Sáng tỏ từng “điểm mờ” của lịch sử

ANTĐ - Không thuộc thể loại sách hút khách nhưng cuốn sách lịch sử “Ngàn năm áo mũ” của tác giả trẻ Trần Quang Đức vẫn chứng tỏ được sức hấp dẫn khi vừa tung ra thị trường đã… hết veo. Điều đó chỉ có thể lý giải bởi tầm ảnh hưởng, giá trị lâu bền của một công trình nghiên cứu đầy tham vọng và công phu: dựng lại bức tranh trang phục Việt Nam trong 1000 năm lịch sử (1009-1945).
Sáng tỏ từng “điểm mờ” của lịch sử  ảnh 1
Công trình nghiên cứu của Trần Quang Đức phần nào đã bù đắp
vào khoảng trống mênh mông của lịch sử trang phục Việt Nam

- PV: Xuất phát từ ý tưởng nào, một người trẻ tuổi như anh lại lao tâm khổ tứ cho một công trình nghiên cứu dài hơi: trang phục Việt Nam 1000 năm?

- Nhà nghiên cứu Trần Quang Đức: Cách đây vài năm, trên các kênh truyền thông diễn ra nhiều cuộc tranh cãi xoay quanh vấn đề trang phục cổ trong một số bộ phim lịch sử. Tôi nhận thấy, các cuộc tranh cãi này không phải chỉ nhằm vào vấn đề trang phục, mà thực chất là nằm ở sự ảnh hưởng của văn hóa Hán tới văn hóa Việt Nam. Trong khi các nghiên cứu trước đó chưa thực sự thuyết phục được độc giả, bản thân lại được hun đúc trong văn hóa cổ từ nhỏ, với sở trường Hán văn, tôi quyết tâm dốc sức nghiên cứu vấn đề này. 

- PV: Giữa nhiều luồng ý kiến và quan điểm về trang phục của các triều đại phong kiến Việt Nam, điều gì khiến anh đủ mạnh mẽ và tự tin để đi tìm câu trả lời cho câu hỏi hóc búa này?

- Trần Quang Đức: Ngay tại phần Tự luận của cuốn sách “Ngàn năm áo mũ”, tôi đã viết, cuốn sách mới dừng lại ở những bước đầu khảo cứu trang phục cung đình từ triều Lý tới triều Nguyễn, chắc chắn có những hạn chế nhất định. Tuy nhiên, mỗi một nhận định, kết luận tôi đưa ra trong cuốn sách đều trên cơ sở đã khảo sát kỹ tư liệu: tranh tượng, thận trọng trên tính đồng đại của hiện vật, kết hợp hiện vật với những mô tả trong thư tịch tương quan. Những tư liệu hình ảnh, văn tự đều được cung cấp ngay cạnh đó. Với những vấn đề không chắc chắn, tôi đều chú thích rõ rằng cần để lại tồn nghi. Tôi quan niệm, tư liệu là vĩnh cửu, cách xử lý tư liệu là tùy ở từng nhà nghiên cứu. 

- PV:  Với những đáp án và hình ảnh minh họa rất cụ thể trong cuốn sách, anh có khẳng định chắc chắn đó là những đáp án đúng của lịch sử?

- Trần Quang Đức: Giữa sử liệu và sử thực luôn tồn tại khoảng cách nhất định, mà việc tìm kiếm, đối sánh sử liệu đều nhằm rút ngắn khoảng cách đó. Tư liệu càng nhiều, sự tương đồng giữa các sử liệu càng lớn, thì kết luận càng tiệm cận với sử thực. Tuy nhiên, đáp án chính xác của trang phục Việt Nam chỉ có thể là các hiện vật. 

- PV: Một mình bước vào cuộc chu du của lịch sử, có khi nào anh cảm thấy cô đơn, thậm chí là đơn độc bởi câu trả lời luôn lơ lửng ở phía trước?

- Trần Quang Đức: Tôi nghĩ, bất kỳ nhà nghiên cứu nào cũng đều có những quãng thời gian đơn độc. Người đồng hành duy nhất của họ là tư liệu. Bản thân tôi cũng như vậy. Tuy nhiên, khi đã cho ra mắt độc giả cuốn sách “Ngàn năm áo mũ”, tức là tôi đã tìm ra câu trả lời về đại thể cho vấn đề này. Lúc này tôi không còn thấy cô đơn nữa, vì đã có nhiều nhà nghiên cứu, nhiều bạn đọc quan tâm, chia sẻ với tôi. 

- PV: Khi sách bắt đầu bán ra thị trường với giá 250 nghìn đồng, anh có tin sách sẽ bán hết trong tình hình các loại sách lịch sử không phải lúc nào cũng hấp dẫn bạn đọc?

- Trần Quang Đức: Lượt in đầu của “Ngàn năm áo mũ” là 1.500 cuốn và đã bán hết sau 10 ngày. Buổi ra mắt sách ngày 27-6 vừa rồi được tổ chức sau khi in thêm 1.000 cuốn tiếp theo. 100 bản đặc biệt được bán với giá 500 nghìn đồng cũng đã được đặt mua gần hết. Như vậy chứng tỏ có nhiều bạn đọc quan tâm và chào đón cuốn sách này của tôi. 

- PV: Tự đánh giá, anh thấy hài lòng và chưa hài lòng về cuốn sách ở điểm gì?

- Trần Quang Đức: “Ngàn năm áo mũ”, là hệ thống cung cấp nhiều tư liệu văn tự và hình ảnh liên quan đến trang phục nói riêng, văn hóa cung đình, tư tưởng phong kiến Việt Nam nói chung. Tuy nhiên, đây mới chỉ là những phác thảo ban đầu, mang tính tổng quan về 1000 năm lịch sử trang phục của người Việt. Thời điểm lịch sử càng đẩy sâu về quá khứ, các khoảng tối càng dày, và càng cần có những hiện vật để ấn chứng. Nói là chưa hài lòng thì không hẳn, nhưng việc thiếu khuyết hiện vật trang phục Lý Trần vẫn là mối băn khoăn, kích thích trí tò mò của tôi. 

- PV: Anh đã chuẩn bị cho mình một tâm thế như thế nào trong những bước đi dài hơi hơn ở lĩnh vực đòi hỏi sự kiên trì và dày công này? 

- Trần Quang Đức: Nghiên cứu là quá trình giải quyết các vướng mắc về tri thức. Và chắc chắn, việc giải quyết các điểm mờ lịch sử luôn tồn tại vô vàn khó khăn đòi hỏi phải có sự kiên trì bền bỉ. Tuy nhiên, khi mỗi một điểm mờ được rọi sáng thì cũng là lúc người nghiên cứu cảm thấy hạnh phúc, thú vị hơn bao giờ hết. Bước vào lĩnh vực này, tôi đã lường trước và chấp nhận mọi thách thức. Bởi một lẽ đơn giản, tôi muốn đi đến cùng sở thích và hướng quan tâm của mình. 


- Xin cảm ơn anh!