Sắp có thẻ công dân điện tử

ANTĐ - Ngày 12-3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Căn cước công dân và dự án Luật Công chứng (sửa đổi). Cùng ngày, UBVTQH đã thảo luận về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 35/2012/QH13 về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.

Tại phiên họp, thừa ủy quyền Chính phủ, Thượng tướng Bùi Văn Nam, Thứ trưởng Bộ Công an đã trình bày Tờ trình về dự án Luật Căn cước công dân. Theo đó, tới đây sẽ có một số thay đổi quan trọng trong việc cấp Chứng minh nhân dân (CMND) cho công dân. Cụ thể, số CMND được quy định là số định danh cá nhân được xác lập từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, là dãy số tự nhiên gồm 12 số, được cấp cho mỗi công dân Việt Nam và không lặp lại ở người khác, dùng để xác định dữ liệu về căn cước và dữ liệu khác về công dân. Trường hợp đổi, cấp lại CMND thì số CMND vẫn giữ đúng theo số ghi trên CMND đã cấp lần đầu. 

Dự thảo quy định thời hạn sử dụng của CMND tương thích với từng độ tuổi nhất định; trong đó, thời hạn sử dụng CMND kể từ ngày cấp là 10 năm đối với người từ 15 tuổi đến dưới 25 tuổi, 15 năm đối với người từ đủ 25 tuổi đến dưới 55 tuổi. Người từ đủ 55 tuổi trở lên thì không xác định thời hạn. 

Trên CMND sẽ có bộ phận điện tử lưu trữ một số thông tin cơ bản về căn cước và thông tin khác từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của người được cấp để làm cơ sở tích hợp các thông tin cần thiết trên CMND theo hướng trong thời gian tới đây là Thẻ công dân điện tử.

Ghi nhận dự án luật đã được chuẩn bị khá công phu và đồng thuận với nhiều nội dung trong dự thảo, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Đức Hiền đề nghị làm rõ thêm những căn cứ để quy định thời hạn cấp đổi CMND. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tán thành quan điểm tiến tới bỏ công cụ quản lý bằng hộ khẩu và gợi ý CMND cần áp dụng công nghệ tiên tiến để đảm bảo sự thuận tiện tối đa cho người dân. Phó Chủ tịch Quốc hội cũng thống nhất với dự kiến của Ban soạn thảo về việc cấp căn cước cho người chịu án phạt tù, người tâm thần… để đảm bảo quyền con người cho các đối tượng này.

Chủ nhiệm UB Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển đồng tình quy định rõ trong Luật về phí và lệ phí cấp đổi CMND: “Nếu người dân đánh mất, làm hỏng hoặc muốn đổi lại CMND vì lý do chủ quan thì phải nộp tiền, nhưng nếu vì yêu cầu quản lý mà Nhà nước yêu cầu cấp đổi thì kinh phí phải từ ngân sách, bắt dân nộp là không hợp lý”. Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý đề nghị Ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra rà soát, kết hợp hài hòa yêu cầu quản lý dân cư với việc đảm bảo quyền riêng tư, bí mật gia đình... cho công dân. 

Đáng chú ý, ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng nêu ý kiến: “Hiện nay, nhiều luật đều quy định về cơ sở dữ liệu dân cư. Nếu cứ riêng biệt tiến hành thì vừa trùng lặp, tốn kém kinh phí; vừa có khả năng thông tin không thống nhất. Đề nghị chỉ làm một bộ cơ sở dữ liệu để dùng chung. Các ngành đều trích xuất từ đó ra, cần bổ sung gì để phục vụ công tác quản lý của ngành mình thì chỉ điều tra thêm nội dung ấy”. 

Theo Chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội, dự án Luật Căn cước công dân sẽ được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 7 và xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 8.