Sắp tới, sử dụng thuốc lá điện tử có thể bị phạt tới 2 triệu đồng?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Từ đầu năm 2025, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đã chính thức bị cấm. Điều khiến nhiều người băn khoăn là theo quy định, ngoài bên sản xuất, buôn bán, người mua, sử dụng thuốc lá điện tử có bị xử phạt?

Khi thuốc lá điện tử bị cấm từ 1/1/2025 thì từ thời điểm này hành vi buôn bán thuốc lá điện tử được xem là buôn bán hàng cấm và sử dụng thuốc lá điện tử cũng tương tự như việc sử dụng chất cấm – luật sư Nguyễn Thị Thu – Đoàn luật sư Hà Nội cho biết.

Tuy nhiên, pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể về chế tài xử lý hành vi sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Nghị định 117/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến phòng, chống tác hại của thuốc lá cũng chưa đề cập đến vấn đề này. Do đó, Bộ Y tế đang đề xuất xây dựng nghị định sửa đổi, bổ sung nghị định 117/2020.

Trong đó, Bộ này dự kiến bổ sung hành vi "chứa chấp", "sử dụng" thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các loại khí, chất gây nghiện, gây tác hại cho sức khỏe con người, đồng thời bổ sung thẩm quyền xử phạt hành vi này theo trình tự thủ tục rút gọn.

Bộ Y tế cũng đề xuất mức xử phạt vi phạm hành chính với người hút thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng từ 1-2 triệu đồng. Bên cạnh đó sẽ có một số biện pháp bắt buộc như cai nghiện thuốc lá điện tử; nếu công chức, viên chức vi phạm gửi thông báo về cơ quan để cơ quan xử lý.

Cũng theo luật sư Nguyễn Thị Thu, còn với hành vi sản xuất, buôn bán thuốc lá điện tử, trường hợp đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm cá nhân, tổ chức vi phạm có thể bị xử lý hình sự theo Điều 190 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi.

Theo đó, người nào thực hiện một trong các hành vi sản xuất, buôn bán hàng hóa khác mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 1-5 năm.

Trường hợp phạm tội: Có tổ chức; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; Có tính chất chuyên nghiệp; Hàng hóa khác mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng…thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 5-10 năm.

Phạm tội thuộc trường hợp "hàng hóa khác mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng trị giá 500.000.000 đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên" thì bị phạt tù từ 8 năm đến 15 năm.

Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại điều này thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn, thậm chí đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.

Ngoài ra, pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 1-3 năm.