Sắp tới, giấy khám sức khỏe lái xe sẽ tăng thời hạn sử dụng gấp đôi, tới 12 tháng?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tại dự thảo Thông tư về khám sức khỏe đối với người lái xe máy, ô tô, cơ quan soạn thảo đề xuất nâng thời hạn sử dụng của giấy khám sức khỏe với lái xe lên 12 tháng thay vì 6 tháng như hiện tại.

Dự thảo Thông tư thay thế Thông tư liên tịch số 24/2015/TTLT-BYT-BGTVT quy định về tiêu chuẩn sức khỏe, việc khám sức khỏe đối với người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng; việc khám sức khỏe định kỳ đối với người lái xe ô tô.

Về phạm vi và đối tượng áp dụng, so với Thông tư liên tịch số 24/2015/TTLT-BYT-BGTVT, dự thảo Thông tư bổ sung tiêu chuẩn của người điều kiển xe máy chuyên dùng; bỏ quy định về cơ sở y tế khám sức khỏe cho người lái xe do đã quy định tại Nghị định 96/2023/NĐ-CP.

Thao dự thảo, việc khám sức khỏe cho người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng được thực hiện tại cơ sở y tế đã được cấp giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh và đáp ứng các điều kiện tại Nghị định 96/2023/NĐ-CP.

Việc khám sức khỏe định kỳ chỉ áp dụng đối với người lái xe ô tô chuyên nghiệp (người làm nghề lái xe ô tô) theo quy định của pháp luật về lao động.

Quy trình khám sức khỏe người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng được thực hiện theo Điều 35 Thông tư 32/2023/TT-BYT của Bộ Y tế.

Mẫu Giấy khám sức khỏe của người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng áp dụng thống nhất theo quy định tại Phụ lục số 2 ban hành kèm theo Thông tư này.

Đặc biệt, so với Thông tư liên tịch 24/2015/TTLT-BYT-BGTVT, Bộ Y tế đề xuất sửa đổi, bổ sung tên mẫu giấy; bỏ nội dung bắt buộc xét nghiệm nồng độ cồn, ma túy; đồng thời sửa đổi, bổ sung thời hạn của giấy khám sức khỏe có giá trị sử dụng trong vòng 12 tháng (quy định hiện hành là 6 tháng) kể từ ngày ký kết luận.

Ngoài nội dung trên, dự thảo Thông tư cũng quy định rõ trách nhiệm của người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng phải cung cấp thông tin đầy đủ, trung thực về tình trạng sức khỏe, tiền sử bệnh, tật của bản thân và chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin đã cung cấp khi khám sức khỏe.

Đồng thời tuân thủ các hướng dẫn, chỉ định của nhân viên y tế trong quá trình thực hiện khám sức khỏe. Phải chủ động khám lại sức khỏe sau khi điều trị bệnh, tai nạn.

Người làm nghề lái xe ô tô phải chấp hành yêu cầu khám sức khỏe định kỳ, đột xuất của cơ quan quản lý nhà nước về y tế hoặc cơ quan quản lý nhà nước về giao thông vận tải (Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) hoặc của người sử dụng lao động.

Tại dự thảo, Bộ Y tế cũng đưa ra bảng tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dụng, mỗi hạng xe sẽ có quy định khác nhau.

Trong đó, với người lái xe thuộc nhóm 3 (hạng A, C1, D1, D2, D, BE, C1E, CE, D1E, DE) thăm khám tại 9 chuyên khoa. Người mắc các bệnh như rối loạn tâm thần cấp đã chữa khỏi hoàn toàn nhưng chưa đủ 24 tháng; động kinh; song thị; quáng gà; đái tháo đường (tiểu đường) có tiền sử hôn mê do đái tháo đường trong vòng 1 tháng… sẽ không đủ điều kiện để lái xe.

Đối với lái xe thuộc nhóm 1, 2 (A1, B1, B) nếu mắc các bệnh như rối loạn tâm thần mạn tính không điều khiển được hành vi; liệt vận động từ hai chi trở lên; rối loạn nhận biết 3 màu cơ bản đỏ, vàng, xanh lá cây… sẽ không đủ điều kiện lái xe.