lách luật”, cung cấp ra thị trường các sản phẩm trang sức biến tướng: nhẫn, lắc, vòng khối lượng lớn. Bên cạnh đó, việc mua bán vàng miếng chỉ tập trung tại một số tổ chức tín dụng và doanh nghiệp được cấp phép có thể sẽ dẫn đến nguy cơ phát sinh thị trường chợ đen tại những vùng sâu, vùng xa. Vì vậy Nhà nước cần sớm nghiên cứu, xây dựng đề án huy động vàng trong dân, cung cấp thông tin đầy đủ, ngăn ngừa tình trạng đầu cơ, lợi dụng chính sách để trục lợi. Ngoài ra cần sớm thúc đẩy các biện pháp kéo giá vàng trong nước sát thị trường thế giới, ban hành quy định chuyển đổi vàng phi SJC sang vàng SJC để người dân không bị thiệt. Việc giá vàng trong nước và thế giới chênh lệch quá cao cho thấy vẫn có “bàn tay” làm giá, đầu cơ trong thời gian qua.