Sát thủ trên không

ANTĐ - Chiến tích tiêu diệt Anwar al-Awlaki, một trong những thủ lĩnh khét tiếng nhất của mạng lưới khủng bố quốc tế Al Qaeda, càng làm nổi danh máy bay không người lái Predator như là một trong những “sát thủ trên không” song cũng mang lại cho Mỹ không ít phiền toái.

Tiếp theo việc tiêu diệt trùm khủng bố Bin Laden đầu tháng 5-2011, việc hạ sát al-Awlaki tại miền Đông Yemen ngày 30-9 vừa qua được xem là một bước tiến quan trọng trong cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ. Giám đốc Trung tâm chống khủng bố của Mỹ Michael Leiter đánh giá al-Awlaki, công dân Mỹ gốc Yemen và có biệt danh “Bin Laden trên mạng”, là một trong những đối tượng nguy hiểm nhất đối với an ninh nước Mỹ.

Thậm chí, đích thân Tổng thống Barack Obama cũng lên tiếng đánh giá đây là một “thắng lợi của cộng đồng tình báo Mỹ cùng với các nỗ lực hợp tác của lực lượng an ninh Yemen trong nhiều năm qua”. Ông Obama nhấn mạnh, việc tiêu diệt al-Awlaki là đòn mạnh nữa giáng vào mạng lưới khủng bố Al Qaeda sau cái chết của trùm khủng bố Bin Laden.

Để tiêu diệt được al-Awlaki là cả một chiến dịch tình báo công phu của Mỹ cùng chính quyền Yemen. Nhưng trực tiếp “ra tay” hạ sát thủ lĩnh khủng bố này là chiếc máy bay không người lái Predator với 2 quả tên lửa AGM-114 Hellfire được dẫn đường bằng tia laser cực kỳ chính xác.

Được sản xuất hàng loạt từ năm 1997, hiện có khoảng 360 chiếc Predator với hai phiên bản RQ-1 và MQ-1 nằm dưới sự chỉ huy của không quân Mỹ và Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA). Với thời gian hoạt động tới 40 giờ liên tục trên không, mỗi chiếc Predator dài 8,23 m, sải cánh 14,84 m, bay cao 7.600m với tốc độ trung bình 129km/giờ, được trang bị nhiều vũ khí “thông minh”, trong đó đáng sợ nhất là 2 quả tên lửa Hellfire.

Hiện Predator đang được không quân và tình báo Mỹ sử dụng làm cả hai nhiệm vụ do thám và không kích tại ít nhất 6 nước là Afghanistan, Pakistan, Iraq, Libya, Somalia và Yemen. Trước vụ không kích tiêu diệt al-Awlaki, Predator được mệnh danh là “sát thủ bầu trời” vì đã giúp Mỹ hạ sát khá nhiều nhân vật mà họ cho là thủ lĩnh Al Qaeda tại Afghanistan, Pakistan, Somalia và Yemen.

Nhưng việc sử dụng Predator cũng mang lại cho nước Mỹ không ít phiền toái và rắc rối. Quan hệ giữa Mỹ và Pakistan - đồng minh quan trọng trong cuộc chiến chống khủng bố - đang trở nên rất căng thẳng, trong đó có lý do mà Islamabad cho rằng Washington xem thường chủ quyền của Pakistan khi tùy tiện sử dụng Predator trong không phận nước này. Tương tự, chính quyền Afghanistan từng nhiều lần phản đối gay gắt những vụ “bắn nhầm”, gây thương vong lớn cho thường dân mà Predator là “thủ phạm”.

Ngay tại Yemen, hồi tháng 5-2010, chiếc Predator cũng đã bắn 2 quả tên lửa Hellfire vào một xe hơi vì tưởng al-Awlaki ngồi trong đó song người thiệt mạng là một phái viên của Tổng thống Yemen. Sau 4 tháng điều tra, Ngoại trưởng Yemen tuyên bố những vụ tấn công bằng máy bay không người lái Predator của Mỹ sẽ không được phép thực hiện nữa.

Thế nên, dù hiện đại và lợi hại đến đâu thì “sát thủ trên không” Predator vẫn chỉ là một thứ vũ khí trong tay con người. Nói cách khác, nếu Predator “bắn nhầm” thì đó chính là sai lầm do con người gây ra.