"Sát thủ" đe dọa gần 5.000 phụ nữ mỗi năm

ANTD.VN - Phụ nữ khá quen thuộc khi nói đến bệnh ung thư cổ tử cung và ung thư buồng trứng, nhưng có một loại ung thư khác của cơ quan sinh sản nữ mà không nhiều người chú ý đến là ung thư âm đạo.

Nếu phát hiện sớm ung thư âm đạo, tỷ lệ kéo dài sự sống 5 năm là 84%

Ung thư âm đạo là bệnh khá hiếm gặp, đặc biệt là ở phụ nữ trẻ. Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, chỉ có khoảng một trong 1.100 phụ nữ sẽ phát triển bệnh trong đời, và chỉ có 15% trường hợp xảy ra ở phụ nữ dưới 40 tuổi. Khoảng một nửa trường hợp mắc bệnh ung thư âm đạo xảy ra ở phụ nữ trên 70 tuổi.

Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ cho biết khoảng 4.810 trường hợp ung thư âm đạo mới sẽ được chẩn đoán trong năm nay và khoảng 1.240 phụ nữ sẽ tử vong vì căn bệnh này. Ung thư âm đạo không giống như ung thư cổ tử cung. Tuy nhiên, nếu một phụ nữ bị ung thư ở âm đạo và cổ tử cung thường được gọi là ung thư cổ tử cung. Các tế bào ung thư có thể dễ dàng lây lan từ âm đạo đến cổ tử cung và ngược lại.

Triệu chứng ung thư âm đạo

Theo các nhà nghiên cứu Mỹ, triệu chứng phổ biến nhất của ung thư âm đạo là xuất huyết bất thường, thường là sau khi quan hệ tình dục hoặc đau đớn trong khi quan hệ tình dục. Tất nhiên, rất nhiều nguyên nhân có thể gây ra các triệu chứng này, vì vậy khi xuất hiện những triệu chứng này kèm theo cảm giác khó chịu ở âm đạo thì hãy nhanh chóng đến các cơ sở y tế để kiểm tra.  

Nếu bác sĩ phát hiện ra ung thư âm đạo trong giai đoạn tiền ung thư, thì sẽ áp dụng các biện pháp điều trị thích hợp. Các phương pháp điều trị thông thường bao gồm phẫu thuật laser hoặc phương pháp điều trị tại chỗ để xoá bỏ mô bất thường. Nếu bệnh đã tiến triển thành ung thư, có thể cần đến liệu pháp xạ trị, phẫu thuật hay hóa trị liệu, theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ. Một số phương pháp điều trị ung thư có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, vì vậy hãy trao đổi kỹ với bác sỹ về tình trạng sức khỏe của bạn. 

Tuổi tác

Những phụ nữ được xác định bị ung thư âm đạo thường trong độ tuổi từ 65-75 tuổi, phụ nữ càng lớn tuổi nguy cơ nhiễm ung thư âm đạo càng cao. Virus HPV có hơn 100 loại, trong đó có hơn 40 loại gây ung thư qua đường sinh dục ở phụ nữ. Phụ nữ ở độ tuổi 65-75 vẫn còn có thể quan hệ tình dục và nguy cơ virus HPV thâm nhập vào đường âm đạo là điều có thể xảy ra.

Tiết dịch âm đạo

Mặc dù dịch âm đạo là hiện tượng phổ biến thường gặp ở nhiều phụ nữ nhưng dịch âm đạo bất thường, có mùi khó chịu hoặc có màu máu, lẫn với máu lại có thể là triệu chứng của ung thư âm đạo. Điều này là cực kỳ hiếm và có nhiều khả năng do sự bất thường nào đó. Vậy nên, tốt nhất nếu thấy triệu chứng này, bạn cần đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt.

Thay đổi thói quen đi tiểu

Đi tiểu nhiều hơn bình thường có thể do uống nhiều nước, uống đồ uống có caffein, hoặc do nhiễm trùng đường tiểu. Tuy nhiên, cũng không thể loại trừ khả năng những bệnh trầm trọng hơn. Nếu cảm thấy đau khi đi tiểu hoặc tiểu ra máu, thì đây cũng có thể là biểu hiện của ung thư âm đạo. Mặc dù bằng mắt thường có thể rất khó phát hiện nước tiểu có lẫn máu.

Đau vùng chậu

Khung chậu đau thường là khi bệnh ung thư âm đạo đã bắt đầu lây lan. Đau vùng chậu có thể là đau hay cảm thấy áp lực và tức ở vùng bụng dưới rốn. Bạn có thể cảm thấy đau liên tục hoặc thi thoảng mới đau. Nhiều phụ nữ bị đau vùng chậu âm ỉ, có lúc đau quặn lên.

Rối loạn tiêu hóa

Rối loạn tiêu hóa có thể là nguyên nhân của ung thư âm đạo. Khi ung thư âm đạo tiến triển, phụ nữ có thể bị táo bón mãn tính, phân đen mùi khó chịu và có cảm giác khó chịu sau khi đi ngoài.

Quan hệ tình dục không an toàn

Quan hệ tình dục không an toàn là nguyên nhân trực tiếp khiến bạn mắc bệnh ung thư âm đạo. Các loại  virus có thể dễ dàng xâm nhập vào cơ thể khi không có biện pháp phòng tránh nào. Ngoài ra, cơ thể quá yếu, bị suy giảm miễn dịch, virus, vi khuẩn từ bên ngoài sẽ có điều kiện phát triển từ đó hình thành bệnh ung thư âm đạo.

Tỉ lệ sống sót của ung thư âm đạo

Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, tỷ lệ sống sót phụ thuộc vào giai đoạn bệnh ung thư được chẩn đoán. Ở giai đoạn I, tỷ lệ sống sót 5 năm là 84%, giai đoạn II là 75%, giai đoạn III và IV là 57%. 

Phòng ngừa

Thực hành tình dục an toàn có thể làm giảm nguy cơ ung thư âm đạo. Nên sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục để bảo vệ chống lại các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Tiêm vaccine phòng ung thư cổ tử cung có thể giúp ngăn ngừa các bệnh ung thư khác liên quan đến cổ tử cung như ung thư âm đạo. Bạn nên tiêm vaccine này trước 26 tuổi vì sẽ phát huy được cao nhất hiệu quả phòng bệnh.