Sau 2 tháng tăng mức xử phạt an toàn thực phẩm gấp 5-7 lần, áp dụng còn rất ít

ANTD.VN - Từ 20-10 vừa qua, Nghị định 115/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm an toàn thực thực phẩm (ATTP) có hiệu lực, với mức xử phạt tăng nặng gấp 5-7 lần so với trước đó. Thế nhưng đến nay, sau 2 tháng triển khai, việc áp dụng mức xử phạt mới còn rất hạn chế…

Việc áp dụng Nghị định 115 về xử phạt vi phạm ATTP ở nhiều địa phương vẫn dừng ở mức tuyên truyền

Một trong những quy định mới tại Nghị định 115 là với thực phẩm bày bán tại chợ phải có bàn, tủ, kệ, thiết bị, dụng cụ để bày bán, nếu không đảm bảo sẽ bị phạt tới 3 triệu đồng, cao gấp gần 10 lần so với mức xử phạt trước đây.

Thế nhưng qua khảo sát tại một số chợ ở các quận nội thành Hà Nội, thời điểm này, không ít hàng quán tại chợ vẫn bày thức ăn lộ thiên, thực phẩm hay dụng cụ để chế biến chỉ được che đậy hờ bằng vải màn…

Thực tế, việc áp dụng mức xử phạt theo Nghị định 115 với mức xử phạt cao gấp 5 - 7 lần mức xử phạt cũ vẫn chưa chính thức được áp dụng tại nhiều quận, huyện.

Chẳng hạn tại quận Cầu Giấy, nơi có tới gần 1.500 cơ sở thức ăn đường phố, theo Trưởng phòng Y tế quận Nguyễn Đức Viên, việc áp dụng xử phạt theo Nghị định 115 của Chính phủ với mức xử phạt tăng cao gấp 5-7 lần mức xử phạt trước đây không thể thực hiện ngay trong “một sớm, một chiều”.

Ông Viên chia sẻ, hiện quận đang hoàn thiện hồ sơ quyết định thành lập các đoàn liên ngành với căn cứ xử phạt theo Nghị định mới, dự kiến từ tuần tới sẽ áp dụng xử phạt theo Nghị định 115.

Tương tự, tại quận Nam Từ Liêm, Trưởng phòng Y tế quận Nguyễn Anh Tuấn cho biết, hiện quận đang hướng dẫn các phường thực hiện và thông báo tới các cơ sở kinh doanh thực phẩm, dự kiến sẽ chính thức áp dụng mức xử phạt này vào thời điểm tăng cường kiểm tra ATTP dịp Tết Nguyên đán và Lễ hội 2019.

Việc áp dụng mức phạt 500.000 - 1.000.000 đồng với hành vi không sử dụng găng tay khi bán thức ăn… rất khó

Trên phạm vi toàn thành phố, ông Trần Ngọc Tụ, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP Hà Nội cho biết, việc áp dụng Nghị định 115 về xử lý vi phạm ATTP với những cơ sở kinh doanh thực phẩm lớn hay những nhà hàng có địa điểm cố định đã mang lại hiệu quả rõ rệt.

Thế nhưng, khi áp dụng với những gánh hàng rong, nhất là áp dụng mức phạt tiền 500.000 - 1.000.000 đồng với hành vi không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, thức ăn ngay… lại không đơn giản. Hơn nữa, quá trình thanh tra, xử lý còn gặp khó khăn do nhiều viên chức ở địa phương chưa có kiến thức, kinh nghiệm về công tác thanh tra...

Thực tế, tại các khu vực cổng trường học, hay các hàng rong bên vỉa hè, tình trạng người bán không sử dụng găng tay vẫn đang diễn ra hàng ngày. Ông Trần Ngọc Tụ nhấn mạnh, ở đâu lực lượng chức năng có trách nhiệm thực hiện quyết liệt thì ở đó, công tác quản lý ATTP tiến triển rõ nét.

Phân tích thêm về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung cho biết, việc áp dụng Nghị định 115 hướng đến mục tiêu bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật, đồng thời phải hợp tình, hợp lý, tổ chức và cá nhân phải tâm phục, khẩu phục. Vì vậy, trước mắt phải tuyên truyền cho người kinh doanh biết được các vi phạm sẽ bị xử phạt nặng để dần thay đổi hành vi.

Theo ông Trần Văn Chung, từ nay đến cuối năm, Hà Nội sẽ tập trung thanh tra, kiểm tra các sản phẩm được tiêu thụ nhiều trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và mùa Lễ hội năm 2019. “Chắc chắn rằng, khi áp dụng Nghị định 115, các hành vi vi phạm ATTP sẽ được khắc phục rõ rệt” – ông Chung nói.