Sau 10 năm, lượng khách quốc tế đến tham quan Thủ đô Hà Nội tăng gần 4 lần

ANTD.VN -Sau 10 năm điều chỉnh địa giới hành chính, nhờ tận dụng nguồn tài nguyên du lịch phong phú, tăng cường kết nối tour tuyến và tích cực tham gia các hoạt động quảng bá, xúc tiến... ngành du lịch Thủ đô đã trở thành “mảnh đất màu mỡ” cho các nhà đầu tư trong nước và quốc tế, hình ảnh Thủ đô Hà Nội – cái nôi của văn hóa di sản tạo được những ấn tượng đặc biệt với du khách khắp mọi miền.

Sau 10 năm, lượng khách quốc tế đến tham quan Thủ đô Hà Nội tăng gần 4 lần ảnh 1

Trong 10 năm mở rộng địa giới hành chính, ngành du lịch Hà Nội đã thu hút du khách đến từ hơn 160 quốc gia và vùng lãnh thổ

Từ đón 1,3 triệu lượng khách du lịch quốc tế năm 2008, đến năm 2017 Hà Nội đón tới 4,95 triệu lượt khách du lịch quốc tế (lượng khách tăng gần 4 lần sau 10 năm). Sự phát triển của ngành du lịch Thủ đô đóng vai trò quan trọng trong việc đưa “ngành công nghiệp không khói” trở thành “ngành kinh tế mũi nhọn” của đất nước.

Sau 10 năm, lượng khách quốc tế đến tham quan Thủ đô Hà Nội tăng gần 4 lần ảnh 2

Hà Nội hấp dẫn du khách từ những điều bình dị

Điểm đến an toàn, thân thiện và hấp dẫn du khách

Chia sẻ với PV Báo An ninh Thủ đô, ông Nguyễn Công Hoan - Phó Tổng Giám đốc Công ty Hanoi Redtours cho biết, việc điều chỉnh địa giới hành chính TP Hà Nội đã tạo điều kiện cho công tác quảng bá, xúc tiến du lịch thực hiện hiệu quả hơn. Trước đó, việc quảng bá các điểm đến du lịch xứ Đoài với việc quảng bá các điểm đến vùng nội đô còn riêng rẽ, các doanh nghiệp lữ hành tuy nhìn thấy tiềm năng của việc kết nối tour tuyến này nhưng chỉ chủ động “mạnh ai nấy làm”, chưa có sự gắn kết.

Sau khi điều chỉnh địa giới hành chính TP Hà Nội, ngành du lịch Thủ đô đã quan tâm sát sao trong việc quy hoạch phát triển các dòng sản phẩm du lịch, kết nối, tạo thành chuỗi các dòng sản phẩm du lịch đặc trưng để đưa vào thiết kế tour tuyến, giới thiệu tới du khách.

Sẽ là thiếu sót nếu không kể tới việc quảng bá xúc tiến du lịch Hà Nội đã góp phần tạo nên một hình ảnh rõ nét về Hà Nội trong lòng du khách. Một tín hiệu đáng mừng, trong những năm gần đây, Hà Nội liên tục lọt top những điểm đến hàng đầu thế giới. Điều đó còn cho thấy, Hà Nội đã không ngừng nâng cao chất lượng và đa dạng hóa các sản phẩm du lịch để đáp ứng nhu cầu, thị hiếu du khách.

Theo đó, ngành du lịch Thủ đô chú trọng nâng cấp sản phẩm du lịch tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long gắn với khu Quảng trường Ba Đình, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Văn Miếu - Quốc Tử Giám; thực hiện kết nối chuỗi địa điểm trên với các di tích Thăng Long tứ trấn, khu vực hồ Tây, đặc biệt là khu vực phố cổ, phố cũ, khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận.

Trải nghiệm loại hình du lịch nghệ thuật như múa rối nước Đào Thục, gắn với di tích Cổ Loa (Đông Anh); nếm thử đặc sản địa phương và thưởng thức vở diễn thực cảnh “Tinh hoa Bắc Bộ” (Sài Sơn, Quốc Oai) là những hoạt động hấp dẫn du khách quốc tế.

Thông thường, sau khi khám phá các điểm đến nội đô, du khách quốc tế có mong mỏi được đến tham quan các làng nghề như làng dệt lụa Vạn Phúc, làng gốm sứ Bát Tràng, làng thêu ren Quất Động, làng nón Chuông... Tại đây, du khách được giao lưu với các nghệ nhân và mua sắm những sản phẩm thủ công truyền thống.

Cũng theo ông Nguyễn Công Hoan - Phó Tổng Giám đốc Công ty Hanoi Redtours, bên cạnh việc quy hoạch phát triển sản phẩm du lịch, TP Hà Nội đã đầu tư quy hoạch phát triển hạ tầng giao thông, quy hoạch phát triển hạ tầng điểm đến.

Ông Nguyễn Công Hoan nhớ lại, trước đây đường từ nội đô đến Ba Vì dễ ách tắc thì giờ đường đẹp, thông thoáng hơn rất nhiều. Hiện nay, du lịch nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái tại Ba Vì rất phát triển, đón một lượng lớn du khách nội đô “đổ về” mỗi dịp cuối tuần.

Diện mạo Thủ đô có nhiều thay đổi sau 10 năm điều chỉnh địa giới hành chính

Hướng đến phát triển du lịch bền vững

Theo ghi nhận của PV Báo An ninh Thủ đô, hầu hết các doanh nghiệp lữ hành đều lấy làm mừng khi diện mạo Thủ đô ngày càng thay đổi theo hứng tích cực, “xanh, sạch, đẹp” hơn, các công viên, vườn hoa được chăm sóc tốt, người dân và du khách đều có ý thức giữ gìn cảnh quan.

Một điểm nhấn cho bức tranh du lịch Hà Nội thêm “màu sắc”, TP Hà Nội đã khuyến khích tạo thêm những không gian công cộng để người dân và du khách thỏa sức vui chơi, giải trí, nhất là được thưởng thức văn hóa nghệ thuật truyền thống, chơi các trò chơi dân gian.

Vào những ngày cuối tuần, không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phố đi bộ Trịnh Công Sơn, phố bích họa Phùng Hưng lại rộn ràng tiếng nói cười của người dân, các du khách quốc tế cũng hòa mình vào không gian huyên náo. Họ đi bộ, chuyện trò, uống bia Hà Nội... và trở thành một phần không thể thiếu của sức sống sôi nổi tại Thủ đô.

Theo ông Trần Đức Hải – Giám đốc Sở du lịch Hà Nội, trong thời gian tới, ngành du lịch Thủ đô sẽ xây dựng hoàn thiện các sản phẩm du lịch văn hóa lịch sử, du lịch văn hóa di sản, du lịch văn hóa lễ hội, du lịch làng nghề truyền thống, du lịch MICE (du lịch hội nghị, hội thảo, triển lãm, sự kiện), du lịch sinh thái... theo hướng phát triển du lịch bền vững, du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội, du lịch xanh.

Trước mắt, Hà Nội thúc đẩy đầu tư, thu hút đầu tư các dự án phát triển sản phẩm du lịch cao cấp như: Hình thành từ 3 - 5 công viên đạt tiêu chuẩn quốc tế, trong đó có công viên văn hóa du lịch vui chơi giải trí Kim Quy, trung tâm hội chợ triển lãm quốc gia, khu trưng bày Bảo tàng Hà Nội, một số tổ hợp vui chơi giải trí đa năng, trường đua ngựa, đầu tư xây dựng các khách sạn 5 sao... 

Cùng với đó, Hà Nội triển khai xây dựng đề án hệ thống du lịch thông minh. Hiện, hệ thống hướng dẫn tự động gồm 8 ngôn ngữ giúp trải nghiệm của du khách thêm phần trực quan hơn khi đến với Văn Miếu - Quốc Tử Giám, phần mềm thuyết minh tự động miễn phí trên ứng dụng di động mang tên “Hoàng thành Thăng Long” đem lại cho du khách những thông tin hữu ích trong hành trình khám phá di sản... Do đó, ngành Du lịch từng bước hình thành các thành phần cơ bản gồm cơ sở dữ liệu dùng chung ngành du lịch, cổng thông tin điện tử Sở Du lịch Hà Nội, bản đồ số về du lịch Hà Nội theo hệ thống thông tin địa lý (GIS)... nhằm đảm bảo tiện ích cho du khách.

Có thể nói, dấu mốc 10 năm điều chỉnh địa giới hành chính TP Hà Nội là dịp để nhìn lại, ghi nhận những nỗ lực của ngành du lịch Thủ đô, Hà Nội không chỉ cuốn hút du khách bằng cảnh quan tự nhiên, các giá trị văn hóa lịch sử mà còn là điểm đến an toàn, thân thiện. Trong tương lai, ngành du lịch Thủ đô hứa hẹn đạt được nhiều thành tựu hơn nữa khi khai thác được tối đa những lợi thế, phát triển tương xứng với tiềm năng.