Sau chiến thắng của đội bóng đá U23 Việt Nam: Đừng ăn mừng kiểu quá khích

ANTD.VN -Tối 20-1, ngay sau chiến thắng lịch sử của đội tuyển bóng đá U23 Việt Nam, nhiều người dân đã đổ ra đường ăn mừng chiến tích này. Tuy vậy, do quá khích, một số thanh niên đã trèo lên nóc xe buýt để nhảy múa, đốt pháo sáng trên đường, phóng xe máy với tốc độ cao nhưng không đội mũ bảo hiểm.

Liên quan những hành vi trên, Luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội, cho rằng đối tượng thực hiện hành vi không những gây nguy hiểm cho bản thân mà còn đe dọa sự an toàn của những người khác, ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự nơi công cộng, có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Đối với việc đốt pháo sáng trên một số tuyến đường, theo Chỉ thị 406-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc cấm sản xuất, buôn bán và đốt pháo, kể từ 1-1-1995 nghiêm cấm sản xuất, buôn bán và đốt các loại pháo nổ, thuốc pháo nổ trong phạm vi cả nước (trừ các loại pháo hoa và thuốc làm pháo hoa).

Để ăn mừng chiến thắng của đội tuyển U23, một số người đã đốt pháo sáng trên đường

Theo quy định này, từ năm 1995, Nhà nước đã cấm việc sản xuất, buôn bán các loại pháo nổ, thuốc pháo nổ trên toàn quốc nhằm đảm bảo an toàn cho con người, đảm bảo an ninh trật tự. Tuy nhiên, các loại pháo hoa thì vẫn được phép sử dụng nhưng chủ thể là cơ quan có thẩm quyền.

Điều 5 Nghị định số 36/2009/NĐ-CP về quản lý, sử dụng pháo nêu rõ, các loại pháo, sản phẩm pháo được sử dụng gồm: Pháo hoa do Bộ Quốc phòng sản xuất, nhập khẩu để tổ chức bắn pháo hoa đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép; Pháo hoa do tổ chức, cá nhân nước ngoài được Thủ tướng cho phép và được Bộ Công an cấp giấy phép mang vào Việt Nam để dự thi bắn pháo hoa; Pháo hiệu dùng trong các hoạt động báo áp thấp nhiệt đới, bão, lũ, cứu hộ, cứu nạn, giao thông vận tải và hoạt động quân sự.

Ngoài ra, các sản phẩm như pháo hoa lễ hội bằng giấy (trừ loại hoa có chứa kim loại), pháo điện, pháo trang trí bằng giấy, bằng nhựa, bằng tre, trúc, kim loại; que hương phát sáng; các sản phẩm phát tín hiệu ánh sáng, màu sắc, âm thanh  cũng được dùng trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ không gây nên tiếng nổ.

Như vậy, theo quy định trên, hành vi đốt pháo sáng không bị pháp luật cấm nên người dân được phép sử dụng. Tuy nhiên, việc đốt và ném pháo sáng trên các tuyến đường, tại nơi công cộng sẽ làm tăng nguy cơ xảy ra tai nạn, hỏa hoạn nên có thể bị xử lý về hành vi gây mất trật tự công cộng.

Khoản 1 điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình quy định, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100- 300.000 đồng đối với một trong những hành vi gây mất trật tự ở rạp hát, rạp chiếu phim, nhà văn hóa, câu lạc bộ, nơi biểu diễn nghệ thuật, nơi tổ chức các hoạt động thể dục, thể thao, lễ hội, triển lãm, hội chợ, trụ sở cơ quan, tổ chức, khu dân cư, trường học, bệnh viện, nhà ga, bến tàu, bến xe, trên đường phố, ở khu vực cửa khẩu, cảng hoặc ở nơi công cộng khác.

“Bên cạnh đó, những hành vi như điều khiển xe máy không đội mũ bảo hiểm vượt quá tốc độ quy định hay trèo lên nóc xe buýt đang lưu thông để nhảy múa cũng sẽ bị xử lý theo quy định hiện hành. Nhằm hạn chế những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra, mỗi người dân khi ăn mừng cần thể hiện sự văn minh và trong giới hạn kiểm soát, không nên quá khích kẻo rước họa cho bản thân và gây nguy hiểm với những người khác” – Luật sư Lê Hồng Vân khuyến cáo.