Sập bẫy "chạy" việc, chỉ vì quá cả tin

ANTĐ - Không vị thế xã hội, thậm chí không việc làm, song các đối tượng lừa đảo “chạy” việc thường tự thêu dệt “uy lực” của bản thân cũng như những mối quan hệ của họ. Các bị hại vốn rất cả tin nên dễ dàng “sập bẫy”.    

Lừa tiền tỷ ngon ơ

Cầm tấm bằng đại học trong tay, song chị Nguyễn Thị Thùy Trang (SN 1987, ở TP Nam Định, Nam Định) cứ loay hoay mãi mà chưa xin được việc làm. Qua giới thiệu, chị Trang được bà Vũ Thị Lan (SN 1963, trú phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm) cho biết có “cửa” vào làm việc tại Ngân hàng NN&PTNT – Chi nhánh Bách Khoa với chi phí 300 triệu đồng. Dù khoản tiền “chạy” việc rất lớn, song chị Trang vẫn bấm bụng “đặt cửa”. Nhưng chỉ sau 2 tháng học việc tại Ngân hàng NN&PTNT – Chi nhánh Trung Yên, chị Trang bị mời ra khỏi đây mà không một lời giải thích. 

Cùng với chị Trang, nhiều nạn nhân khác cũng rơi vào “bẫy” lừa đảo xin việc làm của Nguyễn Thị Tuyết (SN 1978), trú ở phòng 710, nhà CT4, Khu đô thị Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm và Trần Gia Hòa (SN 1977), ở số 9A, ngõ 3, phố Chiến Thắng, phường Văn Quán, quận Hà Đông. Thủ đoạn của cặp đôi này là dựng một màn kịch như thật để đánh lừa “con mồi”.

Sập bẫy "chạy" việc, chỉ vì quá cả tin ảnh 1

Hai bị cáo bị truy tố về tội lừa đảo xin việc tại một phiên tòa mới đây

Theo đó, Tuyết là người tung tin và dẫn dắt những người có nhu cầu xin việc làm đến ngân hàng mà đối tượng cùng đồng bọn xác định trước. Trong khi đó, Hòa vào vai giám đốc của ngân hàng ấy. Khi Tuyết và người muốn xin việc đến cũng là lúc Hòa từ trong ngân hàng bước ra. Cầm bộ hồ sơ xin việc trong tay, giám đốc ngân hàng “rởm” hẹn sẽ trao đổi cụ thể sau hòng lấy lòng tin của bị hại.

Trên cơ sở đó, Tuyết yêu cầu “con mồi”  phải giao tiền và chiếm đoạt của họ. Bằng thủ đoạn này, chỉ một thời gian ngắn (từ tháng 3 đến tháng 5-2013) cặp đôi lừa đảo xin việc làm đã chiếm đoạt gần 1 tỷ đồng của 4 bị hại. Hiện, vụ án vẫn đang được các cơ quan tiến hành tố tụng Hà Nội hoàn tất hồ sơ để đưa ra xét xử.

         

Mới đây, Tòa án Hà Nội đã tuyên phạt Hoàng Thị Hường (SN 1977, trú ở  phường Cổ Nhuế I, quận Bắc Từ Liêm) 16 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Mánh khóe của “nữ quái” này là mạo nhận chức danh Phó tổng biên tập của một tờ báo, đồng thời rêu rao rằng có chồng giữ chức vụ quan trọng trong một cơ quan nhà nước.

Với vị thế và quan hệ của mình, Hường cam kết có thể xin việc cho nhiều người. Trong quá trình mê hoặc bị hại, Hường luôn đọc vanh vách tên những người có quyền hành ở cơ quan mà người có nhu cầu việc làm muốn xin vào. Do đó mà từ đầu 2011 đến 2013, Hường nhận được rất nhiều hồ sơ xin việc và đã chiếm đoạt hơn 1,7 tỷ đồng của 19 bị hại.

Phải tỉnh táo và sàng lọc thông tin

Nói về các vụ án lừa đảo “chạy” việc làm gần đây, luật sư Giang Hồng Thanh – Trưởng VPLS Giang Thanh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nhìn nhận, trong khi các đối tượng phạm tội ngày càng sử dụng thủ đoạn tinh vi thì phía các bị hại lại rất cả tin và có phần thiếu trách nhiệm với chính bản thân mình. Dẫn chứng cho nhận định của mình, luật sư Thanh cho biết, trong vụ lừa đảo ở Sơn Tây được đưa ra xử mới đây, gần 70 bị hại đã bị chiếm đoạt 3,5 tỷ đồng chỉ với những lời hứa xin việc làm suông.

Trong vụ này, Bùi Thanh Hà (SN 1971, trú ở phố Quang Trung, thị xã Sơn Tây) làm chủ một quán cà phê tại gia nhưng nghe lời Nguyễn Mạnh Hà (SN 1985, ở Chiêm Hóa, Tuyên Quang) và một đối tượng đến uống cà phê, “chém gió” liền tung tin, lập bảng giá “chạy” việc, nhận tiền cùng hồ sơ xin của mọi người. Điều đáng buồn là hầu hết các bị hại trong vụ án đã quá hồ đồ khi đưa tiền xin việc cho người khác mà chẳng hề có bất kỳ cơ sở nào đáng tin cậy. Đơn cử như trường hợp vợ chồng chị Trịnh Thị Hợi (cũng trú ở thị xã Sơn Tây), biết rõ Thanh Hà vốn chỉ ở nhà bán hàng song vẫn đứng ra nhận hồ sơ cùng hơn 1,6 tỷ đồng của 19 người thân quen để nhờ chủ quán cà phê xin việc làm. 

Ngoài ra, yếu tố tâm lý cũngkhiến các bị hại mất tiền cho những đối tượng bịp bợm. Những kẻ lừa đảo đánh trúng vào tâm lý sốt ruột của người mong kiếm được việc làm ưng ý cũng như quan niệm của nhiều người rằng muốn được việc thì phải… “chạy”.

Một thẩm phán của TAND TP Hà Nội chia sẻ thêm, thực tiễn xét xử cho thấy phần lớn các vụ án lừa đảo việc làm không chỉ dừng ở một, hai bị hại và bị hại thường có tính bắc cầu, qua tầng lớp trung gian. Chính vì thế mà thông tin đến với người có nhu cầu xin việc làm thực sự thường không xác đáng và hay bị bóp méo, thổi phổng.

Để tránh mắc rơi vào “bẫy chạy việc làm” của những kẻ lừa đảo, vị Thẩm phán này khuyến cáo những người có nhu cầu về công việc cần phải tìm hiểu kỹ khả năng của người có ý định nhờ cậy; phải biết sàng lọc thông tin và phải kiểm chứng nhu cầu sử dụng lao động ở nơi dự định xin vào làm việc. Mặt khác, mọi người cần phải thấy rằng thị trường lao động, việc làm hoặc công tác tuyển dụng công chức, viên chức tại các cơ quan nhà nước ngày càng công khai, minh bạch và rất dễ tìm thấy trên các phương tiện thông tin đại chúng.