Sắp ngăn chặn được sữa nhiễm melamine, khoai tây Trung Quốc đội lốt khoai tây Đà Lạt

ANTD.VN - Tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng gây ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng như: sữa nhiễm melamine, quần áo chứa dư lượng formaldehyte hay nông sản "tắm hóa chất", đội lốt hàng Việt sẽ được ngăn chặn bằng việc truy xuất nguồn gốc. 

Truy xuất nguồn gốc hàng hóa để đảm bảo hàng hóa chất lượng, an toàn

Phát biểu khai mạc hội thảo "Truy xuất nguồn gốc hàng hóa, góp phần tạo thuận lợi thương mại" ngày 24-8, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho biết, truy xuất nguồn gốc hàng hóa là vấn đề mới nổi nên trong những năm gần đây. 

Là một nước vừa xuất khẩu, vừa nhập khẩu lớn, truy xuất nguồn gốc hàng hóa đóng vai trò quan trọng. Các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam như: EU, Hàn Quốc, New Zealand, Trung Quốc... ngày càng đặt ra những yêu cầu ngặt nghèo về truy xuất nguồn gốc hàng hóa, nhằm cung cấp hàng hóa đảm bảo chất lượng, an toàn cho người sử dụng. 

"Scandal thực phẩm bẩn do không kiểm soát được nguồn gốc thực phẩm diễn ra ở nhiều quốc gia. Chẳng hạn như vụ việc sữa Melamine, quần áo dư lượng formaldehyte, thực phẩm chức năng giả... nếu không truy xuất được nguồn gốc sẽ rất nguy hiểm. Tình trạng lợn 2 chuồng, rau 2 luống cũng xử lý được bằng truy xuất"- Thứ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh.

Theo ông Đào Hà Trung- Chủ tịch Hội công nghệ cao TP Hồ Chí Minh, mới đây, dư luận cả nước bất bình với việc khoai tây Trung Quốc "đội lốt" khoai tây Đà Lạt để tiêu thụ tại Việt Nam. Tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng cũng gây nhức nhối toàn cầu. 

"Các nhà bán lẻ lớn trên thế giới như Wallmart... đang đẩy mạnh việc truy xuất nguồn gốc. Dự kiến cuối năm 2019, đầu năm 2020, yêu cầu này càng được đặt cao. Doanh nghiệp Việt Nam muốn có cơ hội xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường này phải thực hiện truy xuất nguồn gốc. Việc này cũng mang lại lợi ích cho cả người tiêu dùng trong nước"- ông Đào Hà Trung nói. 

Ông Lê Đại Dương- Công ty iShopgo cho rằng, cần làm kỹ việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa để ngăn chặn tình trạng "phù phép" cho hàng kém chất lượng, hay tẩm hóa chất nông sản. 

Tuy nhiên, đại diện Công ty iShopgo lưu ý, hiện tại trên thị trường đang nhiều đơn vị làm truy xuất nguồn gốc nhưng thực chất đây chỉ là việc truy cập thông tin, kiểm tra hàng hóa xem đơn vị nào sản xuất, địa chỉ ở đâu...

"Truy xuất nguồn gốc cần nhiều thông tin hơn. Chẳng hạn như việc kiểm tra thông tin thông thường trên miếng thịt lợn bán trên thị trường chỉ là một công đoạn, từ con lợn đến tuổi giết mổ đến bàn ăn. Truy xuất thông tin cần biết được cả con lợn này giống gì, ăn thức ăn gì, nuôi trong chuồng trại như thế nào..." - ông Lê Đại Dương nhấn mạnh.