Sao “đi” vội thế Quý Dương ơi!

(ANTĐ) - Chúng tôi hẹn nhau trong tuần này sẽ đến thăm anh. Nhưng Quý Dương đã vội vàng ra đi không kịp từ giã người thân.
Sao “đi” vội thế Quý Dương ơi! ảnh 1
NSND Quý Dương luôn tìm tòi và sáng tạo

Có những lần phải đi cấp cứu, nhưng khi đã qua cơn nguy kịch anh vẫn hẹn hò bạn bè trong Nam ngoài Bắc, thế nào cũng phải tổ chức được một buổi ngồi với nhau… Nhưng cuộc gặp mặt đó không bao giờ còn nữa. Hàng tuần anh vẫn phải đến bệnh viện để chạy thận, không còn sức để ca hát, nhưng trong lòng khán thính giả vẫn đọng lại một Quý Dương với bao nhiêu yêu mến và trân trọng. Trong chương trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, giọng hát của anh lại vang vọng khắp nơi với ca khúc “Ca ngợi Hồ Chủ tịch” của Văn Cao. Một giọng hát mượt mà, đẹp và sang trọng, ấm áp và đầy biểu cảm. Dù anh đã đi xa nhưng giọng hát ấy sẽ mãi mãi không phai mờ trong lòng người yêu nhạc. Quý Dương là một nghệ sỹ miệt mài trong lao động, làm việc có trách nhiệm, luôn tìm tòi và sáng tạo. Dù gặp anh trong bệnh viện hay nhà riêng, anh vẫn đón tiếp bạn bè bằng nụ cười đôn hậu, vẫn say mê trong mọi trao đổi về nghệ thuật và cuộc đời. Sáng nay Hà Nội không nắng, giọt cà phê như đắng hơn thường ngày, chúng tôi ngồi đây lòng trĩu nặng nghĩ về anh. Dù biết rằng sinh tử là quy luật của trời đất, nhưng sự mất mát này không dễ nguôi ngoai. Là một diễn viên tài năng, anh còn là người thầy đào tạo được nhiều ca sĩ thành đạt. Có lần chúng tôi đến thăm khi sức khoẻ của anh đã yếu đi nhiều, nhưng khi phải thị phạm cho học trò anh quên đi tất cả, dốc hết tâm lực để cho người học tiếp thu được những trải nghiệm quý báu của anh. Quý Dương là một trong số những nghệ sĩ ca kịch (opera) đầu tiên của nền âm nhạc nước nhà. Thời hoàng kim ấy, bên cạnh anh là những tên tuổi mà thời nay hiếm gặp như: Ngọc Dậu - Quang Hưng - Trung Kiên - Trần Hiếu -  Gia Hội - Đức Lộc - Kim Định - Gia Khánh… Với những đạo diễn như Văn Hà, họa sĩ Trần Mậu, biên đạo Nguyễn Việt, những chỉ huy như: Trần Quý - Đỗ Dũng - An Ngọc… Những nghệ sĩ thực thụ ấy đã góp phần làm nên một thời vẻ vang cho nước Việt. Quý Dương luôn đảm nhiệm những vai chính trong nhiều vở opera bấy giờ như: Ép ghê nhi-Ô nhê ghin của Tchaikovsky, rồi Núi rừng hãy lên tiếng (Triều Tiên), Người tạc tượng (Đỗ Nhuận) - Bên bờ K’rông pa (Nhật Lai)  - Cô Sao (Đỗ Nhuận) - Ruồi Trâu… Sau anh về làm Giám đốc Nhà hát Nhạc vũ kịch, anh vẫn tận tụy hết lòng vì công việc. Anh luôn chan hoà với mọi người. Trong anh chỉ có những đồng nghiệp với mục đích chung là làm nghệ thuật. Chị Thư, vợ anh và các con dự định tổ chức sinh nhật cho anh vào chủ nhật 3-7 này. Nhưng anh không dự được nữa rồi. Người đàn ông tuổi Đinh Sửu ấy đã vĩnh biệt cuộc đời lúc 13h45 ngày 28-6-2011. Sau cơn bão Haima trời Hà Nội lại tỏa nắng, cái nắng dịu dàng đủ cho ta quên đi những cơn mưa lớn vừa qua. Cái nắng ấy càng làm cho những vòng hoa thêm rực rỡ, để cho bạn bè về đây nhìn lại khuôn mặt thân quen lần cuối và tiễn đưa anh trong bồi hồi xúc động. Từ nay những buồn vui trong cuộc sống không làm cho anh bận tâm nữa. Những đau đớn bệnh tật anh không còn phải chịu đựng nữa. Anh hãy ra đi thanh thản nhé. Có một cánh bướm mỏng manh đang bay lượn nơi đây, có phải anh đang hiện về để ngắm nhìn khuôn mặt những bạn bè xưa?