Tiếng “ngoại” lấn át tiếng “nội”:

Sành điệu hay tự đánh mất mình?

ANTĐ - Hiện nay, việc chêm vào những từ ngữ nước ngoài trong giao tiếp không còn quá xa lạ trong giới trẻ. Bên cạnh những tiện ích do nó mang lại, nhiều người cho rằng đây là hiện tượng lai tạp, tiếp thu thiếu chọn lọc ngôn ngữ “ngoại”…

Tây, ta lẫn lộn

Bác Nguyễn Tuấn Trung, một cán bộ hưu trí ở phường Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội bực bội kể lại: “Do có công việc  tại TP Hồ Chí Minh 1 tuần nên tôi đã gọi điện tới một khách sạn trong đó để đặt phòng. Trong khi tôi đang hỏi về giá cả, dịch vụ thì cô lễ tân nghe điện thoại tuôn ra một tràng: “Anh book (đặt) phòng ạ? Anh chọn single hay double room (phòng đơn hay phòng đôi). Anh sure (chắc chắn) rồi chứ? Anh có thể fix (cố định) lịch chính xác ngày đến được không? Trong trường hợp máy bay delay (hoãn chuyến) hoặc thay đổi kế hoạch anh phải confirm (xác nhận) lại cho em”. Tôi nghe mà không thể hiểu cô ta đang nói gì. Tôi hỏi lại thì cô nhân viên này lại tiếp tục với thứ ngôn ngữ nửa Tây nửa ta. Thật đáng buồn là ngay cả khi ở trên đất nước mình, nói chuyện với người mình mà còn chẳng thể hiểu nổi nhau”…

 Trong quá trình sử dụng ngôn ngữ, nhiều người đã vô tình làm tối nghĩa tiếng Việt, thậm chí có những cuộc đàm thoại mà người thạo tiếng Anh cũng phải vừa nghe vừa đoán, kiểu như: “Cậu làm essays (bài tập) chưa. Mấy bài đó very difficult (rất khó). Mình đã try again (cố gắng) nhưng vẫn chưa ok (xong). Nếu cậu đã complete (hoàn thành) thì send (gửi) vào email (hộp thư điện tử) cho mình nhé, hoặc cho mình phone number (số điện thoại) của thầy giáo để mình contact (liên lạc). Thanks (cảm ơn)”! Trên một số diễn đàn, mạng xã hội hiện nay, chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp những bài viết, bài bình luận dùng thứ ngôn ngữ pha trộn chẳng giống ai. Trong giao tiếp, khi khen một cô gái hay chàng trai nào đó, các bạn trẻ thường nói cute (xinh) thế, hay hot (bốc lửa) thế và thay vì nói “tạm biệt”, họ sẽ  nói “bye bye” hay khi xin lỗi chỉ là “sorry”. Ngoài ra, những thuật ngữ như load tài liệu, nghe playlist, nhận mail, search mạng… được giới trẻ sử dụng khá phổ biến…

Hiện tượng sính ngoại trong văn nói và văn viết đã làm méo mó, biến dạng ngôn ngữ Việt. Ngay cả trên một số phương tiện thông tin đại chúng, từ nước ngoài cũng được dùng với tần suất dày đặc như tuổi teen, hot girl, rất hot, catwalk, forum, game, fair play, “gây shock”, “thời trang nude”. Thậm chí tên một số sản phẩm được sản xuất trong nước như áo phông, quần bò, giày dép cũng in những nhãn hiệu nước ngoài như James Bond, Victoria… Tình trạng này đã khiến nhiều từ tiếng Việt gần như bị quên lãng. Chẳng hạn, danh từ “người dẫn chương trình” hay “người điều khiển chương trình” hiện tại hầu như không xuất hiện mà chỉ có từ MC (Master of Ceremonies). Và với những MC này, khi tỏ thái độ ngạc nhiên, hay reo mừng thì thay vì reo lên “trời ơi” hay “ái chà chà” họ lại hét lên “wow! wow! wow”. 

Không nên lạm dụng

Mặc dù sự lai căng của tiếng Việt đã trở lên đáng báo động song tại Việt Nam chưa có cơ quan nào đứng ra bảo vệ, giữ gìn sự trong sáng của tiếng mẹ đẻ. Ai cũng biết, cách học ngoại ngữ hiệu quả nhất là thực hành càng nhiều càng tốt. Việc sử dụng một lúc nhiều ngôn ngữ đã góp phần giúp không ít bạn trẻ năng động, hiện đại hơn trong giao tiếp. Ngoài ra, một số ngôn ngữ nước ngoài như tiếng Anh còn có ưu điểm là có thể chuyển tải nghĩa một cách ngắn gọn và hiệu quả. Hơn nữa, vẫn có một số từ tiếng Anh không thể dịch sang tiếng Việt như “buzz”, hay những thuật ngữ kinh tế “marketing”,   “logistic”… Anh Vũ Đức Kiên - sinh viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội bày tỏ quan điểm: “Tôi không thích sử dụng ngôn từ nửa này nửa kia. Theo tôi đây là hiện tượng xấu, nó làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt. Và trong một số trường hợp nó thể hiện sự thiếu tôn trọng đối với tiếng mẹ đẻ, gây khó chịu cho người nghe và tạo ác cảm đối với người lớn tuổi”. 

Giới trẻ ngày nay được khuyến khích thể hiện cái tôi của mình và việc sử dụng song ngữ trong giao tiếp, sinh hoạt hàng ngày đã trở thành một trào lưu. Có thể khắt khe khi cho rằng việc sử dụng ngôn ngữ lai căng là sự sính ngoại thái quá, bởi trên một phương diện nào đó, việc dùng song ngữ đúng lúc, đúng chỗ vẫn có thể được chấp nhận. Bà Nguyễn Bích Hạnh - nguyên giảng viên ngành ngôn ngữ học, ĐH Quốc gia Hà Nội nhận định: “Thực hành thường xuyên là một cách học ngoại ngữ hiệu quả, nhưng nếu ngoại hóa tiếng Việt để thể hiện rằng mình biết ngoại ngữ lại là điều không nên vì đến một lúc nào đó bạn sẽ dần đánh mất văn phong của ngôn ngữ tiếng Việt.

Tuy nhiên, trong quá trình hội nhập, chúng ta vẫn phải chấp nhận một số từ của nước ngoài song điều quan trọng là không được vay mượn tiếng nước ngoài một cách bừa bãi. Việc lạm dụng ngoại ngữ, sử dụng không đúng lúc, đúng chỗ đã và đang làm mất đi tính thuần khiết vốn có của tiếng Việt… Nực cười ở chỗ trong khi chúng ta ra sức trau dồi và cố nói được tiếng nước ngoài đúng theo giọng chuẩn, xấu hổ khi nói sai từ, sai ngữ pháp nhưng lại thản nhiên khi nói ngọng, nói lắp tiếng mẹ đẻ của mình… Đây là hiện tượng tiếp thu thiếu chọn lọc, là dấu hiệu thể hiện sự xuống cấp trong việc sử dụng tiếng Việt của một bộ phận người dân Việt Nam”.