Sao chép ảnh thành ....tranh có vi phạm pháp luật?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN - Các vụ việc sao chép trái phép từ ảnh thành tranh đã không còn là chuyện mới trong đời sống văn học nghệ thuật. Mới đây nhất, nhà nhiếp ảnh Lê Bích đã được một phen choáng váng khi chính anh là nạn nhân. 

Bức ảnh "Ngày xuân ở Lao Xa" chụp hai đứa trẻ miền sơn cước của nhiếp ảnh gia Lê Bích đã bị một họa sĩ sao chép và chuyển thể trên chất liệu sơn mài. Khi đặt hai tác phẩm cạnh nhau, ai cũng nhận thấy sự giống nhau đến ngỡ ngàng dù một bức là nhiếp ảnh, còn một bức là hội họa.

Nhà nhiếp ảnh Lê Bích đã rất ngỡ ngàng khi tình cờ nhìn thấy bức tranh sơn mài giống với bức ảnh của mình ở trên mạng. Anh chia sẻ, “ Họa sĩ lấy ảnh của tôi và chép lại y hệt thành tranh. Điểm khác nhau duy nhất là ở chất liệu. Tôi thực sự ngạc nhiên với sự dễ dãi này”.

Ảnh của nhiếp ảnh gia Lê Bích bị sao chép mà không phép sang chất liệu sơn mài trong hội họa

Ảnh của nhiếp ảnh gia Lê Bích bị sao chép mà không phép sang chất liệu sơn mài trong hội họa

Khi nhận phản hồi của nhà nhiếp ảnh Lê Bích, phòng tranh bày bán tác phẩm cho biết, bức tranh sơn mài đó là một tác phẩm ký ký gửi của họa sĩ. Sau đó, phòng tranh đã xin lỗi tay máy này và gỡ tác phẩm đã đưa lên mạng.

Lê Bích không phải là nhà nhiếp ảnh duy nhất rơi vào trường hợp "đứng hình" này. Trước đó, một tác phẩm tranh cổ động sao chép lại y nguyên bức ảnh "Nụ hôn của gió" của nhà nhiếp ảnh Trần Thế Long, hội viên Hội nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam cũng từng làm dư luận "dậy sóng".

Bức tranh cổ động "Đảng là cuộc sống của tôi" của tác giả Nguyễn Trung Kiên khi đó đang là sinh viên năm thứ 3 Viện Đại học Mở Hà Nội, đã đoạt giải Nhất cuộc thi sáng tác tranh cổ động chào mừng 70 năm thành lập Đảng, do Cục Văn hóa - Thông tin cơ sở tổ chức. Trước đơn kiến nghị của nhà nhiếp ảnh Trần Thế Long, BTC đã thu hồi giải thưởng cuộc thi và vụ việc nhanh chóng khép lại.


Cách đây vài năm, nhà nhiếp ảnh Dương Quốc Định, người nổi tiếng với các bức ảnh nude đã rất bức xúc khi phát hiện ra công ty XQ Đà Lạt đã chuyển thể các tác phẩm ảnh nude của anh thành... tranh thêu. Sau hồi lùm xùm tính việc thuê luật sư kiện công ty XQ, nhà nhiếp ảnh này cũng đành nhượng bộ với thái độ khẩn khoản của đối tác.

Trong những năm gần đây, tình trạng vi phạm tác quyền không còn diễn ra theo lối tranh ra tranh, mà tinh vi hơn khi chép ảnh ra tranh. Trước hiện tượng này, luật sư Tám Trần ((luật sư bản quyền, công ty IPCom) cho biết, về nguyên tắc, việc vẽ một bức tranh dựa trên một bức ảnh là hành vi làm tác phẩm phái sinh, và đây là hành vi phải được sự cho phép của tác giả/chủ sở hữu tác phẩm, nếu không đây là hành vi xâm phạm quyền. Xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ thì tùy theo mức độ vi phạm mà sẽ có sự xử lý khác nhau, có thể bị xử lý hành chính bởi các cơ quan hành chính hoặc bị xử lý bởi tòa án do sự lựa chọn của người bị xâm phạm, thậm chí có thể bị xử lý hình sự nếu đó là hành vi xâm phạm nghiêm trọng.

Bức tranh cổ động "đạo ảnh" của tay máy Trần Thế Long

Bức tranh cổ động "đạo ảnh" của tay máy Trần Thế Long

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam cho biết, các tác phẩm hội họa "đạo" ảnh vẫn len lỏi vào các cuộc thi nhưng may mắn là kiểu vẽ chép từ ảnh này không khó nhận ra.

“Nó càng chi tiết bao nhiêu lại càng phải nghi vấn bấy nhiêu. Cái lá bé tí teo thì làm gì mà ngồi tỉa được. Vẽ hoa cỏ thiên nhiên vẫn có cái riêng của nghệ sĩ. Hay các bức họa đều có bố cục riêng. Đấy là cái mỗi nghệ sĩ phải tự bảo trọng danh dự của mình thôi”, họa sĩ Lương Xuân Đoàn nói.

Nhiếp ảnh gia Ngô Xuân Phú cho rằng, các vụ vi phạm tác quyền thường được giải quyết giữa 2 bên nên vụ việc này vừa chìm xuống lại có vụ việc khác thế vào. Dư âm từ những vụ vi phạm tác quyền thường là sự bức xúc của tác giả và dư luận ở một thời điểm nhất định. Rất hiếm tác giả dám bỏ tiền ra thuê luật sư để đi tới tận cùng của câu chuyện và tạo ra một tiền lệ đáng khích lệ cho các tác giả khác đấu tranh với vi phạm tác quyền.

Nhiếp ảnh gia Ngô Xuân Phú mong muốn, các hình thức xử phạt liên quan tới vi phạm tác quyền cần thật nặng để mang tính răn đe với các hành vi xâm phạm bản quyền văn học nghệ thuật.