Sáng tạo từ không gian các nhà máy cũ ở Hà Nội

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Nằm ở nội đô, nơi tập trung đông đúc dân cư và diện tích lại rộng lớn, các nhà máy cũ của Hà Nội phù hợp để trở thành không gian sáng tạo (nơi vui chơi, thư giãn và tái tạo sức lao động) của người dân Hà Nội. Tuy nhiên, thực tế lại vấp phải những khó khăn nhất định.

Hà Nội hiện nay đang thiếu trầm trọng không gian công cộng. Vấn đề ô nhiễm không khí và thiếu không gian công cộng ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống người dân. Hơn thế, Thủ đô hiện đang tham gia mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, vì thế vấn đề đặt ra ở đây là không gian sáng tạo, hạ tầng cho không gian sáng tạo sẽ như thế nào và cả những đòi hỏi phải bắt tay vào hành động.

Nhà máy xe lửa Gia Lâm

Nhà máy xe lửa Gia Lâm

Cơ hội để Hà Nội tăng diện tích không gian công cộng

Chính sách di dời các nhà máy gây ô nhiễm và không phù hợp quy hoạch trên địa bàn Hà Nội có thể là một cơ hội để tăng chỉ tiêu không gian công cộng và khả năng tiếp cận của người dân tới không gian công cộng. Tuy nhiên, khảo sát của nhóm “Hành động vì người dân” vào tháng 8-2020 cho thấy, 39 nhà máy nằm trong danh sách di dời tại quận Hai Bà Trưng và Thanh Xuân đã có 21 nhà máy đã di dời và chuyển đổi mục đích sử dụng (7 nhà máy ở quận Hai Bà Trưng, 14 ở quận Thanh Xuân). Trong 21 nhà máy sau khi di dời đã thành 19 tổ hợp chung cư thương mại, một làm đường trên cao và một thành đại học tư nhân.

Trong khi đó, các chuyên gia đánh giá, các nhà máy cũ của Hà Nội có không gian lớn, có thể sử dựng linh hoạt (cả trong nhà, ngoài trời, có thể ngăn chia) nên sẽ đáp ứng để tổ chức các sự kiện đông người. Đồng thời, các nhà máy cũ của Hà Nội lại có kiến trúc độc đáo, hình thức không gian, cấu trúc, chi tiết, vật liệu khác với không gian dân dụng thông thường, sẽ khơi gợi những ý tưởng mới mẻ. Hơn thế, các nhà máy cũ ở Hà Nội lại nằm ở khu vực nội đô, dễ dàng thu hút cộng đồng sẽ giúp cho các nhà tổ chức tìm được nguồn thu và bù đắp các chi phí duy trì không gian sáng tạo. Với những ưu điểm như vậy, các nhà máy cũ của Hà Nội rất phù hợp để thành các không gian sáng tạo cho người dân Thủ đô.

Đây là một hướng tiếp cận trong việc chuyển đổi mục đích sử dụng các nhà máy cũ trong nội đô Hà Nội mà thế giới đã thực hiện từ nhiều năm nay. Trong đó có thể kể đến bến tàu cảng Nagasaki Shipyard của thành phố Nagasaki (Nhật Bản) được vận hành từ năm 1898 đến năm 1985, sau thời gian chuyển đổi đã biến thành một bảo tàng lịch sử công nghiệp. Bên cạnh phần trưng bày, nơi đây còn thường xuyên diễn ra các sự kiện văn hóa và thu hút hàng nghìn người tham dự với những tiện ích về nhà hàng ăn uống, khu vui chơi và tham quan. Hay mỏ than công nghiệp Zeche Zollverien của Đức, một di sản công nghiệp thế giới của UNESCO sau thời gian vận hành 1851-1986 đã thành công viên văn hóa đa năng của Đức.

Bến tàu cảng Nagasaki Shipyard của thành phố Nagasaki (Nhật Bản) đã biến thành một bảo tàng lịch sử công nghiệp với nhiều tiện ích cho người dân

Bến tàu cảng Nagasaki Shipyard của thành phố Nagasaki (Nhật Bản) đã biến thành một bảo tàng lịch sử công nghiệp với nhiều tiện ích cho người dân

Cần quy hoạch có tầm nhìn

Trở lại với các nhà máy cũ của Hà Nội, dù sở hữu nhiều lợi thế về diện tích, kiến trúc độc đáo và vị trí đắc địa nhưng chưa được quan tâm trở thành các không gian sáng tạo. Lý do thì có nhiều, song có thể thấy hầu hết các nhà đầu tư đều nhìn vào tiềm năng bất động sản nhiều hơn là việc khai thác các yếu tố về văn hóa, di sản để nắm lấy, “biến” chúng trở thành các sản phẩm văn hóa bền vững, mang lại lợi nhuận lâu dài. Giải pháp đề ra để khai thác và sử dụng các nhà máy cũ thành các không gian sáng tạo, chính là việc quy hoạch có tầm nhìn, coi đấy là những giá trị đô thị ý nghĩa.

Chính sách, chủ trương di dời các nhà máy ra khỏi nội đô Hà Nội đã có từ năm 2015, khi Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 130/QĐ-TTg về biện pháp, lộ trình di dời và việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời. Tuy nhiên, cách thức thực hiện như thế nào để giữ vững quy hoạch chung của đô thị, bảo đảm sự cân bằng giữa diện tích công cộng và nhà ở, không gây thêm áp lực cho không gian đô thị cần được cân nhắc kỹ lưỡng.

KTS Lê Thành Vinh, nguyên Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích nhìn nhận, thực tế TP Hà Nội đang thực hiện kế hoạch di dời các cơ sở công nghiệp ra khu vực ngoại vi và đã có điểm làm rất tốt. Tuy nhiên, xét quy hoạch tổng thể, không nên lạm dụng việc chuyển đổi các khu công nghiệp thành nhà chung cư.

Nếu trong quá trình chuyển đổi, kết hợp giải quyết hài hòa giữa nhu cầu trước mắt với lợi ích lâu dài của cộng đồng, chúng ta sẽ tạo được sự cân bằng về không gian đô thị, tạo nên cuộc sống mới của thành phố tốt hơn rất nhiều”, KTS Lê Thành Vinh khẳng định.

Đồng tình với quan điểm trên, KTS Trương Ngọc Lân cho rằng, bên cạnh việc xây dựng các khu nhà ở đơn thuần, chủ đầu tư của các khu đô thị đã bắt đầu đi tìm dấu ấn riêng để tạo nên giá trị gia tăng cho công trình của mình. Nếu không gian sáng tạo, dựa trên một phần di sản công nghiệp trở thành hạt nhân, là điểm nhấn làm nên nét khác biệt của khu đô thị mới hình thành thì ngoài những giá trị về văn hóa mà cộng đồng được thụ hưởng, còn mang lại những giá trị gia tăng kinh tế cho chính các khu đô thị đó.

Ông Trần Ngọc Chính, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, Thủ đô Hà Nội đã nằm trong mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO. Quy hoạch Hà Nội tầm nhìn đến năm 2050 có phần quan trọng là di chuyển khu công nghiệp gây ô nhiễm, trường học ra ngoài. Thủ đô không chỉ có 92 cơ sở công nghiệp mà có hàng trăm vì ngoài công nghiệp còn có kho tàng, bến bãi.

“Tôi nghĩ Viện Quy hoạch Hà Nội cần có trách nhiệm để lên kế hoạch cho những cơ sở công nghiệp sẽ di dời và diện tích sau khi di dời phải phù hợp với quy hoạch như xây dựng các công trình công cộng, dịch vụ, phục vụ nhu cầu con người (cây xanh, mặt nước)”, ông Trần Ngọc Chính chia sẻ.

Cuộc thi “Thiết kế Không gian sáng tạo Hà Nội”

Với mong muốn huy động các sáng kiến để xây dựng và củng cố các không gian sáng tạo, văn hoá nhằm đánh thức tiềm năng, lợi thế, hình thành nên mạng lưới không gian sáng tạo phong phú và hấp dẫn, UBND TP Hà Nội và Hội Kiến trúc sư Việt Nam chỉ đạo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp cùng Tạp chí Kiến trúc - Hội KTS Việt Nam, “Mạng lưới” Vì một Hà Nội đáng sống (Đại diện bởi ECUE) và UBND quận Hoàn Kiếm vừa phát động Cuộc thi “Thiết kế Không gian sáng tạo Hà Nội”.

Đây cũng là một trong những hoạt động nằm trong chuỗi các hoạt động mà Hà Nội tổ chức nhằm nâng cao nhận thức, gắn kết cộng đồng trong nhịp đập văn hoá và sáng tạo của thành phố, từng bước hiện thực hoá xây dựng các không gian sáng tạo, cộng đồng sáng tạo… hỗ trợ nền kinh tế sáng tạo, khởi nghiệp, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống để Hà Nội xứng đáng trở thành trung tâm hội tụ thiết kế và đổi mới ở khu vực - kinh đô sáng tạo của Đông Nam Á.

Cuộc thi nhằm tìm kiếm các ý tưởng mới, độc đáo trong kiến tạo các “không gian sáng tạo” cho Hà Nội, trên cơ sở khai thác lợi thế của công nghệ hiện đại, nguồn lực con người và phát huy các giá trị văn hoá, lịch sử, để tạo nên những không gian sáng tạo lôi cuốn sự tham gia của cộng đồng.

Thí sinh có thể lựa chọn một trong 3 chủ đề của Cuộc thi mà Ban tổ chức gợi ý hoặc đề xuất địa điểm thiết kế để tham dự là:

Hạ tầng thúc đẩy sáng tạo: Không gian sinh hoạt cộng đồng tại các khu dân cư: khu chung cư cũ, khu đô thị mới, khu nhà ở xã hội, quảng trường, vườn hoa, công viên, cầu cũ…Các không gian cần tái thiết đem lại giá trị sử dụng và hiệu quả kinh tế mới cho cộng đồng.

Tổ chức không gian sáng tạo: Trên cơ sở khai thác các công trình công nghiệp trong đô thị phải di dời hoặc chuyển đổi chức năng: Nhà máy, Cơ sở sản xuất thủ công, nhà kho, các khu công nghiệp.

Bảo tồn và phát huy giá trị không gian kiến trúc, quy hoạch truyền thống: Phát huy giá trị không gian văn hóa, lịch sử làng nghề truyền thống trong đời sống đương đại; các khu di tích lịch sử cần được bảo tồn và phát huy giá trị trong thời kỳ mới.