Sao lại chỉ nghe mà không hát?

ANTĐ - Hát Quốc ca là nghi thức thiêng liêng không chỉ thể hiện niềm tự hào và lòng yêu nước mà còn là quyền, nghĩa vụ của mỗi công dân. Bởi vậy, việc mở các bản thu âm sẵn như hiện nay sẽ chấm dứt từ ngày 16-12.
Sao lại chỉ nghe mà không hát? ảnh 1
Học sinh hát Quốc ca cũng là một cách để bồi đắp lòng yêu nước

Có người khi được hỏi đã cho rằng, cái thói quen mở sẵn nhạc trong các hội nghị, ngày kỷ niệm chính là mối đe dọa và là nguyên nhân gây bệnh lười hát (Quốc ca). Và nếu cứ tiếp tục lười như vậy sẽ đến một ngày công dân Việt Nam không thuộc Quốc ca, hoặc nhầm lời. Khi hát Quốc ca, khi đặt tay lên trái tim mình, đó là lúc khơi dậy niềm tự hào dân tộc, đó còn là quyền, nghĩa vụ của mỗi công dân. Không ít người từ lâu, coi việc hát Quốc ca là khâu “nhiêu khê”, thủ tục. Có cả nghìn lý do được đưa ra để ngụy biện cho hành động thiếu tinh thần dân tộc ấy, trong đó có cả lý do… “ngượng” vì xung quanh người ta không hát, hát một mình thấy nó cứ… làm sao. Bản chất của việc lười hát Quốc ca hiện nay, xét cho cùng xuất phát từ thói quen bấy lâu nay… nghe nhạc, thay vì hát. 

Từ ngày 16-12, Nghị định 145/2013/NĐ-CP quy định về tổ chức ngày kỷ niệm, nghi thức trao tặng, đón nhận hình thức khen thưởng, danh hiệu thi đua, nghi lễ đối ngoại và đón, tiếp khách nước ngoài… bắt đầu có hiệu lực. Theo đó, các đại biểu dự lễ sẽ phải hát Quốc ca, việc mở các bản thu âm sẵn như hiện nay sẽ chấm dứt, quy định này nhận được nhiều sự đón nhận của phía người dân bởi đã là niềm tự hào thì sao phải ngại.

Nhà văn Chu Lai: “Tỏ tình với non sông phải từ trái tim mình!”

Sao lại chỉ nghe mà không hát? ảnh 2

Đây là một quyết định rất hay. Quốc ca là mạch đập của dân tộc, là chiều sâu số phận của từng con người trải qua chiều dài lịch sử giông bão đã biến thành trái tim của mình. Đó giống như là lời tỏ tình với non sông. Lời tỏ tình ấy từ trái tim mình hát ra có thể vụng về một chút nhưng chân thật chứ tỏ tình “nhép” thì còn giá trị gì nữa. Quốc ca chính là sự chân thật từ trong lòng mình nên việc bỏ các bản thu âm sẵn là hoàn toàn đúng đắn. Lâu nay có một thực tế là không chỉ các bạn trẻ mà nhiều người già cũng lười hát Quốc ca, thậm chí còn không thuộc Quốc ca. Chúng ta cần phải biết rằng những năm tháng hào hùng trong quá khứ đã đẻ ra những khẩu khí lịch sử trong bài hát “Quốc ca”. Là người Việt, phải biết tự hào về dân tộc mình chứ!

Nhạc sỹ Phạm Tuyên: Không ít trường hợp hát nhầm lời Quốc ca

Sao lại chỉ nghe mà không hát? ảnh 3

Quy định mới được Bộ VH-TT&DL đưa ra theo tôi bắt nguồn từ việc nhiều nơi hiện nay chỉ “nghe” Quốc ca, chứ không hát, hoặc có thì chỉ mấp máy môi. Trước đây tôi thấy không ít trường hợp hát nhầm lời Quốc ca, không chỉ trong các lễ kỷ niệm, mà nhiều sự kiện văn hóa, xã hội khác. Một trong những nguyên nhân của việc này là chúng ta đang phần nào phụ thuộc vào các bản thu âm sẵn. Bởi vậy, theo tôi quy định này cần được phổ biến trước hết là cho thế hệ thanh thiếu niên, những người trẻ mà làm tốt thì sẽ tạo được hiệu ứng rộng rãi trong xã hội.

Cầu thủ Lê Tấn Tài: “Hát quốc ca là vinh dự và trách nhiệm”

Đối với tôi, trước mỗi trận đấu, đặc biệt là những trận đấu của ĐTQG, việc hát quốc ca là vô cùng quan trọng. Đôi khi việc hát quốc gia giúp chúng tôi tự tin, máu lửa và nhiệt huyết hơn khi vào trận. Tôi thường động viên các đồng đội cần phải hát to và rõ ràng khi đứng chào cờ. Điều đó không chỉ là nghi thức thiêng liêng, mà còn là hành động khiến mỗi cầu thủ khoác lên mình màu áo quốc gia cảm thấy vinh dự, tự hào và có trách nhiệm hơn với những gì thể hiện sau đó”.

Ca sỹ Đăng Dương: Không hát Quốc ca sẽ tự thấy lạc lõng

Sao lại chỉ nghe mà không hát? ảnh 4
Hát Quốc ca thể hiện niềm tự hào và lòng yêu nước. Tôi nghĩ việc quy định bắt buộc hát Quốc ca trong các lễ kỷ niệm là hết sức cần thiết và cần được thực hiện triệt để. Giữa bầu không khí trang nghiêm, ai cũng hát Quốc ca mà một vài người không hát thì những người đó tự cảm thấy mình đang thiếu tôn trọng bản thân. Giống như quy định đội mũ bảo hiểm, nếu mọi người chấp hành tốt thì khi đi ra đường, người không đội sẽ tự thấy lạc lõng.