Sau dịch Ebola, nạn cướp mộ lại hoành hành

ANTĐ - Osman, chồng của bà Salamatu Sheriff là một trong khoảng 4.000 người Sierra Leone qua đời khi dịch Ebola bùng phát ở Tây Phi 2 năm trước. Hồi tháng 2-2016, nỗi đau của Sheriff bị khuấy lên một lần nữa. “Mộ chồng tôi bị bật lên và bị cướp đi tất cả từ đồ gốm, hoa đến những vật trang trí khác”, người phụ nữ 45 tuổi ở ngoại ô phía Tây của Thủ đô Freetown, Sierra Leone tâm sự. Không chỉ một mình bà Salamatu Sheriff, nhiều người khác cũng gặp hoàn cảnh trớ trêu như vậy. 

Sau dịch Ebola, nạn cướp mộ lại hoành hành ảnh 1Nhiều nghĩa trang ở Freetown, Sierra Leone gần đây liên tục xảy ra hiện tượng đào trộm mộ

Lấy cắp cả quan tài

Những kẻ cướp mộ đã đào bới hơn 250 ngôi mộ ở 7 nghĩa trang của Freetown trong tháng Giêng và đầu tháng hai năm nay, theo số liệu của hội đồng thành phố. Các vụ trộm này đã gây phẫn nộ sâu sắc trong dân chúng ở một quốc gia vẫn đang khắc phục hậu quả tàn phá do dịch bệnh Ebola.

“Tại sao họ không để người chết được yên nghỉ, việc làm đó là kinh động đến người chết”, Sulaiman Zainu-Parker, cán bộ thuộc Hội đồng Môi trường và xã hội của thành phố nói. “Những kẻ cướp mộ là một sự sỉ nhục đối với đất nước chúng tôi”.

Nghĩa trang Kingtom có lẽ là nơi bị những kẻ cướp mộ hoành hành nhiều nhất. Đây là nơi chôn cất của nhiều nạn nhân Ebola vì nhà chức trách muốn khoanh vùng, tập trung những người chết vì nhiễm bệnh đề phòng virus tiếp tục lây lan. Khoảng 60% trong số hơn 6.000 ngôi mộ tại nghĩa trang này là nơi yên nghỉ của nạn nhân Ebola, bao gồm cả người theo Kitô giáo và Hồi giáo.

Dễ dàng nhận thấy nguyên nhân những tên trộm nhắm vào các ngôi mộ ở đây. Đó là bởi người Sierra Leone dù nghèo nhưng vẫn chôn cất người thân cùng với những món đồ trang sức, quần áo tốt và các mặt hàng có giá trị khác, chưa kể những khoản chi hào phóng cho trang trí hầm mộ và quan tài.

Sally Cole, 48 tuổi, cho biết, ngôi mộ người cha quá cố của bà đã bị bật lên và mất chiếc quan tài trị giá khoảng 1.000USD. Cha bà qua đời vì tuổi cao, không phải vì virus Ebola. Khi bà và gia đình đến nghĩa trang Kingtom nhân dịp lễ Phục Sinh thì phát hiện ngôi mộ đã bị đào trộm. “Làm sao người ta có thể ăn trộm những thứ của một người đã mất 2 năm trước cơ chứ?”, Sally Cole nói. 

Những người biết chuyện cho biết, bọn trộm dùng xà cầy và búa tạ để trộm mộ. Đôi khi chúng bỏ thi hài ra rồi mang đi những chiếc quan tài bằng gỗ gụ đắt tiền. Họ nghi ngờ những chiếc quan tài sau đó được bán cho một số nhà kinh doanh dịch vụ tang lễ địa phương. 

 Chưa thoát ra khỏi “cơn ác mộng”

Làn sóng cướp bóc là diễn biến mới nhất trong “cơn ác mộng” về y tế công cộng ở Sierra Leone. Sierra Leone, Guinea và Liberia - 3 nước nghèo Tây Phi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Ebola đang cố gắng gượng dậy với sự trợ giúp của cộng đồng quốc tế.

Tổ chức Y tế Thế giới, WHO đã tuyên bố Sierra Leone hết dịch Ebola hồi tháng 11-2015, nhưng đến tháng 1-2016, nước này lại xuất hiện 2 trường hợp, trong đó có một ca tử vong và một ca sống sót. Tuy nhiên, WHO còn cảnh báo virus Ebola cũng đã xuất hiện trong sữa mẹ và tinh dịch sau khi các triệu chứng của khoảng 10.000 người bệnh đã được cải thiện.

Về hiện tượng đào trộm mộ, chuyên gia y tế ở đây cho biết, thi thể đã chôn nhiều tháng sẽ không có khả năng lây truyền virus Ebola nhưng lại có thể mang mầm bệnh khác, đặc biệt là khi những kẻ cướp mộ bỏ lại những ngôi mộ bị bật toang.

Ông Sidie Yayah, Giám đốc truyền thông của Trung tâm ứng phó với dịch Ebola quốc gia Sierra Leone nhấn mạnh: “Khi thi hài để lộ ra, tiếp xúc với không khí vì bất cứ lý do gì, cũng sẽ  gây ảnh hưởng đến môi trường và cần phải được xử lý kịp thời”.

Christopher Coker, một nông dân 50 tuổi kể, ngôi mộ anh trai ông tại nghĩa trang thị xã Ascension đã bị đánh cắp khá nhiều hiện vật, trong đó có cả chiếc nhẫn cưới chôn cùng người chết, điều đó có nghĩa là bọn trộm phải tìm đến những người có khả năng tiêu thụ những món đồ đó.

“Cảnh sát cần điều tra người làm việc ở nhà xác vì chỉ những người đó mới mua những thứ như vậy bởi họ biết cách tái sử dụng”, ông Christopher đề xuất. Có ý kiến cho rằng, những người làm việc ở nghĩa trang biết chính xác những gia đình giàu có chôn theo vật gì quý.

Chính quyền thành phố đã bố trí thêm nhân viên an ninh canh gác tại các nghĩa trang khắp Thủ đô và các vùng lân cận, tuy vậy, cho đến giờ vẫn chưa có đối tượng nào bị bắt giữ.