“Sát thủ thầm lặng”

ANTĐ - Cao huyết áp hay còn gọi tăng huyết áp được xem là “sát thủ thầm lặng” bởi mỗi năm căn bệnh này cướp đi sinh mạng của gần chục triệu người, con số tử vong cao nhất trong số những căn bệnh nguy hiểm trên thế giới.

Bởi thế, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã chọn chủ đề đấu tranh chống bệnh cao huyết áp cho Ngày Sức khỏe thế giới (7-4) năm nay. Theo WHO, hiện nay trên thế giới có tới 1/3 số người trên 25 tuổi, tương đương khoảng 1 tỷ người, có hiện tượng huyết áp vượt quá giới hạn bình thường - nguyên nhân chính dẫn tới bệnh đột quỵ và các bệnh tim mạch nguy hiểm khác - và khoảng 9,4 triệu người trong số này tử vong mỗi năm. 

Dân số thế giới đang có khuynh hướng già đi và tỷ lệ béo phì ngày càng cao làm tăng nguy cơ mắc bệnh huyết áp. Tỷ lệ mắc bệnh cao huyết áp tại các nước Tây Âu còn cao hơn cả Mỹ với 38% ở Anh, Thụy Điển và Ý cùng khoảng 45% ở Tây Ban Nha, 55% tại Đức... 

Song đáng chú ý là tại Canada và Mỹ ghi nhận tỷ lệ người mắc chứng huyết áp cao thấp nhất thế giới chưa đến 20% dân số, trong khi tỷ lệ này ở những nước nghèo hơn như Niger lên tới gần 50%, Malawi 44,5% và Mozambique 46,3%. Ở các nước giàu, số người mắc chứng huyết áp cao đã giảm nhờ được điều trị đầy đủ với chi phí thấp, trong khi ở châu Phi, nhiều người vẫn chưa được chẩn đoán bệnh và chưa được hỗ trợ về y tế. 

Trong khi đó, theo WHO, cao huyết áp là loại bệnh nếu không được phát hiện kịp thời và điều trị đầy đủ sẽ gây nhiều biến chứng nguy hiểm như tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim cấp và các bệnh về thận... Tổ chức này đặc biệt lo ngại trước một thực tế con người thường không quan tâm tới huyết áp, ít khi chủ động kiểm tra huyết áp, vì vậy rất nhiều người khi phát hiện bệnh thì đã đến giai đoạn nguy hiểm. 

WHO cho rằng việc phát hiện bệnh cao huyết áp sớm là rất quan trọng vì nhóm bệnh nhân này trong giai đoạn đầu đều không thấy có biểu hiện gì đặc biệt. Các nghiên cứu cho thấy, nếu phát hiện sớm, các bệnh nhân cao huyết áp hoàn toàn có thể chủ động kiểm soát, phòng ngừa khả năng bệnh diễn biến trầm trọng hơn bằng cách thay đổi, điều chỉnh cách sinh hoạt hàng ngày, nhất là chế độ ăn uống và nghỉ ngơi, kết hợp với các phương pháp điều trị bằng thuốc. 

Từ những kết quả nghiên cứu, WHO kêu gọi những người  trưởng thành thường xuyên kiểm tra huyết áp tại gia đình hoặc các cơ sở y tế và cần áp dụng ngay các biện pháp phòng ngừa và điều trị cần thiết, tránh để xảy ra những biến chứng nguy hiểm, đe dọa tính mạng. Tổ chức này cũng khuyến cáo, mọi người bỏ hút thuốc lá, hạn chế ăn mặn, không uống rượu bia, ăn nhiều rau quả và các loại thực phẩm có chứa Kali, Magie và Canxi, đồng thời giảm cân nếu như bị thừa cân và thường xuyên tập thể dục, tránh những căng thẳng trong cuộc sống hàng ngày.

Các chuyên gia y tế cho rằng, nếu mỗi người không có ý thức cũng như lơ là xem nhẹ thì rất có thể thế giới phải chứng kiến “Cuộc khủng hoảng bệnh cao huyết áp” vào năm 2025 với khoảng 1,56 tỷ người mắc bệnh.