Sạt lở đất vùi lấp 33 tòa nhà ở Thâm Quyến, Trung Quốc: Bài học về đô thị hóa an toàn, bền vững

ANTĐ - Ngày 22-12, thi thể nạn nhân đầu tiên đã được lôi ra từ đống bùn đất vùi lấp 33 tòa nhà ở một khu công nghiệp thuộc quận mới Quang Minh, thành phố Thâm Quyến (Trung Quốc). 76 người vẫn mất tích và con số thiệt mạng được dự báo có thể tăng lên. Hiện chưa rõ tập thể, cá nhân nào chịu trách nhiệm chính trong vụ việc được truyền thông địa phương gọi là “thảm họa nhân tạo” mới nhất ở Trung Quốc.

Sạt lở đất vùi lấp 33 tòa nhà ở Thâm Quyến, Trung Quốc: Bài học về đô thị hóa an toàn, bền vững ảnh 1Nhiều lính cứu hỏa quá mệt mỏi, kiệt sức nằm nghỉ ngay tại hiện trường

Vụ lở đất ở Thâm Quyến được báo chí nước ngoài nhận định là bài học cần rút kinh nghiệm để thực hiện đô thị hóa một cách an toàn và bền vững. Theo New York Times, Thâm Quyến đang ở vào giai đoạn tăng trưởng “nóng” kể từ những năm 1980, những tòa cao ốc mọc lên như nấm ở thành phố này và kéo theo đó là các công trình xây dựng ngổn ngang. Trên khắp quận mới Quang Minh, những nhà máy lâu năm bị phá dỡ, nhường chỗ cho nhà máy hiện đại. Một đường hầm dành cho tàu điện ngầm cũng đang được xây dựng ở đây. 

Quá trình đô thị hóa tại thành phố Thâm Quyến nói riêng và trên toàn Trung Quốc nói chung đang tạo ra lượng chất thải xây dựng khổng lồ, trong khi khả năng xử lý bụi bẩn, hay các loại phế thải xây dựng khác còn yếu kém. Bộ Tài nguyên đất đai Trung Quốc giải thích, lở đất ở Thâm Quyến là do bùn và đất thải từ các công trình xây dựng trong khu công nghiệp chất đống lên, đến thời điểm núi đất bồi này sụp đổ và chôn vùi các tòa nhà. 

Đáng nói là, từ hồi tháng 1-2015, Công ty Công nghệ môi trường Tông Hưng có trụ sở ở Thâm Quyến đã công bố một báo cáo đánh giá tác động môi trường và cảnh báo nguy cơ lở đất ở quận mới Quang Minh. Trước đó, theo Reuters, vào tháng 10-2014, tờ Shenzhen Evening Post đã dẫn lời một quan chức giấu tên cảnh báo về các bãi chứa bùn đất không an toàn ở Thâm Quyến, và nêu ra thành phố này có 12 khu tập kết bùn đất thải, sẽ quá tải trong năm 2015. Tiếc rằng, mọi cảnh báo đều đã bị phớt lờ.