Sau báo cáo kiểm toán là gì?

ANTD.VN - Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2016 của Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra nhiều sai phạm trong hoạt động quản lý, sử dụng tài sản công. 

Chẳng hạn như trong quản lý, sử dụng, thanh lý xe ô tô công vẫn còn tình trạng xe dôi dư so với định mức, chưa hoàn thành việc rà soát, sắp xếp để báo cáo về Bộ Tài chính song vẫn mua sắm thêm. Việc thanh lý xe ô tô công chưa đảm bảo điều kiện về thời gian sử dụng được thanh lý theo quy định. Nhiều đơn vị, địa phương trang bị xe ô tô và xe chuyên dùng cho đơn vị không có tiêu chuẩn được trang bị xe. 

Trong công tác đầu tư, mua sắm, quản lý và sử dụng trang thiết bị y tế, Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra nhiều thất thoát, lãng phí. Trong đó, những tồn tại, tiêu cực trong đấu thầu, mua sắm thiết bị y tế vốn nhức nhối một lần nữa được khẳng định lại qua những con số. Cùng một loại vật tư, hóa chất của cùng một nhà cung cấp nhưng có sự chênh lệch rất lớn giữa giá được phê duyệt cao nhất và thấp nhất, có loại chênh lệch gấp 6-7 lần. 

Đáng nói, việc đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế nhiều trường hợp có sự bất hợp lý nghiêm trọng. Một số thiết bị có giá bán so với giá nhập khẩu cao từ 4-7 lần, cá biệt có thiết bị cao hơn tới hơn 20 lần (giá mua 114 triệu đồng nhưng giá nhập khẩu chỉ có 5,3 triệu đồng)…

Thật ra, câu chuyện chi tiêu lãng phí, thậm chí tư túi của công vốn không phải là chuyện hiếm trong các cơ quan công quyền,  trong khi cơ quan nào cũng ra rả hô hào khẩu hiệu “tiết kiệm, chống lãng phí”. Thời gian gần đây, Chính phủ yêu cầu thực hiện “tiết kiệm, chống lãng phí” cấp thiết hơn bao giờ hết, bằng các hành động cụ thể như thí điểm khoán xe công, như xây dựng Luật Quản lý, sử dụng tài sản công… nhưng thực tế cho thấy việc thực hiện ở các cấp, các ngành, địa phương vẫn chưa thực sự nghiêm túc. 

Chính vì thế, mới có tình trạng tỉnh nghèo, luôn thiếu ngân sách, thậm chí còn thường xuyên phải xin Trung ương hỗ trợ vậy mà  vẫn xây tượng đài khủng, xây chợ bỏ hoang, rồi chuyện quan chức càng to nhà càng lớn, cán bộ đi học tập kinh nghiệm, đi theo đoàn công tác để tranh thủ tham quan, du lịch… 

Cái lớn cũng tư túi, cái nhỏ cũng vơ vét. Đó là một trong những nguyên nhân góp phần không nhỏ vào khối nợ công sát trần của nền kinh tế nước nhà. Chính vì thế, những vấn đề đã được chỉ ra, như trong kết quả kiểm toán vừa qua, rất cần được làm rõ. Có sai phạm hay không, sai ở đâu, ai là người phải chịu trách nhiệm và phải có hình thức xử lý đích đáng. Hy vọng, những kiến nghị xử lý sau kiểm toán sẽ được thực hiện nghiêm túc, không để tình trạng năm trước sai phạm, năm sau vẫn lặp lại sai phạm ấy vì không có cá nhân nào phải chịu trách nhiệm.