Sau 50 tuổi, người Việt Nam thường bị suy giảm sức khỏe sớm

ANTĐ - Theo quy luật của tạo hóa, bước vào độ tuổi 50, sức khỏe chúng ta bắt đầu suy giảm, hấp thu kém đi, cơ thể hay bị nhức mỏi. Tuy nhiên, theo BS Nguyễn Viết Quỳnh Thư – Trưởng khoa Dinh dưỡng, bệnh viện Nguyễn Tri Phương thì ở người Việt Nam còn kém hơn nữa. Và bổ sung dinh dưỡng là cách tốt nhất để U50+ nâng cao sức khỏe, để có thể tự do tận hưởng cuộc sống sau rất nhiều năm cống hiến cho gia đình, xã hội.

Vì sao bước qua tuổi 50 thường bị suy giảm sức khỏe?

Bác sĩ Quỳnh Thư cung cấp những con số thống kê khiến nhiều người giật mình: đến 95% người lớn tuổi có vấn đề về sức khỏe và chủ yếu mắc các bệnh mãn tính không lây nhiễm (gồm xương khớp, tim mạch và huyết áp, tiền liệt tuyến, rối loạn tiểu tiện…), đến 22,9% người trung niên có sức khỏe kém, trung bình một người có tuổi mắc 2,69 bệnh. Trong đó, những người có sức khỏe tốt chỉ chiếm một tỉ lệ rất nhỏ: 5,23%.

Sau tuổi 50, mọi người cần thay đổi thói quen dinh dưỡng để sống khỏe mạnh hơn

Và điều này dẫn đến nghịch lý: sau rất nhiều năm cống hiến cho gia đình, xã hội, lẽ ra sau tuổi 50, mọi người có thể tận hưởng cuộc sống tự do, làm điều mình muốn thì họ lại phải dành quãng thời gian còn lại để chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cá nhân.

Cũng theo BS Quỳnh Thư thì ngoài các yếu tố không thể thay đổi như ô nhiễm môi trường, thì lối sống và chế độ ăn uống là nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng này. Khi lớn tuổi, cơ quan tiêu hóa hoạt động kém hơn trước, khả năng hấp thu dưỡng chất của cơ thể giảm, trong khi đó thói quen ăn uống vẫn không hề thay đổi dẫn đến thiếu hụt dinh dưỡng từ chế độ ăn hằng ngày.

Việc suy giảm sức khỏe nhanh và đáng báo động nếu xuất hiện các triệu chứng sau: Hay cảm giác mệt mỏi trong người; Giảm sức nắm; Giảm các hoạt động thể lực, giảm tốc độ đi bộ; Có cảm giác khó thở khi gắng sức: leo cầu thang, lên dốc, khiêng vật nặng; Ăn uống khó tiêu, chán ăn, hay bị rối loạn tiêu hóa; Đau nhức các vùng cơ xương khớp, đau lưng; Thỉnh thoảng có những cơn đau thắt vùng ngực; Nhức đầu, chóng mặt, trí nhớ suy giảm; Hay bị cảm lạnh, ho khi thay đổi thời tiết; Sụt cân không chủ ý…

Do đó, nếu không có chế độ dinh dưỡng hợp lý thì sự suy giảm sức khỏe là không thể tránh khỏi.

Thay đổi thói quen dinh dưỡng để sống khỏe mạnh hơn

Các chuyên gia dinh dưỡng đều nhận định: người Việt Nam dù đã bước sang tuổi 50 vẫn duy trì thói quen dinh dưỡng như thời trẻ, như: Ăn uống tùy nghi theo sở thích; ăn thực phẩm chứa nhiều muối, nhiều đường; không biết cách bổ sung dinh dưỡng; từ chối uống sữa... Chính chế độ ăn không cân đối này cộng với cơ quan tiêu hóa hoạt động kém khiến cơ thể hay bị thiếu chất, dẫn đến tình trạng mệt mỏi, sức đề kháng yếu, giảm khả năng chống chọi khi bệnh tật tấn công.

Bác sĩ Quỳnh Thư khẳng định: “Chế độ dinh dưỡng của tuổi U50 cần cung cấp đủ các chất dinh dưỡng để duy trì các hoạt động của cơ thể và còn phải giúp phòng chống bệnh tật, nâng cao sức khỏe”. Do đó, các bữa ăn trong một ngày cần hội tụ đủ 4 nhóm dưỡng chất gồm chất đạm (khoảng 1-1,2g/kg/ngày), chất béo (chiếm 20-30% tổng năng lượng), chất bột (khoảng 50-60% tổng năng lượng) và rau xanh (khoảng 300g), trái cây tươi (khoảng 200g) để cung cấp vitamin, khoáng chất, chất xơ…Việc chế biến cần phải đảm bảo để cơ thể dễ hấp thu hơn.

Đó là lý do, các bác sĩ dinh dưỡng thường khuyên người trong độ tuổi heo may nên tập thói quen uống sữa dành riêng tuổi trung niên hằng ngày, để đảm bảo cơ thể được cung cấp đủ lượng dưỡng chất này. Vì các loại sữa này có bổ sung nhiều vitamin, khoáng chất, MUFA, PUFA cùng một số acid béo thiết yếu tốt cho tim mạch, trí nhớ và cả hàm lượng lớn chất xơ tốt cho tiêu hóa, giúp việc bổ sung dưỡng chất tiện lợi và dễ dàng hơn.