"Sát nhân giấu mặt" đến từ Trung Quốc

ANTĐ - Ủy ban châu Âu (EC) đã phải một lần nữa lên tiếng cảnh báo người tiêu dùng khắp châu Âu phải đề phòng với sản phẩm bán trên thị trường chứa chất độc hại đối với sức khỏe con người có xuất xứ từ Trung Quốc.

"Sát nhân giấu mặt" đến từ Trung Quốc ảnh 1EC cảnh báo có tới 2/3 sản phẩm độc hại vào thị trường châu Âu là đồ chơi và quần áo xuất xứ từ Trung Quốc

Trong báo cáo hàng năm về những sản phẩm tiêu dùng độc hại trên thị trường châu Âu (RAPEX) công bố ngày 25-4, Ủy ban châu Âu  cho biết, có tới gần 2/3 sản phẩm độc hại bán trên thị trường này trong năm 2015 đến từ “đại công xưởng của thế giới” Trung Quốc. Tuy vậy, Ủy viên châu Âu phụ trách tư pháp Vera Jourova vẫn cho rằng báo cáo còn chưa sát thực tế và bà sẽ đề cập đến vấn đề này với giới chức Trung Quốc trong chuyến công du tới quốc gia này vào tháng 6 tới. 

Theo báo cáo trên, có 2.072 sản phẩm được thông báo độc hại và 2.745 hoạt động được tiến hành nhờ hệ thống RAPEX trong năm 2015. Trong số các sản phẩm được cảnh báo, đồ chơi (chiếm tỷ lệ 27%), quần áo và các sản phẩm thời trang (chiếm tỷ lệ 17%) là 2 chủng loại hàng hóa mà EC phải tiến hành nhiều biện pháp kiểm tra và phòng ngừa nhất. 

Mặc dù có sự hợp tác về an toàn của sản phẩm nhưng Trung Quốc vẫn là quốc gia sản xuất phần lớn các sản phẩm nguy hiểm trên thị trường châu Âu. Báo cáo RAPEX cho biết, dù giảm nhẹ 2% so với số liệu năm 2014, song vẫn có tới không dưới 62% số lượng cảnh báo trong năm 2015 liên quan đến sản phẩm của Trung Quốc.

Tính tới hiện nay, Trung Quốc đã nhận được 11.540 thông báo và có biện pháp khắc phục trong 3.748 trường hợp sản phẩm không an toàn ở châu Âu. EC cho biết, mỗi cảnh báo liên quan tới sản phẩm Trung Quốc đều được gửi cho cơ quan chức năng nước này để họ giải quyết trực tiếp với nhà sản xuất hoặc nhà xuất khẩu.

Từ khi hệ thống cảnh báo RAPEX đi vào hoạt động năm 2004, Trung Quốc luôn là quốc gia có nhiều sản phẩm bị hệ thống này cảnh báo nhiều nhất. Bên cạnh các chất độc hại có trong đồ chơi (27%) và quần áo, phụ kiện thời trang (17%) trong năm 2015, còn có các rủi ro về hóa chất trong sản phẩm như chì, niken trong trang sức và đồ chơi chứa phthalates (chất làm mềm nhựa có thể gây ra vấn đề về sinh sản)…

Trước đó, hồi tháng 1 năm nay, Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hòa bình Xanh (GreenPeace) cũng đã đưa ra cảnh báo về sản phẩm chăn bông, quần áo trẻ em Trung Quốc bán trên thị trường các nước thành viên liên minh chứa độc hại như lan truyền dịch bệnh vì có thứ làm bằng nguyên liệu lấy từ bệnh viện và nhà tang lễ… thậm chí là nguyên liệu có chứa chất gây ung thư. Trong khi đó, theo quy định của EU, những sản phẩm bị phát hiện nguy hiểm, gây mất an toàn cho người sử dụng sẽ bị xem xét rút khỏi thị trường tiêu thụ của tất cả 27 nước thành viên liên minh này.

Báo cáo RAPEX một lần nữa làm dấy lên sự lo lắng sâu sắc về mối nguy hại tới sức khỏe và tính mạng của người tiêu dùng không chỉ ở châu Âu mà toàn cầu bởi sản phẩm có chứa chất độc hại sản xuất từ Trung Quốc hiện bán ra khắp thế giới. Chỉ một ngày trước khi công bố báo cáo này, ngày 25-4, Ấn Độ đã cấm nhập khẩu sữa và các sản phẩm từ sữa, một số mẫu điện thoại và hàng hóa của Trung Quốc bởi lý do như Bộ trưởng Thương mại Ấn Độ Nirmala Sitharaman cho biết là “chất lượng của chúng không thể chấp nhận được”.