Sao lúc nào cũng thiếu?

ANTĐ - Thông tin từ Bệnh viện Bạch Mai - Hà Nội cho biết, 7 trong số 15 bệnh nhân ngộ độc nấm đã tử vong tại Trung tâm Chống độc của bệnh viện. Số bệnh nhân này được đưa vào bệnh viện đều trong tình trạng nguy kịch, gan bị tổn thương nặng, thậm chí đã có trường hợp rất nguy kịch trong tình trạng hôn mê, suy gan cao có thể tử vong bất cứ lúc nào. 

Trong năm người từ Thái Nguyên nhập viện đợt đầu tiên, đã có tới 4 người tử vong. Trong 5 người nhập viện đợt thứ hai, có 3 người đã tử vong, 1 người đang trong tình trạng hôn mê, phải thở máy, nguy cơ tử vong cao. Trong nhóm 4 bệnh nhân được chuyển đến từ Tuyên Quang, đã có 2 trường hợp xin về vì đã quá nặng.

Dù các y, bác sĩ đã tận tâm, hết lòng cứu chữa, nhưng đã gặp trở ngại trong việc cứu sống bệnh nhân. Đó là thiếu thuốc giải độc gan cho bệnh nhân nếu không được cung ứng kịp thời ít nhất 100 lọ thuốc giải độc. Ngay sau khi nhận được báo cáo của Bệnh viện Bạch Mai về tình trạng số bệnh nhân ngộ độc nấm gia tăng trong khi thuốc điều trị lại rất hiếm, Cục Quản lý Dược đã yêu cầu Bệnh viện Bạch Mai lập dự trù, kế hoạch sử dụng để các công ty dược phẩm có cơ sở khẩn trương nhập khẩu đủ thuốc cho công tác điều trị ngộ độc nấm nói riêng và cho nhu cầu điều trị của bệnh viện trong trường hợp đặc biệt nói chung. 

Cách đây chưa lâu, TP Hồ Chí Minh cũng thiếu thuốc chống độc, huyết thanh kháng nọc độc điều trị cho bệnh nhân bị rắn cắn. Lần ấy, Cục Quản lý Dược cũng có ngay một công văn “chữa cháy” tương tự. Gần đây nhất, lại có cả chuyện tất cả các điểm tiêm phòng đã hết sạch nhiều loại vaccine. Chỉ đến khi người dân hoang mang, dư luận lên tiếng và dịch bệnh xảy ra, Cục Quản lý Dược mới lại “chữa cháy” bằng cách cho phép nhập khẩu vaccine phòng bệnh.

Cũng chẳng riêng gì vaccine phòng bệnh ở người, thời gian qua, khi cả nước đã có hàng trăm ổ dịch cúm gia cầm H5N1 thì ngành nông nghiệp mới đề xuất cho nhập khẩu vaccine để đáp ứng công tác phòng dịch!

Mới đây, sau khi sập cầu Chu Va (tỉnh Lai Châu) khiến hàng chục người thương vong, Bộ GT-VT mới tức tốc chỉ đạo rà soát kiểm tra lại toàn bộ các cây cầu treo trong toàn quốc. Đây là những việc làm cần thiết, nhưng lại chỉ là động thái “mất bò mới lo làm chuồng”.

Sau những mất mát của các bệnh nhân ngộ độc nấm đều là người nghèo, ở vùng sâu, vùng xa nhà với điều kiện kinh tế rất khó khăn không tiếp cận được những thông tin cảnh báo về nấm độc Bệnh viện Bạch Mai mong muốn có những tờ rơi tuyên truyền về nấm độc, phân phát đến từng bản làng, thôn xóm để cảnh báo với người dân. Nhưng chưa thấy các đơn vị chức năng, những tổ chức quản lý chuyên ngành có động thái nào

Mới thấy tầm nhìn của các đơn vị quản lý và ngay chính những cơ sở trực tiếp phụ trách các mảng công việc còn hạn chế nhiều. Đáng trách hơn nếu là “nhìn xa” rồi nhưng lại thiếu hành động, thiếu trách nhiệm.