"Sát thủ diệt tăng" của Mỹ trở lại châu Âu

ANTĐ - Bộ Tư lệnh không quân Mỹ tại châu Âu (USAFE) hôm 11-2 công bố, nước này đã triển khai 12 chiếc máy bay cường kích A-10 Thunderbolt II, vốn được mệnh danh là “sát thủ diệt tăng”, và khoảng 300 nhân viên tới một căn cứ không quân Mỹ ở gần thị trấn Spangdahlem của Đức trong khuôn khổ Chương trình An ninh chiến trường (TSP).

TSP có nhiệm vụ tăng cường an ninh khu vực theo Chiến dịch Giải pháp Đại Tây Dương tại các nước thành viên NATO ở đông Âu, được thành lập sau khi Nga can thiệp vào Ukraine trong năm ngoái. Theo USAFE, TSP sẽ tiến hành huấn luyện bay và huấn luyện ngoài căn cứ với các đồng minh NATO.

Phó Tư lệnh USAFE, Trung tướng Tom Jones nói rằng: “TSP là một cách nữa để không quân Mỹ tăng cường sự hiện diện luân phiên ở châu Âu nhằm tái khẳng định với các đồng minh và quốc gia đối tác rằng cam kết của chúng tôi đối với an ninh châu Âu là một ưu tiên”.

Máy bay này có một chỗ ngồi, hai động cơ phản lực, do hãng Fairchild-Republic chế tạo cho không quân Mỹ để sử dụng cho nhiệm vụ chi viện không quân cận chiến cho bộ binh, cũng như được sử dụng để tấn công ngăn chặn tiếp viện của đối phương. Đây là dòng máy bay đầu tiên của không Mỹ được thiết kế riêng cho nhiệm vụ yểm trợ cận chiến từ trên không.

Máy bay cường kích A-10 Thunderbolt II của Mỹ

Máy bay cường kích A-10 Thunderbolt II, còn có tên gọi "Warthog", được Mỹ thiết kế và chế tạo từ cuối những năm 1970 để yểm trợ bộ binh chống lại xe tăng, xe bọc thép và các mục tiêu dưới mặt đất của Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh. Tuy nhiên, đến thời điểm này, chúng vẫn là lựa chọn hiệu quả nhất của không quân Mỹ cho các nhiệm vụ hỗ trợ hỏa lực cho các lực lượng mặt đất. A-10 hoạt động ở độ cao thấp và đạt tốc độ dưới âm.

Mặc dù A-10 có thể mang được nhiều loại bom và tên lửa, nhưng chúng nổi tiếng với khẩu súng 7 nòng xoay 30mm, được gắn ở mũi có thể bắn gần 4.000 viên đạn/phút, đủ nhanh để thổi bay một chiếc xe tăng.

Do chủ yếu hoạt động ở độ cao thấp, A-10 được thiết kế để có thể chịu được hư hại nặng gây ra bởi hỏa lực phòng không của đối phương, đặc biệt là pháo cao xạ và tên lửa tầm gần. Nó được cho là có khả năng chịu hư hại gấp 10 lần các loại máy bay khác trong 1 số tình huống.

A-10 Thunderbolt II được trang bị hỏa lực cực mạnh

Phi công được bảo vệ khỏi hỏa lực từ mặt đất bởi một lớp vỏ titan cực bền. Trong 2 cuộc chiến Vùng Vịnh đã có nhiều trường hợp A-10 có thể bảo vệ phi công và duy trì hoạt động ngay cả sau khi bị hư hại nặng. Tại cuộc chiến Vùng Vịnh lần 1 (1991), một chiếc A-10 bị trúng liên tiếp 4 phát đạn từ pháo phòng không 57mm, nhưng viên phi công vẫn bình yên vô sự và có thể hạ cánh an toàn.

Những khả năng này cũng đã được chứng minh trên chiến trường tại Iraq, Afghanistan và khu vực Balkan. Năm ngoái, A-10 đã được triển khai tham gia chiến dịch quân sự của Mỹ chống ISIS tại Iraq và Syria. Theo Bộ trưởng không quân Mỹ Deborah Lee James, trong tháng 1 vừa qua, A-10 đã thực hiện 11% phi vụ xuất kích của không quân chống ISIS.

Theo không quân Mỹ, 12 chiếc A-10 cùng 300 nhân viên không quân này thuộc Căn cứ không quân Davis-Monthan ở bang Arizona đã bắt đầu được triển khai và dự kiến sẽ đến Đức vào cuối tháng này. Đợt triển khai sẽ kéo dài khoảng 6 tháng.

A-10 đã vắng bóng trên chiến trường châu Âu kể từ tháng 5-2013 khi 21 chiếc A-10 đồn trú tại Spangdahlem, Đức, được rút khỏi đây.