Sau 2 án tù

ANTĐ - Về nơi mảnh đất của quê hương của giống gà Móng nổi tiếng có tên trong sách đỏ, chúng tôi tìm gặp Nguyễn Văn Hải ở thôn Dưỡng Thọ, Tiên Phong, Duy Tiên, Hà Nam, người từng bị phạt tổng cộng 13 năm tù giam. Ra tù, được tình yêu thương của người thân, anh đã quyết tâm làm lại cuộc đời,  phát triển nghề thủ công truyền thống, giúp đỡ nhiều người cũng có quá khứ như mình có công ăn việc làm để họ làm lại cuộc sống.

Quá khứ lầm lạc

Sinh ra trong một gia đình nghèo, học hành vất vả nên không thể lập nghiệp bằng con đường học hành. Cùng với bản tính của thời trai trẻ nông nổi, chưa chín chắn, chàng trai Nguyễn Văn Hải (sinh năm 1961) đã theo sự rủ rê của chúng bạn, với ý nghĩ “làm giàu lương thiện thì mọt xác cũng không khá được”. Tư tưởng làm giàu bằng cách không chính đáng cứ ám ảnh anh, tệ nạn thời ấy cũng nhiều, thế nên khi bước qua tuổi 20, Nguyễn Văn Hải lao vào con đường phạm tội. Năm 1982, Hải bị TAND tỉnh Hà Nam Ninh (cũ) tuyên án 8 năm tù vì tội “Trộm cắp tài sản, sử dụng vũ khí trái phép”. Do cải tạo tốt nên chỉ 6 năm sau anh được đặc xá. Ra tù năm 1988, lúc này xã hội đã thay đổi nhiều, cả nước đang bước vào thời kỳ đổi mới. Vừa ra tù, Hải thích nghi với nếp sống mới một cách khó khăn, ngay lúc ấy gặp lại đám bạn cũ rủ rê, một lần nữa Hải lại “nhúng chàm”, vào tù vì tội “cướp tài sản” và phải chịu mức án 7 năm.

Anh Hải nhớ lại những ngày tháng khổ hạnh về thể xác cũng như tinh thần. Anh ý thức được giá trị của cuộc sống, những đồng tiền lương thiện. Cũng tại đây, anh muộn màng nhận ra một điều làm giàu bất chính, lương tâm không bao giờ được yên ổn. Cái giá phải trả cho bài học cuộc đời quá lớn nhưng mọi thứ có lẽ chưa quá muộn.

Năm 1996, mãn hạn tù anh trở lại quê hương quyết chí làm lại cuộc đời. Lúc ấy, ở cái tuổi 35 chưa già cũng chẳng còn trẻ, anh quyết lập chí tu thân. Trong lúc hoang mang chưa biết sẽ phải làm gì để mưu sinh cho những ngày tiếp theo của đời mình thì anh gặp chị Hoàng Thị Phương, một người phụ nữ xóm trên. Tình yêu của hai người nảy nở, sau một thời gian thì họ lấy nhau. Người ta vẫn trêu nhau rằng: “Anh Hải cưới vợ cưới cả nghề” bởi trước đó chị Phương có  nghề thêu ren trong hợp tác xã, sau nhận hàng mang về nhà làm. Đến thăm cơ ngơi hiện tại của anh chị mấy ai ngờ được nó được xây lên từ hai bàn tay trắng của con người từng lầm lỡ. Khi hỏi về sự thành công của gia đình, anh Hải chỉ cười mà rằng “đằng sau một người đàn ông thành công bao giờ cũng có bàn tay của người phụ nữ”. 

Chuyện tình của kẻ ra tù vào tội với cô thôn nữ

Anh Hải vẫn còn nhớ như in cái ngày anh và chị Phương gặp nhau. Anh kể trong sự ngượng ngùng xen lẫn niềm vui, hạnh phúc mà anh không ngờ có được như bây giờ. Những tháng năm tù tội dạy anh nhiều điều về cuộc sống, tốt có, xấu có và cả những kỷ niệm. Trên tấm lưng trần anh có xăm hình một tòa lâu đài. Mấy người hàng xóm cứ đùa rằng anh mơ ước có một cuộc sống sung túc, đầy đủ nên mới xăm hình như vậy. Thật ra, hình xăm trong giới giang hồ đều có ý nghĩa của nó, nó cho người ta biết người mang hình xăm ở “đẳng cấp” nào, phạm tội gì… đôi khi chỉ là thể hiện cá tính và “luật” phân ngôi thứ. 

Chúng tôi thắc mắc tại sao anh không xóa bỏ những gì thuộc về quá khứ không tốt đẹp để chuyên tâm sống cho thực tại? Anh Hải cười nói: “Hình xăm trên lưng tôi gắn liền với những quá khứ lầm lạc nhưng lại mang lại cho tôi một người vợ hiền thảo nên tôi không xóa”. Rồi anh bắt đầu kể về câu chuyện tình yêu của mình. 

Vào cái ngày hè năm 1996, nắng như đổ lửa, chàng thanh niên mới ra tù sau một ngày vất vả làm đồng ra triền đê đầu làng nơi có con sông chảy qua để tắm. Anh cởi chiếc áo ướt đẫm mồ hôi để mình trần lộ rõ những hình xăm vằn vện. Nắng chiều chiếu vàng cả triền sông. Lúc ấy  Phương đi giao hàng thêu về qua, hai ánh mắt chạm nhau thẹn thùng. Là con gái nhưng chị Phương cũng bạo miệng đùa một câu: “Người kia suống sông tắm thì chết hết cá”. Nói xong chị đạp xe đi mất, để lại anh trong nỗi ngẩn ngơ. 

Bị ám ảnh bởi câu nói bạo miệng của cô thôn nữ, anh quyết tâm tìm hiểu xem mặt mũi cô nàng ra sao. Sau khi nắm được danh tính và nhà cửa, biết chị Phương là “con cái nhà lành” nên anh Hải quyết định thực hiện chiến dịch “cây si”. Ban đầu Hải cũng gặp nhiều cản trở bởi danh tính và quá khứ bất hảo của anh đã  tác động không tốt trong dư luận và họ hàng nhà chị Phương. Thế rồi những tháng ngày kiên trì theo đuổi chứng tỏ tình yêu của mình, cuối cùng  anh đã được gia đình nhà chị Phương đồng ý cho mang  trầu cau sang hỏi, rồi hai người trở thành vợ chồng. Từ ngày lập gia đình, hai vợ chồng anh chăm chỉ làm ăn từ chăn nuôi cho đến thủ công mỹ nghệ. Kết quả của tình yêu ấy là hai đứa con một trai, một gái ngoan ngoãn, giỏi giang.

Nghĩ cho người khác

Người dân xã Tiên Phong, không ai ngờ được người chịu 2 án tù giam như anh Hải lại trở thành tấm gương làm kinh tế giỏi, sống có ích. Cho đến bây giờ chẳng còn mấy ai nhớ về quá khứ mà đều hết mực yêu quý, nể phục anh. Căn nhà nằm trong một ngõ nhỏ nhưng ấm áp tình thương yêu của bà con hàng xóm. Kể về quá trình làm giàu anh Hải nói: “Sự quan tâm, chia sẻ của người thân trong gia đình và người dân trong xóm đã giúp tôi làm lại cuộc đời, sống có ý nghĩa”. Những ngày đầu lập nghiệp, hai vợ chồng anh gặp không ít khó khăn. Cả nhà chỉ có hơn một sào ruộng, anh phải xoay xở nhiều nghề để kiếm sống nhưng kinh tế vẫn thiếu thốn, chật vật.

 Nhận thấy ở địa phương vốn có nghề thêu ren truyền thống, anh cùng vợ mạnh dạn vay vốn ngân hàng nhận làm các sản phẩm xuất khẩu. Hơn tháng trời lặn lội khắp các huyện trong tỉnh, anh mới tìm được mối hàng. Đơn đặt hàng ngày càng nhiều, hai vợ chồng anh không đủ sức làm. Anh đem khoán sản phẩm cho người dân trong xã. 

Sau khi vực dậy được kinh tế, lấy lại được niềm tin của mọi người, anh Hải nghĩ mình cần phải có trách nhiệm giúp đỡ những con người lầm lạc khác để chuộc lại lỗi lầm mà mình đã gây ra. Nhờ vậy, anh đã tạo việc làm cho khoảng 300 lao động địa phương. Kết hợp thêu ren, anh còn cải tạo vườn tạp, xây dựng chuồng trại, phát triển chăn nuôi giống gà Móng nổi tiếng ở địa phương. Mỗi năm, gia đình anh xuất bán gần 3.000 con gà giống, thu về xấp xỉ 100 triệu đồng. Mô hình kinh tế của gia đình anh có tổng thu nhập trên 300 triệu đồng mỗi năm. 

Đứng dậy từ quá khứ lầm lạc, Nguyễn Văn Hải vẫn không quên những ngày tháng gian khó ấy. Anh lấy những điều đó để tự răn dạy mình và khuyên bảo lũ trẻ hãy biết sống, làm việc bằng chính sức lực và đất đai của quê hương... Nhìn cơ ngơi của anh ngày hôm nay, tôi thấy khâm phục anh, một con người bỏ qua mặc cảm và hoàn lương.