Sắp tới, giáo viên có Bằng thạc sỹ được hưởng mức lương bao nhiêu?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Gọi điện đến Đường dây nóng ANTĐ, nhiều bạn đọc hỏi: Từ 20-3, giáo viên có Bằng thạc sỹ xếp lương ra sao? Chứng chỉ chức danh nghề nghiệp của giáo viên có thời hạn không?

Điều 72 Luật Giáo dục 2019 quy định về trình độ chuẩn của nhà giáo. Theo đó, giáo viên mầm non có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên; Giáo viên tiểu học, trung học cơ sở (THCS), trung học phổ thông (THPT): Bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên. Nếu môn học chưa đủ giáo viên có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm.

Về việc xếp hạng cho giáo viên có bằng thạc sĩ, 4 Thông tư 01, 02, 03 và 04 của Bộ GD&ĐT có hiệu lực từ 20-3 quy định, giáo viên THPT hạng I có Bằng thạc sĩ trở lên thuộc ngành đào tạo giáo viên đối với giáo viên THPT.

Giáo viên THCS hạng I có Bằng thạc sĩ trở lên thuộc ngành đào tạo giáo viên với giáo viên THCS hoặc Bằng thạc sĩ trở lên chuyên ngành phù hợp với môn học giảng dạy hoặc Bằng thạc sĩ quản lý giáo dục trở lên.

Giáo viên tiểu học hạng I có Bằng thạc sĩ trở lên thuộc ngành đào tạo giáo viên đối với giáo viên tiểu học hoặc Bằng thạc sĩ trở lên chuyên ngành phù hợp với môn học giảng dạy hoặc Bằng thạc sĩ quản lý giáo dục trở lên.

Từ 20-3, việc xếp lương của giáo viên có nhiều thay đổi (ảnh minh họa)

Từ 20-3, việc xếp lương của giáo viên có nhiều thay đổi (ảnh minh họa)

Về thời hạn chứng chỉ chức danh nghề nghiệp của giáo viên, khoản 1 Điều 31 Luật Viên chức hiện hành nêu rõ, giáo viên được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp nào thì phải có đủ tiêu chuẩn của chức danh nghề nghiệp đó.

Tại 4 Thông tư mới về giáo viên, Bộ GD&ĐT vẫn yêu cầu giáo viên các hạng của các cấp phải bổ sung đủ các văn bằng, chứng chỉ cần thiết trong đó có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp tương ứng với các hạng được bổ nhiệm.

Theo đó, từ 20-3, giáo viên các cấp phải có: Giáo viên hạng I phải có chứng chỉ chức danh hạng I; Giáo viên hạng II phải có chứng chỉ chức danh hạng II; Giáo viên hạng III phải có chứng chỉ chức danh hạng III.

Như vậy, giáo viên để được bổ nhiệm vào hạng nào thì phải đáp ứng tiêu chuẩn của hạng đó và một trong những điều kiện bắt buộc là yêu cầu về chứng chỉ chức danh nghề nghiệp.

Thực tế có khá nhiều giáo viên đã có chứng chỉ hạng cao hơn nhưng lại không có chứng chỉ phù hợp với hạng đang giữ, như giáo viên tiểu học hạng III chưa có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp hạng III nhưng đã học và được cấp chứng chỉ chức danh hạng II. Vậy khi giáo viên này được thăng từ hạng III lên hạng II thì còn được sử dụng chứng chỉ chức danh hạng II ?

Làm rõ nội dung này, Công văn số 971/BGDĐT-NGCBQLGD quy định, trường hợp giáo viên mầm non, phổ thông công lập đã có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của hạng cao hơn hạng hiện giữ thì sẽ được sử dụng trong việc thăng hạng sau này, đồng thời cần bổ sung chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của hạng hiện giữ (nếu còn thiếu) để được bổ nhiệm vào hạng tương ứng theo quy định mới.

Như vậy, chứng chỉ chức danh hạng cao hơn hạng hiện tại giáo viên được bổ nhiệm thì giáo viên có thể sử dụng chứng chỉ đó cho việc thăng hạng sau này. Giáo viên cần phải bổ sung chứng chỉ chức danh nghề nghiệp của hạng hiện giữ nếu còn thiếu để đáp ứng đủ trình độ, tiêu chuẩn của hạng hiện giữ.

Khi giáo viên ở cấp học này được chuyển sang cấp học khác cùng hạng chức danh nghề nghiệp thì vẫn được sử dụng chứng chỉ chức danh nghề nghiệp. Do đó, chứng chỉ chức danh nghề nghiệp của giáo viên không có thời hạn.