Sáng tạo tranh nghệ thuật từ phế liệu

ANTĐ - Cả cuộc đời theo đuổi một nghề đặc biệt, ông Đoàn Niệm (85 tuổi, ở đường Quang Trung, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) đã tạo ra hàng trăm tác phẩm nghệ thuật, mà hiện nay trên cả nước ngoài ông ra không ai theo đuổi. Có những bức tranh được ông bán cho khách nước ngoài với giá hàng chục nghìn USD.

Sáng tạo tranh nghệ thuật từ phế liệu ảnh 1

Tranh nghệ thuật “có một không hai”

Mặc dù đã ở tuổi ngoài bát thập, thế nhưng hai vợ chồng ông Đoàn Niệm vẫn sống hạnh phúc cùng con cháu trong căn nhà tứ đại đồng đường với cả thảy hơn 20 người giữa trung tâm thành phố Đà Nẵng và ngày ngày vẫn chế tác tranh nghệ thuật với chất liệu đặc biệt làm từ vỏ lon bia. 

Mỗi tác phẩm do ông tạo ra đều chứa đựng một câu chuyện riêng. Bức tranh “Tiên ông ngọa cờ” mà ông Niệm vừa giao cho khách, cũng là một câu chuyện. Cách đây hơn chục năm khi đi tàu hỏa từ Thái Bình vào Đà Nẵng, ông Niệm tình cờ nhìn thấy bức tranh “Tiên ông ngọa cờ” được in trên vỏ bình chè. Nhìn thấy bức tranh có nội dung độc đáo, ông tìm cách mua lại hộp chè của người khách trên cùng chuyến tàu hôm đó. Về Đà Nẵng, ông đưa chiếc hộp cho cửa hàng ảnh để phóng tác bức tranh lên giấy theo kích thước mình mong muốn.

Tiếp đó, ông phải mất hàng tháng trời để tìm nguyên liệu cho bức tranh. Dăm bào thì xưởng mộc ở gần nhà lúc nào cũng có, nhưng để có được loại màu như ông Niệm dự kiến thì đòi hỏi phải có sự quan sát kỹ, rồi kỳ công lựa chọn của người nghệ sỹ. Không chỉ dăm bào, ông còn có thể sử dụng bất cứ thứ đồ phế liệu nào mà người khác vứt ra đường như cái đinh, ốc vít cho tác phẩm của mình.

Nhiều người không biết nên hết sức tò mò khi thấy một ông già ngày nào cũng cặm cụi tìm kiếm những thứ bỏ đi. Ngoài những nguyên liệu được ông nhặt nhạnh ở đường về, thì vỏ lon bia, nước ngọt đã qua sử dụng là vật liệu được ông sử dụng nhiều nhất trong các tác phẩm của mình. Tùy theo kích thước cũng như màu sắc chủ đạo trong các bức tranh do khách hàng đặt mà thời gian tìm kiếm vật liệu cho bức tranh có thể dài hay ngắn. Sau khi đã “tập kết” đủ vật liệu cho bức tranh, ông bắt tay vào làm tác phẩm của mình.

Sáng tạo tranh nghệ thuật từ phế liệu ảnh 2

Ông Niệm hoàn thiện tác phẩm của mình

Từ những thứ đồ bỏ đi, qua bàn tay tài hoa của ông đã trở thành một tác phẩm nghệ thuật. Mỗi bức tranh sau khi được hoàn thiện có giá từ vài triệu đến cả vài chục triệu đồng, cá biệt có những bức tranh được khách nước ngoài đặt hàng lên tới vài nghìn, thậm chí cả chục nghìn USD. 

Những năm gần đây, rất đông khách hàng là chủ các nhà hàng, khách sạn nổi tiếng ở Huế, Quảng Bình, TP.HCM tìm về tận nơi đặt tranh của ông. Thế nhưng do đã có tuổi, không ngồi lâu được nên ông nhận làm rất hạn chế, chỉ những bức tranh với ý tưởng thật sự tâm đắc ông mới cố công làm. Nỗi lo về việc không có người kế thừa, giữ nghề của ông phần nào đã được giải tỏa khi cô con gái út vốn có khiếu hội họa tỏ ra rất say sưa với nghề nghiệp đặc biệt không giống ai của bố mình. 

Ông chia sẻ, phàm làm việc gì cũng phải có niềm đam mê, sự cố gắng và cái tâm với công việc mới mong thành công được. Như ông, cả cuộc đời đã vất vả với loại hình nghệ thuật đặc biệt này, không hẳn chỉ vì mưu sinh, mà hơn hết đó là niềm đam mê với nghệ thuật, là “sự sống tinh thần” của ông. Chính vì thế, nếu chỉ làm để kiếm tiền thì sẽ chẳng trụ lại lâu được với nghề. Lúc đó những bức tranh được tạo ra sẽ không hẳn là tác phẩm, bởi nó không có hồn, có khí chất của người tạo ra nó. Như thế, cũng chẳng mấy giá trị.

Sáng tạo tranh nghệ thuật từ phế liệu ảnh 3

Đại gia đình ông Niệm chụp ảnh kỷ niệm

Tứ đại đồng đường sinh sống hòa thuận

Căn nhà nhỏ nằm ở cuối đường Quang Trung là nơi sinh sống của 5 cặp vợ chồng, với cả thảy hơn 20 người. Đó là gia đình hòa thuận hiếm thấy ở thành phố này khi ông cưới người vợ thứ hai lúc ông đã... lên chức ông nội. Ngày vợ ông mất, mọi người đã tưởng ông sẽ ở vậy, bởi lúc đó ông đã gần 60 tuổi, đã có cháu nội cháu ngoại. Việc ông đưa người phụ nữ kém ông gần 30 tuổi về làm mẹ của mấy đứa con nhiều tuổi hơn cả mẹ kế cũng là một sự thử thách lớn.

Sống chung vốn đã khó, nhất là việc sống chung đến 4 thế hệ trong một ngôi nhà ngay giữa trung tâm thành phố lại càng phức tạp. Đối với đại gia đình của vợ chồng ông Đoàn Niệm lại càng phức tạp hơn, khi có cả con chung con riêng nên không tránh khỏi va chạm, mâu thuẫn giữa các thành viên trong gia đình. Tuy nhiên, nhờ sự dạy dỗ của ông Niệm, cùng với việc vợ chồng ông luôn làm gương cho con cháu noi theo nên mọi mâu thuẫn đều được hóa giải. 

Hàng ngày, sau khi hết giờ làm không chỉ những thành viên đang sinh sống trong nhà mà tất cả con cháu của ông Niệm đang sinh sống tại nhà riêng của mình cũng thường xuyên về đây. Ngoài việc mỗi người một tay giúp ông bà dọn dẹp cửa hàng  thì quan trọng hơn cả là được nghe ông Niệm dạy bảo nhắc nhở về lời ăn tiếng nói, cách đối nhân xử thế khi ra ngoài xã hội. Nhiều người hỏi ông: “Sinh sống nhiều thế hệ trong một nhà như vậy có phức tạp không ?”.

Ông không giấu nổi niềm tự hào khi trả lời: “Nhà ai thì tôi không biết, chứ nhà tôi thì các con luôn yêu thương đùm bọc nhau. Không có chuyện chúng tị nạnh nhau gây bất hòa. Gần như ngày nào nhà tôi cũng có Tết khi con cháu tập hợp quây quần đông đủ bên mâm cơm chiều. Chỉ cần thế là vợ chồng tôi vui rồi”.

Ông Niệm tâm sự, với ông cuộc đời như thế là quá viên mãn, ông chẳng còn mong ước gì hơn.