Sau mở rộng quốc lộ 1: Tăng gánh nặng phí

ANTĐ - Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ1 (QL) đã được phê duyệt với hình thức dùng vốn Nhà nước và xã hội hóa, trong đó, đoạn đường xã hội hóa chiếm phần lớn. Dù chưa hoàn thành, nhưng người dân cũng như nhiều doanh nghiệp (DN) vận tải lo ngại, tuyến đường này sẽ làm tăng thêm gánh nặng phí.

Sẽ có khoảng 24 trạm phí BOT trên QL1 sau khi mở rộng

QL1 sẽ có 24 trạm thu phí BOT

Bộ  GTVT cho biết, QL1 từ Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh dài hơn 1.700 km, là tuyến đường huyết mạch Bắc - Nam. Đến nay, lượng xe đi lại đã quá tải, nhiều đoạn không đáp ứng được. Theo khảo sát của Bộ này, một số đoạn mật độ phương tiện quá lớn, trung bình từ 20.000-30.000 xe/ngày đêm. Vừa không đáp ứng được về năng lực vận tải, vừa tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông. Do đó, Dự án nâng cấp mở rộng QL1 đã được phê duyệt, với phương án 4 làn xe. Đến năm 2016, mở rộng xong các đoạn, tuyến trọng yếu và đến năm 2020 sẽ hoàn tất. Tổng số vốn dự toán phải dùng cho Dự án này khoảng 120.000 tỷ đồng. Ông Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng Bộ GTVT nhận định: “Đây là số vốn quá lớn trong bối cảnh ngân sách Nhà nước eo hẹp, khó khăn như hiện nay. Bởi vậy, để đủ kinh phí thực hiện, Dự án mở rộng QL1 phải huy động nguồn lực của xã hội qua hình thức BOT (xây dựng, kinh doanh, chuyển giao) và PPP (hợp tác công tư)”. 

Theo đó, với chiều dài hơn 1.700km, khoảng 1.000km sẽ được đầu tư theo hình thức BOT, còn 700km sẽ được đầu tư bằng tiền ngân sách Nhà nước. Đáng nói, các đoạn đường được đầu tư bằng vốn ngân sách sẽ xen kẽ với các đoạn đầu tư bằng BOT. Nhiều chuyên gia cho rằng, điều này gây bất lợi cho người dân. Vì, theo Thông tư 90 của Bộ Tài chính, cứ 70km sẽ được lập một trạm thu phí BOT. Các trạm thu phí này sẽ tồn tại khoảng 25 năm để thu phí hoàn vốn cho nhà đầu tư. Ông  Nguyễn Hồng Trường cho biết,  toàn tuyến QL1 khi hoàn thành xong sẽ có khoảng 24 trạm. Từ năm 2016, mức thu phí tại các trạm sẽ được tăng lên 3,5 lần so với mức giá hiện nay: “Như vậy, cự ly đặt trạm thu phí trên tuyến QL1 mở rộng nằm đúng theo cự ly quy định của Bộ Tài chính, không có việc dày đặc. Mức phí có tăng lên 3,5 lần so với một số nước trong khu vực hay Trung Quốc thì cũng chỉ ở mức trung bình!”.

Gánh nặng phí đổ lên đầu người tiêu dùng

Việc nâng cấp, mở rộng QL1 theo nhận định là cần thiết, bởi đây là tuyến đường bộ huyết mạch nối Bắc - Nam duy nhất hiện nay. Song, người dân cùng hàng nghìn DN vận tải bắt đầu thêm một mối lo, gánh nặng phí khi Dự án này kết thúc, các trạm thu phí được lập lên. 

Tính toán của một DN vận tải Bắc - Nam cho thấy, mỗi tháng, một xe container phải đóng phí bảo trì đường bộ là 1,4 triệu đồng. Di chuyển từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội sẽ phải qua khoảng 20 trạm thu phí. Vậy xe container này sẽ phải cõng trên lưng mức phí rất lớn. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội ô tô vận tải Việt Nam cho rằng, DN vận tải chưa kịp mừng vì các trạm thu phí bị xóa bỏ sau khi phí bảo trì đường bộ chính thức thu, thì đã phải lo vì các trạm BOT mọc thêm nhiều hơn. “Nhà nước nên xem xét điều chỉnh, nếu không giảm bớt mức phí bảo trì hàng năm, thì phải tính toán loại bỏ phần bảo trì đường bộ trong phí BOT thay vì cho tăng lên tới 3,5 lần. Ngược lại, nếu buộc phải giữ mức thu cao để đảm bảo hoàn vốn và có lãi cho nhà đầu tư, thì phải cân đối tính toán giảm bớt mức phí bảo trì, làm sao để cân đối mức phí phải đóng vẫn trong sức chịu đựng của người dân, DN”, ông Hùng đề xuất. Tuy nhiên, ông Nguyễn Hồng Trường cho hay, Quỹ bảo trì đường bộ và phí qua trạm BOT là hai nguồn thu hoàn toàn khác nhau. Song, tùy theo tình hình cụ thể, Bộ GTVT sẽ kiến nghị Bộ Tài chính giảm mức thu ở một số đoạn nhất định. Hơn nữa, cũng sẽ không tăng đồng loạt hơn 20 trạm thu phí cùng một lúc, một mức, mà có thể từ 2-3,5 lần. 

Mặc dù gánh nặng phí trước tiên sẽ đổ lên các DN vận tải đường dài, nhưng thực chất DN sẽ cơ cấu vào giá thành. Xe phải đóng thêm 1 triệu thì tính vào giá cước 1 triệu, nên áp lực giá sẽ đẩy trực tiếp ra xã hội và người dân phải gánh. Trong khi đó, người dân cũng như DN vận tải không có sự lựa chọn lưu thông nào khác. “Người dân và DN vận tải sẽ ủng hộ. Sau khi QL1 nâng cấp xong, thời gian đi lại sẽ rút ngắn, giảm chi phí xăng dầu. Như vậy, nếu có đóng thêm phí BOT thì về thực chất cũng không làm gia tăng chi phí cho DN. Nếu chỉ trông chờ vào Ngân sách Nhà nước thì đến năm 2020, QL1 cũng chỉ nâng cấp được một số đoạn mà thôi”. Ông Nguyễn Hồng Trường lý giải.