Sau 2 tháng, mới gia hạn hơn 37.000 tỷ đồng tiền thuế: Tổng cục Thuế nói gì?

ANTD.VN - Theo dự kiến của Bộ Tài chính, thực hiện Nghị định 41/2020/NĐ-CP, sẽ có khoảng hơn 90% tổng số doanh nghiệp (tương đương khoảng 737.000 doanh nghiệp) sẽ được gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất với tổng số tiền được gia hạn lên đến 180.000 tỷ đồng. Tuy nhiên sau 2 tháng thực hiện, mới có khoảng hơn 138.800 người nộp thuế được gia hạn với hơn 37.000 tỷ đồng.

Tại cuộc họp báo về tình hình thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước 5 tháng đầu năm 2020 sáng nay, 12/6, đại diện Tổng cục Thuế cho biết, đến ngày 11/6, cơ quan thuế đã tiếp nhận 138.842 giấy đề nghị gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất của người nộp thuế (đạt khoảng 20%); trong đó 104.634 người nộp thuế là doanh nghiệp, còn lại là hộ kinh doanh, cá nhân. Tổng tiền đề nghị gia hạn là 37.226 tỷ đồng.

Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Vụ trưởng vụ Kê khai và kế toán thuế (Tổng cục Thuế) thừa nhận, lượng hồ sơ gia hạn thuế cũng như số thuế được gia hạn còn thấp.

“Ngay từ khi xây dựng chính sách, Tổng cục Thuế đã ước lượng đối tượng được hưởng lợi tương đối lớn, bao gồm doanh nghiệp và các hộ kinh doanh hoạt động trong 29 ngành, nghề bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Khi Bộ Tài chính trình Chính phủ dự thảo Nghị định cũng xác định số người nộp thuế được hưởng lợi là hơn 90%, tức là có khoảng 737.000 doanh nghiệp và khoảng ¾ hộ kinh doanh thuộc đối tượng gia hạn.

Ngành Thuế cũng đã triển khai nhiều kênh tuyên truyền, hầu hết người nộp thuế đều nắm bắt được chính sách. Tuy nhiên, khi chúng ta nhìn vào hệ thống thì thấy thì thấy số lượng doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chiếm tới hơn 90% tổng số doanh nghiệp trong cả nước nhưng hồ sơ gia hạn chỉ khoảng 104.000” – bà Nguyễn Thị Thu Hà cho biết.

Nhiều doanh nghiệp không phát sinh nghĩa vụ thuế nên không nộp đơn xin gia hạn (Ảnh minh họa)

Lý giải tình trạng này, bà Hà cho rằng chủ yếu xuất phát từ người nộp thuế.

Bởi vì, hầu hết các doanh nghiệp đã thực hiện các nghĩa vụ thuế năm 2019 trước thời điểm được gia hạn (từ tháng 3-2020). Trong khi đối với nghĩa vụ thuế quý I-2020 hoặc các tháng 4,5 thì không phải doanh nghiệp nào nằm trong diện được gia hạn thuế đều phát sinh nghĩa vụ thuế. Do vậy, họ chọn khi phát sinh nghĩa vụ thuế mới đồng thời khai thuế và nộp đơn xin gia hạn.

“Trong số những người nộp thuế nộp tờ khai thuế Giá trị gia tăng các tháng thì chỉ có khoảng 30% số tờ khai phát sinh nghĩa vụ thuế. Do ảnh hưởng của dịch bệnh nên số thuế phát sinh của doanh nghiệp thấp đi rất nhiều” – bà Hà thông tin.

Ngoài ra, cũng theo đại diện Tổng cục Thuế, không phải doanh nghiệp nào phát sinh nghĩa vụ thuế cũng nộp hồ sơ gia hạn, nhiều doanh nghiệp lựa chọn nộp đúng tiến độ nhằm tránh để dồn lại vào cuối năm.

“Cơ quan thuế cũng có liên hệ với người nộp thuế thì một số người nộp thuế có phát sinh số thuế nộp lớn họ sẽ nộp đơn, còn những người có số thuế không nhiều lắm họ cho rằng nếu nộp đúng tiến độ sẽ tránh việc căng thẳng dồn vào cuối năm. Việc này xuất phát từ ý chí chủ quan của người nộp thuế, còn cơ quan thuế sẽ tiếp tục thông tin thường xuyên liên tục cho đến thời hạn cuối cùng nộp hồ sơ gia hạn là ngày 30/7” – bà Hà cho biết.

Liên quan đến việc một số doanh nghiệp lớn đề nghị kéo dài thời gian gia hạn thời hạn nộp thuế Giá trị gia tăng, ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ Chính sách (Tổng cục Thuế) cho hay, từng khoản thuế, khoản thu có kỳ kê khai và nộp thuế khác nhau, và Nghị định 41 đã quy định thời gian gia hạn cho phù hợp.

Theo quy định của Luật Quản lý thuế, trường hợp gia hạn thuế không làm ảnh hưởng đến ngân sách đã được Quốc hội thông qua thì tuỳ thuộc vào thẩm quyền của Chính phủ. Còn việc gia hạn thuế, phí nếu ảnh hưởng đến dự toán ngân sách đã được Quốc hội thông qua thì phải trình Quốc hội.

“Trong thẩm quyền của Chính phủ thì gia hạn thời hạn nộp thuế không được làm ảnh hưởng đến ngân sách, do đó việc thời hạn gia hạn phù hợp với từng loại thuế nhằm bảo đảm kết thúc 2020 không ảnh hưởng đến dự toán thu ngân sách. Nếu như kéo dài thời gian gia hạn, ảnh hưởng tới dự toán ngân sách thì phải báo Quốc hội” – ông Lưu Đức Huy cho biết.