Sao cái nghèo cứ đeo đẳng mãi?

ANTĐ - Ngồi đối diện trước mặt tôi là cô gái mới 21 tuổi, cái tuổi  đầy ước mơ và hoài bão. Nhưng với Nguyễn Thị Hương (Kỳ Thủy, Yên Thủy, Hòa Bình) thì lúc nào cũng âu lo, bế tắc. Cô không biết phải sống tiếp những ngày tháng còn lại như thế nào khi mà bao tai ương, thử thách đã giáng xuống cuộc đời của  một cô gái trẻ với đứa con thơ dại.

Cô em gái bất hạnh

Những giọt nước mắt không ngừng lăn trong suốt câu chuyện giữa tôi và Hương. Sinh ra trong một gia đình nghèo với 10 người con, Hương là đứa con thứ 4. Mẹ cô trong một lần ngã xuống giếng đã bị di chứng thần kinh. Chỉ còn người bố nay làm thuê, mai cuốc mướn, kiếm tiền đong gạo nuôi con. Từ nhỏ Hương đã sống trong sự nghèo đói triền miên của gia đình, cơm không đủ ăn, áo không đủ  mặc. Học hết lớp 5, Hương nghỉ học ở nhà vì bố mẹ cũng chẳng thể nuôi cho cô ăn học được nữa, dẫu rằng tất cả chị em cô đi học đều được miễn phí. Nghỉ học cô vào Nam làm thuê cho người quen nhưng cũng chẳng đi đến đâu. 16 tuổi, Hương xuống Hà Nội làm thuê cho một quán cơm. Tại đây lại bắt đầu những chuỗi ngày đau đớn tột cùng của một cô gái trẻ người non dạ. Vì trót đem lòng yêu một người con trai quê Bắc Kạn cũng xuống Hà Nội làm thuê nên 18 tuổi, Hương đã… có thai. Song cuộc đời éo le là gia đình chồng không chấp nhận cô. Bố mẹ đẻ còn không đủ tiền nuôi 6 đứa em nên Hương không biết trông cậy vào ai. Cô về ở nhờ nhà chị cả được 2 ngày thì người tình cũng bỏ cô biệt tích. Bế đứa con đỏ hỏn trên tay Hương không biết phải làm sao. Nhà chị cô cũng nghèo túng, phải chạy ăn từng bữa nên cũng không thể nuôi 2 mẹ con cô mãi. Không ai trông con giúp nên cô cũng không thể đi làm được việc gì để kiếm tiền nuôi con.

Được một người làm mối, Hương lại bế con xuống Thanh Trì, Hà Nội, lấy một người chồng tàn tật, những mong có một chỗ nương tựa, một mái nhà che chở. Khi đó con gái cô được 13 tháng. “Theo lời bà mối, gia đình họ giàu có sẽ bao bọc cho 2 mẹ con. Nhưng ngay ngày đầu về nhà chồng em đã choáng ngợp vì công việc. Nhà nuôi 60 con bò, 50 con lợn, cấy một mẫu ruộng, còn chưa kể mấy trăm con gà và mấy ao cá. Ngày nào em cũng phải ra khỏi nhà theo mẹ chồng từ sáng sớm đến tối muộn mới trở về nhà để chăn bò, cắt cỏ cho cá, cho lợn ăn… Bao nhiêu việc làm hết ngày vẫn không hết việc. Nhưng con em ở nhà không ai trông nom, cho ăn uống. Tội nghiệp lắm, con bé mới 13 tháng chỉ được 7kg nhưng phải nhịn từ sáng đến tối. Hôm nào về cũng gặp cảnh con bò lê bò la cho phân gà, phân mèo vào mồm mà em đau đớn vô cùng. Nhưng cũng không dám than vãn với ai. Bởi mẹ chồng và bố chồng đều đi làm từ sáng sớm. Chỉ còn một mình chồng em ở nhà nhưng anh ấy cũng không bao giờ trông nom đứa bé, lại còn suốt ngày đánh mắng nó, đến mức cứ nhìn thấy anh ấy là nó ôm chặt mẹ, khóc thét lên. Em mặc dù làm quần quật cả ngày từ mờ sáng đến tốt mịt nhưng trong túi không bao giờ có một đồng lẻ, muốn mua cho con cái bỉm hay hộp sữa, tí thức ăn cũng không có. Có lần em xin chồng thì còn bị anh ấy đánh cho vì không biết thân phận. Anh ấy nói nhà này, cái giường này đều là của tao, mày không có gì hết, mày chỉ là kẻ ở nhờ thôi. Những đêm con em ốm, anh ấy đạp 2 mẹ con khỏi giường, bắt nằm xuống nền nhà. Nhưng em cũng không dám xin tiền mẹ chồng để mua thuốc cho con. Giờ nghĩ  lại em vẫn thấy hãi hùng vì đã ở đó được những 7 tháng. Nhưng xót xa nhất là đứa bé. Nhiều khi em không nghĩ rằng nó lại có thể sống qua được những ngày tháng đó.

Được chị gái mách, Hương lại một lần nữa bế con bỏ trốn khỏi cái nơi mà cô gọi là “địa ngục” tìm đến Trung tâm Nhân đạo Linh Quang. Khi cô tìm đến, thầy Trần Duyên Hải, Giám đốc trung tâm nhận ngay vì “trông nó quá khổ sở. Khuôn mặt khắc khổ, gầy gò như bị bỏ đói lâu ngày. Đứa con gần 2 tuổi mà bé tí, xanh xao, nhợt nhạt”. Đến nay Hương đã ở đây được hơn 2 tháng. Tết vừa qua 2 mẹ con cô cũng được đón Tết tại trung tâm. Đứa bé giờ đã 23 tháng nhưng mới chỉ được 8kg, bị suy dinh dưỡng nặng. Nhìn con bé chúng tôi không tránh khỏi xót xa. Từ bé nó đã bao giờ được biết đến hộp sữa. Mẹ thì làm lụng vất vả, lại không được bồi dưỡng, ăn uống đầy đủ nên cũng không có sữa cho con. Hiện nay cả ngày cháu bé cũng chỉ ăn được vài thìa cơm vì cháu chưa biết ăn cơm, mà cháo thì mẹ không có tiền mua. Đợt rét vừa rồi cháu cũng không có đủ quần áo ấm mặc nên cũng bị ốm liên miên. “Em cảm giác như con bé càng ngày càng còi đi, chẳng thấy lớn lên tí nào. Em chẳng biết phải làm thế nào nữa. Trước đây em chỉ nghĩ đơn giản bố mẹ em đẻ 10 đứa con mà vẫn nuôi được, huống chi em chỉ có một đứa. Em cũng muốn đi làm nhưng nếu đi làm thì không có người trông con. Gửi trẻ thì em không có tiền. Nhưng dẫu sao ở đây vẫn còn tốt hơn rất nhiều so với ở nhà chồng. Mặc dù còn thiếu thốn nhưng ít nhất là em và con được an toàn, không bị đánh mắng, hành hạ”.

Theo chúng tôi được biết tại trung tâm, mọi người có việc làm đều phải nộp tiền ăn 6.000 đồng/bữa. Tuy nhiên với trường hợp của Hương, giám đốc trung tâm đã miễn phí tiền ăn cho cô. Song đứa bé vẫn rất cần có dinh dưỡng để khôn lớn.

Người chị cả bế tắc

Hiện nay, nương nhờ tại Trung tâm không chỉ có Hương mà còn có cả 4 mẹ con chị gái cô - người chị cả đã cho cô ở nhờ những ngày tháng mới sinh con. Đây cũng là một hoàn cảnh rất đặc biệt. Sinh năm 1982, mới 30 tuổi nhưng Hà, chị gái Hương trông già trước tuổi. Khuôn mặt sạm lại, gầy gò, giọng nói cô thều thào như người ốm. “Sau khi sinh đứa thứ 3 phải làm việc nặng nhọc, lại không được ăn uống nên lúc nào em cũng thấy mệt, mệt đến mức không muốn nói, không muốn làm gì”.

Gia đình bố mẹ và nhà chồng đều rất nghèo nên là chị cả, cô phải gánh vác lo cho cả hai bên nội ngoại. Chồng cô làm nghề thợ xây, còn vợ phụ hồ. Tuy nhiên mấy năm qua do làm ăn thất bát, gia đình đã nợ hơn 20 triệu. Hàng ngày người ta kéo đến đòi nợ, đòi đốt nhà khiến cô phải bế 3 đứa con ra đi tìm đến trung tâm nhờ giúp đỡ. 3 đứa con, một đứa 7 tuổi, đứa thứ hai 3 tuổi, đứa út mới có 1 tuổi không được đến trường. Nay Hà cũng vô cùng bế tắc vì không có người trông con để đi làm. Trong khi đó, 6 đứa em ở nhà cũng không có tiền đi học, bố mẹ già yếu, bệnh tật chỉ còn trông đợi vào một mình cô.

Thầy Hải đã tìm cho cô được việc làm nhưng do chưa có người trông con, lại đang rất yếu nên Hà vẫn chưa thể đi làm được. Gạt nước mắt, giọng cô nghẹn lại: Sao cái nghèo, cái đói cứ đeo đẳng cả nhà em, từ bố mẹ, anh chị em đến chúng em mãi thế. Tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống, cứ làm được đồng nào là bao nhiêu thứ phải lo khiến em mãi không thể trả được nợ. Mà không trả được thì không dám quay về nhà. Có lẽ ngày mai em phải địu con đi làm thôi. Chứ cứ như thế này thì chết đói mất. Thầy Hải cũng không thể cưu mang mãi được.

Chia tay 2 chị em và mấy đứa nhỏ trở về mà tôi cứ ám ảnh mãi bởi ánh mắt của họ. Ánh mắt như cầu cứu, van xin một điều gì đó của những người mẹ, ánh mắt thơ dại của những đứa trẻ vừa còi cọc vừa yếu ớt, xanh xao. 2 người mẹ với sức khỏe yếu như thế, với những tổn thương tinh thần như thế liệu có thể lo được cho những đứa con?