Sắp hết thời "hạ cánh an toàn"

ANTD.VN - Thanh Hóa vừa công bố kết luận thanh tra việc bổ nhiệm công chức tại Sở Xây dựng tỉnh này, trong đó có trường hợp của bà Trần Vũ Quỳnh Anh, nguyên Trưởng phòng Quản lý nhà và thị trường bất động sản. 

Ngoài những vi phạm trong kê khai hồ sơ, lý lịch, sau khi xin thôi việc, từ tháng 1-2017 tới nay, bà Quỳnh Anh đã không đóng Đảng phí và không sinh hoạt chi bộ. Đáng chú ý, cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa cho rằng, bà Trần Vũ Quỳnh Anh không còn là cán bộ, công chức nên chưa đủ cơ sở để kiểm tra, xác minh tài sản của bà này...

Cơ quan, tổ chức Nhà nước không phải là cái chợ, thích thì vào, không thích thì ra. Ngoài yêu cầu về tư cách đạo đức, người cán bộ phải chấp hành nghiêm những quy định của pháp luật, của tổ chức anh tham gia, chứ không có chuyện phủi tay dễ dàng bằng một tờ đơn xin thôi việc. Trách nhiệm xử lý các vi phạm của bà Quỳnh Anh giờ đây thuộc về các cơ quan có thẩm quyền của tỉnh Thanh Hóa. Sai phạm đã làm rõ thì phải có hình thức xử lý nghiêm minh; công khai kết quả tới công luận để lấy lại lòng tin của nhân dân, kể cả đã thôi việc.

Việc biện minh “khó xử lý” một cán bộ cấp phòng có sai phạm vì người này đã ra khỏi bộ máy Nhà nước làm người ta liên tưởng đến việc vừa qua, một loạt quan chức cấp tỉnh, cấp bộ đã nghỉ hưu lại rơi vào diện bị xem xét kỷ luật do sai phạm từ khi họ còn đương nhiệm được làm rõ.

Gần nhất là nguyên Bộ trưởng TN-MT Nguyễn Minh Quang; 2 nguyên Thứ trưởng TN-MT Bùi Cách Tuyến, Nguyễn Thái Lai và một số nguyên lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh. Trước đó, ông Vũ Huy Hoàng, nguyên Bộ trưởng Công Thương đã bị xóa tư cách Bộ trưởng nhiệm kỳ 2011-2016 vì những sai phạm khi còn đương chức. 

Cụm từ “hạ cánh an toàn” được dùng lâu nay để ám chỉ các quan chức sau khi về hưu là hết trách nhiệm với tổ chức và nhân dân bất kể lúc đương chức có vi phạm thế nào. Thực tế vừa qua cho thấy, khi xử lý những cán bộ đã nghỉ hưu, nếu sai phạm chưa tới mức xử lý hình sự, các cơ quan có thẩm quyền đã tỏ ra lúng túng vì khó áp dụng chế tài. Do không còn chức vụ nên các hình thức kỷ luật hành chính đối với những người này dường như vô nghĩa, không tương xứng với “vi phạm nghiêm trọng” mà họ đã gây ra. 

Mới đây, cho ý kiến vào dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi), nhiều ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị phải bổ sung quy định theo hướng “người nào dù đã về hưu hay chuyển công tác vẫn phải chịu trách nhiệm về những sai phạm của mình”.

Trước đó, Chính phủ cũng đã dự kiến trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cơ chế xử lý kỷ luật đối với cán bộ đã nghỉ hưu có vi phạm nhưng rồi lại hoãn vì “đây là vấn đề khó và mới”. Tuy khó nhưng thực tế cuộc sống đang đòi hỏi cần sớm luật hóa cơ chế này. Hy vọng, sau khi những kẽ hở của luật pháp được lấp đầy, khái niệm “hạ cánh an toàn” sẽ tự biến mất khỏi đời sống xã hội.