Sắp vào năm học mới – Bộ GD-ĐT "giới hạn" mô hình VNEN

ANTD.VN - Sau hàng loạt thông tin dừng triển khai mô hình trường học mới VNEN, ngày 9-8, Bộ GD-ĐT mới đưa ra điều kiện tối thiểu để quyết định trường nào được áp dụng mô hình này.

Chỉ còn vài ngày nữa là học sinh cả nước sẽ chính thức tựu trường năm học mới. Tuy nhiên, liên tục các thông tin về việc dừng đột ngột mô hình trường học mới VNEN ở các tỉnh thành như Hà Tĩnh, Nghệ An, Đắk Lắk khiến Bộ Bộ GD-ĐT phải đưa ra điều kiện được thực hiện mô hình này ngày 9-8.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT yêu cầu, địa phương chỉ đạo các trường tiểu học và trung học cơ sở rà soát, đánh giá tình hình triển khai mô hình trường học mới tại địa phương căn cứ vào các điều kiện tối thiểu như sau:

Giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo và chuẩn nghề nghiệp theo quy định đối với từng cấp học; có kỹ năng thiết kế bài học và tổ chức hoạt động học của học sinh theo phương pháp dạy học tích cực, lựa chọn và sử dụng thiết bị dạy học và học liệu phù hợp để tổ chức hoạt động học của học sinh đạt hiệu quả thiết thực, đảm bảo đạt chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành.

Bộ GD-ĐT "tung" điều kiện tối thiểu để triển khai mô hình VNEN trước khi áp dụng trong năm học 2017-2018

Cán bộ quản lý hiểu rõ, nắm chắc phương thức dạy học theo mô hình trường học mới; có cán bộ quản lý chuyên trách chỉ đạo, theo dõi, giám sát, chịu trách nhiệm về kết quả triển khai phương thức dạy học mới.

Cán bộ quản lý và giáo viên đã được tập huấn (trực tiếp hoặc qua mạng) về phương thức dạy học theo mô hình trường học mới đạt yêu cầu trở lên (có hướng dẫn riêng).

Phối hợp chặt chẽ với gia đình, cộng đồng trên cơ sở tự nguyện và đồng thuận của học sinh, cha mẹ học sinh.

Về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cần đảm bảo sĩ số lớp học theo quy định tại Điều lệ nhà trường đối với từng cấp học: cấp tiểu học không quá 35 học sinh/lớp; cấp trung học cơ sở không quá 45 học sinh/lớp.

Phòng học đảm bảo diện tích theo tiêu chuẩn quốc gia: TCVN 8793:2011 đối với cấp tiểu học; TCVN 8794:2011 đối với cấp trung học cơ sở; có đủ bàn ghế đúng quy cách, thuận tiện cho việc tổ chức hoạt động học theo phương thức dạy học mới.

Có đủ các phòng chức năng, thiết bị dạy học tối thiểu theo quy định. Sách và tài liệu hướng dẫn dạy học đáp ứng yêu cầu thực hiện phương thức dạy học mới, đã được Bộ GD-ĐT thẩm định, cho phép sử dụng.

Kết quả rà soát, đánh giá được gửi về sở GDĐT để theo dõi, chỉ đạo: các trường đủ điều kiện tiếp tục thực hiện, đảm bảo hiệu quả, chất lượng.

Đối với các trường chưa đủ điều kiện nói trên thì chưa áp dụng hoàn toàn mô hình để tiếp tục chuẩn bị, trước mắt lựa chọn một số thành tố của mô hình để bổ sung vào đổi mới phương thức giáo dục đang thực hiện, có giải pháp phù hợp để học sinh có nguyện vọng được tiếp tục học theo phương thức dạy học mới.

Trước đó, ngày 4-8, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có quyết định chính thức ngừng mô hình VNEN. Theo đó, đối với bậc Trung học cơ sở: Dừng triển khai chương trình trường học mới VNEN, trở lại học theo chương trình giáo dục phổ thông hiện hành của Bộ GD-ĐT.

Đối với bậc Tiểu học: Không triển khai thêm các lớp học mới VNEN. Đối với các lớp đang học chương trình VNEN: Giao Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức rà soát, đánh giá cụ thể, thực hiện công khai, minh bạch

Tổng số học sinh mỗi lớp không quá 30 em; cơ sở vật chất lớp học phải đáp ứng theo quy định trường học mới VNEN của Bộ GD-ĐT; giáo viên giảng dạy được Sở GD-ĐT tập huấn, bồi dưỡng, công nhận đủ tiêu chuẩn dạy Chương trình VNEN

UBND tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu, khi các lớp đủ các điều kiện nêu trên, tiến hành lấy ý kiến tự nguyện của phụ huynh và giáo viên theo Quy chế dân chủ cơ sở: Tổ chức 2 Hội nghị bỏ phiếu kín: Hội nghị của Ban giám hiệu nhà trường, trưởng phó các tổ chức đoàn trong nhà trường, các giáo viên đã, đang trực tiếp dạy học theo chương trình VNEN và Hội nghị phụ huynh của học sinh.