Sập bẫy "đáo hạn ngân hàng", trả lãi suất cao, hàng chục hộ dân bị lừa nhiều tỷ đồng

ANTD.VN -Ngày 1-4, ông Trương Văn Chỉ, chủ tịch UBND huyện Cư M’Gar, tỉnh Đắk Lắk, cho biết đã chỉ đạo UBND xã Cư Suê và Ea Nang tổ chức xác minh vụ hàng chục hộ dân mất hàng chục tỉ đồng qua hình thức đáo hạn ngân hàng.

Theo ông Chỉ, hiện nay xã chưa nhận được đơn tố cáo, nhưng trước thông tin nhiều người dân tố cáo một người có hộ khẩu tại địa phương mượn tiền của nhiều người dân, số tiền lên hàng chục tỉ và rời khỏi địa phương, nên đã tiến hành xác minh, làm rõ…

Người bị tố cáo là bà T.T.V. (29 tuổi, trú thôn 2, xã Cư Suê) đã rời khỏi địa phương. Các chủ nợ đến nhà của bà V. tại ở TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) nhưng địa chỉ này cũng không còn bà V. sinh sống, số điện thoại không còn liên lạc được…

Người dân bị lừa tiền trao đổi với phóng viên

Theo danh sách nạn nhân mà người dân cung cấp thì đến nay số tiền nghị bị bà V. chiếm đoạt lên đến hơn 40 tỷ đồng.

Trả lãi suất 3.000 – 4.000 đồng/triệu đồng/ngày để lừa người dân sập bẫy

Người dân lo lắng vì hàng chục tỷ đồng từ tiền vay ngân hàng đã bị lừa lấy mất.

Bà Trần Thị Kim Dung (42 tuổi, trú thôn 4 xã Cư Suê), kể cuối năm 2017 do quen biết và được mẹ của V. giới thiệu con gai làm bên ngân hàng, có khả năng đáo hạn ngân hàng. Từ mối quen biết này, V. nói cần 500 triệu để đáo hạn ngân hàng, lãi suất 3.000 đồng/triệu/ngày, sẽ trả trong 10 ngày.

“Những đợt đầu tiên bà V. trả lãi đầy đủ, đúng hẹn nên gia đình tôi rất tin tưởng. Đến ngày 5-1-2018, V. đã vay tổng cộng của gia đình tôi là 7,57 tỉ đồng, hẹn đến 23-3 trả nhưng đến nay chưa trả và cũng bỏ đi, điện thoại không nghe máy. Chúng tôi nghi ngờ V. dùng bẫy lãi suất cao để dụ dỗ chúng tôi đưa tiền rồi lừa đảo. Số tiền này ngoài của gia đình tôi thì còn đi vay, gop góp sổ đỏ của người thân, hàng xóm vay ngân hàng để đưa cho V.” – bà Dung lo lắng.

Bà Dung còn cho biết thêm do bà gom góp vay của nhiều người quen nên đến nay khi bị V. lừa lấy hết tiền thì một số tài sản có giá trị như xe ô tô, xe máy... của gia đình bà đã bị người bà Dung đi vay đến xiết nợ.

Vợ chồng bà Dung “thấp thỏm” vì không biết lấy tiền đâu để trả những người quen, các tài sản có giá trị của gia đình đã bị xiết nợ

Tương tự, bà Nguyễn Thị Bến (trú xã Ea Mnang) cũng gom góp tài sản, vay nợ, lấy sổ đỏ của nhiều hộ gia đình khác đi thế chấp ngân hàng để đưa cho V. tổng số tiền 22 tỉ đồng. Nghe V. bỏ trốn, nhiều lần không liên lạc được qua điện thoại, bà Bến liên tục ngất xỉu vì lo lắng, hoang mang. Mấy ngày nay, ngày nào tại nhà bà Bến cùng có nhiều người dân đến túc trực để đòi lại số tiền đã gửi cho bà để đưa cho V. hòng kiếm lãi cao.

“Bà Bến nói đã đưa hết số tiền của mình và của mọi người nên giờ chưa biết tính sao. Bà Bến là chủ nợ nhưng cũng là con nợ của nhiều người khác bởi mức lãi xuất hấp dẫn mà V. đưa ra” – chị Võ Thị Nương  (trú xã Ea Mnang) cũng là nạn nhân trực tiếp và thông qua bà Bến đã đưa hơn 2 tỉ đồng cho V. nói.

 Nâng khống tài sản thế chấp để vay nhiều

Theo người dân, mọi việc vay tiền ở ngân hàng đều do V. dẫn đi, sau khi tiền được giải ngân thì người dân sẽ đưa hoa hồng cho cán bộ ngân hàng, số còn lại cho V. “vay lại” hết. Vì nhiều lần V. cùng cán bộ ngân hàng giải quyết các hồ sơ vay rất đơn giản và thuận lợi nên người dân hết sức tin tưởng.

Ông Trần Đây (thôn 4 xã Cư Suê) cho biết, thông qua cháu mình là Trần Thị Kim Dung, ông cũng đưa cho V. 500 triệu đồng để “kiếm lãi”. Nay nếu Dung xù nợ, bỏ trốn nguy cơ ông bị ngân hàng siết nợ là không tránh khỏi. Ông Đây cho biết, do hám tiền lời nên ông đưa “sổ đỏ” gia đình cho V đi vay.

“Thực tế tài sản tôi nếu vay cũng chỉ được 200-300 triệu đồng nhưng V. đã vay cho tôi được 500 triệu đồng. Sau khi nhận tiền, gửi “trả nước” mấy chục triệu cho cán bộ ngân hàng thì tôi đưa hết cho V.. Nay V. và gia đình đã bỏ trốn, tôi vô cùng lo lắng” – ông Đây nói.

Ông Trần Đây đau khổ trước nguy cơ bị mất nhà cửa khi không có tiền trả ngân hàng số tiền 500 triệu đồng đã vay.

Ông Đặng Văn Hoan, chủ tịch UBND xã Cư Suê, cho biết đã cho công an xã kiểm tra nơi ở và xác định V. vắng mặt khỏi địa phương. Tuy nhiên, ông Hoan cho biết người dân không hề gửi đơn tố cáo V. đến xã, xã chỉ nắm thông tin qua phản ánh của người dân.

Ngoài ra, bà Trần Thị Kim Dung cũng nhờ một công ty đòi nợ để thu nợ giúp mình. Công ty này cũng đã đến xã để liên hệ địa phương để thông báo về việc mình được ủy quyền đòi nợ thay.

Tâm lý lo lắng bao trùm lên các chủ nợ “bỗng chốc tay trắng” và bị biến thành con nợ.

Cũng theo ông Hoan, hiện nay xã chưa thể xác minh cụ thể từng trường hợp vì dân họ không gửi đơn tới. Tuy nhiên qua nắm bắt địa bàn, xã biết được việc có nhiều hộ dân vay mượn, cầm cố tài sản để có tiền đưa cho V. để lấy lãi suất cao hơn. Ở đây cũng có yếu tố do người dân tham lãi xuất nên mới gửi nhiều tiền như vậy…