Công an Hà Nội vào “Chiến dịch” cấp 6 triệu Thẻ Căn cước công dân gắn chíp điện tử (3):

Sáng tạo, quyết liệt hoàn thành chỉ tiêu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Ngày 1-3-2021, ngay sau Hội nghị giao ban trực tuyến của Bộ Công an với 10 Công an tỉnh, thành phố trọng điểm về cấp Căn cước công dân gắn chíp, toàn lực lượng CATP Hà Nội đã sẵn sàng bước vào “cuộc đua” mới. Khắc phục khó khăn, trong khó khăn nảy sáng kiến, Công an Hà Nội xác định hoàn thành chỉ tiêu cao gấp đôi thời gian trước đó...
Cấp Căn cước công dân gắn chip tại CAQ Long Biên (Hà Nội)

Cấp Căn cước công dân gắn chip tại CAQ Long Biên (Hà Nội)

Xây dựng “nguồn” cán bộ, chiến sĩ tinh thông kỹ năng

24 tiếng đồng hồ mỗi ngày, cán bộ, chiến sĩ có khoảng 1 giờ đồng hồ buổi trưa để tái tạo sức lao động. Nhưng ở CAH Mỹ Đức (Hà Nội) thời gian ấy không bị... lãng phí.

Thượng tá Nguyễn Thanh Bình, Trưởng CAH Mỹ Đức chia sẻ, ngay khi bước vào “chiến dịch”, khó khăn chính là máy móc, phương tiện để vận hành cấp Căn cước công dân gắn chíp. Thời gian đầu, CAH chỉ có 1 hệ thống máy vừa đi cấp lưu động, vừa đi cấp tại trụ sở. “Làm thế nào để hoàn thành chỉ tiêu công tác trong khi thiết bị, con người vẫn thế?”. Câu hỏi đó đã được Ban chỉ huy CAH “hóa giải” bằng nhiều biện pháp tích cực.

Đầu tiên, Ban chỉ huy CAH Mỹ Đức chủ động tham mưu với cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở, chỉ đạo các ngành chức năng trên địa bàn hỗ trợ, giúp đỡ lực lượng Công an khi triển khai cấp lưu động tại các xã. Với sự đồng lòng, vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương, những khó khăn bước đầu về cơ sở vật chất đã được khắc phục.

Ngay trong giai đoạn chuẩn bị, xác định khó khăn khách quan cũng như chủ quan, CAH Mỹ Đức đã huy động cán bộ, chiến sĩ tinh nhuệ nhất, đặc biệt điều động thêm 50 cán bộ, chiến sĩ ở các Đội nghiệp vụ, Công an xã cùng tham gia “chiến dịch”. Để chủ động, không bị bất ngờ, bỡ ngỡ khi bước vào nhiệm vụ mới, các cán bộ, chiến sĩ tăng cường đã được tập huấn thuần thục về các kỹ năng trong quá trình cấp Căn cước công dân gắn chíp...

Tự hào “khoe” về chiến sĩ của mình, Thượng tá Nguyễn Thanh Bình thông tin, Đại úy Dương Văn Quý, cán bộ Đội Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (QLHC về TTXH) là một trong những “cao thủ” lấy vân tay. Với mỗi trường hợp thông thường từ trích xuất thông tin, lấy vân tay và chụp ảnh mất từ 3-5 phút, nhưng kíp có Đại úy Dương Văn Quý, một trường hợp chỉ mất khoảng 2 phút. Người cán bộ trẻ ấy từng là du học sinh ở Nga, 6 năm với chuyên ngành Toán - Tin nên rất thông thạo về công nghệ thông tin, đã hỗ trợ đắc lực cho đồng đội làm nhiệm vụ cấp Căn cước công dân gắn chíp.

Thượng tá Nguyễn Thanh Bình nhìn nhận, một trong những sáng tạo của đơn vị, chính là đã làm tốt công tác điều tra cơ bản, rà soát công dân trên địa bàn, phân chia thành từng nhóm. Trước khi triển khai cấp Căn cước công dân gắn chíp tại xã nào, Đội Cảnh sát QLHC về TTXH yêu cầu Công an các xã chủ động tuyên truyền để người dân biết; đồng thời điều tra cơ bản về số lượng người trong diện cấp nhằm chủ động bố trí cán bộ. Khi triển khai, cán bộ Đội Cảnh sát QLHC về TTXH cùng Công an xã sắp xếp hồ sơ, giấy tờ theo từng thôn để dễ đối chiếu so sánh, giúp giảm thời gian chờ đợi của công dân.

Những đôi bàn tay làm ruộng, chèo đò khiến dấu vân tay trở nên mòn vẹt, không phải dễ dàng lấy được; nhưng các cán bộ, chiến sĩ Đội Cảnh sát QLHC về TTXH đã kiên trì làm cho kỳ được. Qua nhiều ngày, các anh, các chị đã thành thạo hơn và thời gian mỗi ngày được rút ngắn. Tính đến thời điểm hiện nay, dù gặp nhiều khó khăn về máy móc, kỹ thuật, đường truyền, nhưng CAH Mỹ Đức là một trong những đơn vị “top” đầu của thành phố về tiếp nhận, xử lý hồ sơ cấp Căn cước công dân.

“Kết quả bước đầu chính là tâm sức của mỗi cán bộ, chiến sĩ; bởi nếu không quyết tâm, không ai có thể làm việc xuyên thời gian nghỉ ngơi”, Thượng tá Nguyễn Thanh Bình chia sẻ. Mỗi tổ công tác cấp lưu động có 3 người, gồm một người thu nhận hồ sơ, một người chụp ảnh và một người lấy dấu vân tay. Trong 3 công đoạn, lấy dấu vân tay thường lâu hơn những công đoạn khác nên chỉ huy Đội Cảnh sát QLHC về TTXH đã sáng kiến luân phiên các bộ phận thực hiện nhiệm vụ để đảm bảo tính liên tục của công việc. Vậy nhưng, sớm nhất có thể việc hoàn tất hồ sơ vẫn chỉ kết thúc vào thời điểm 1h sáng ngày hôm sau...

Cấp Căn cước công dân tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội

Cấp Căn cước công dân tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội

Phân chia ca hợp lý đảm bảo tối đa hiệu suất công việc

Đó là bí kíp thành công của cán bộ, chiến sĩ CAQ Long Biên, đơn vị được ghi nhận đứng thứ 2 toàn thành phố về thực hiện các chỉ tiêu cấp Căn cước công dân.

Tìm gặp Trung tá Nguyễn Thị Ngọc Hoa - Đội trưởng Đội Cảnh sát QLHC về TTXH giữa trưa 5-3, và giữa… chồng hồ sơ, nữ Trung tá cho biết, bên cạnh công tác điều tra cơ bản, rà soát phân chia công dân thành các nhóm hưu trí, người đi làm, học sinh để bố trí thời gian cho phù hợp, thì việc bố trí điều hành, phân công nhiệm vụ, kết nối các cá nhân trong một kíp đi làm là điều hết sức cần thiết.

Theo lý giải của Trung tá Nguyễn Thị Ngọc Hoa, khi hiểu nhau, mỗi cá nhân sẽ gắn kết và giúp đỡ nhau cùng hoàn thành nhiệm vụ. Trung tá Hoa thấu hiểu sự phối hợp ăn ý trong kíp làm việc, sẽ giúp mọi người quên đi câu chuyện về thời gian đang trôi rất nhanh. Ngay từ khâu đầu tiên là nhận dạng đến khâu cuối cùng là lăn tay chụp ảnh phải “tung hứng” với nhau hết sức nhịp nhàng. Bởi nếu khâu đầu nhanh, khâu cuối chậm thì hồ sơ sẽ bị ùn tắc dẫn đến chậm tiến độ cả dây và ngược lại.

“Cá nhân tôi cùng chỉ huy Đội Cảnh sát QLHC về TTXH luôn có mặt ở các điểm cấp Căn cước công dân lưu động, để cùng anh chị em “đẩy” nhanh tốc độ, điều chỉnh hợp lý những vị trí, cũng như động viên, đôn đốc cán bộ, chiến sĩ tập trung làm nhiệm vụ. Trong “chiến dịch” này, có nhiều cán bộ, chiến sĩ được tăng cường nên người chỉ huy phải có mặt để điều chỉnh từng vị trí sao cho phù hợp. Thậm chí chúng tôi còn nắm, nhìn, hỏi, ngồi làm cùng, động viên anh chị em giải quyết tất cả vướng mắc xảy ra trong ngày. Có những ca làm việc kéo dài rất muộn, phía sau đó còn là nhiều nhiệm vụ “con mọn” khác nên bản thân chỉ huy chúng tôi rất đồng cảm với cán bộ, chiến sĩ để hoàn thành nhiệm vụ một cách tốt nhất” - Trung tá Nguyễn Thị Ngọc Hoa cho biết.

Sau mỗi ngày làm việc, chỉ huy Đội Cảnh sát QLHC về TTXH, CAQ Long Biên đều họp rút kinh nghiệm, phân công trách nhiệm cụ thể, “phân luồng” người vào, người ra để tiết kiệm từng giây, từng phút... Cùng với đó, CAQ Long Biên căn cứ vào số lượng máy được trang cấp sẽ tính toán số lượng hồ sơ có thể được cấp trong ngày. Từ đó trao đổi với Công an các phường, bố trí nhóm công dân hưu trí, nội trợ đến làm thủ tục vào ban ngày, nhóm học sinh, nhóm cán bộ đi làm, số người lao động làm thủ tục vào sau giờ hành chính đến 23h, để tránh ùn tắc và tạo thuận lợi cho công dân một cách tốt nhất; đồng thời đảm bảo máy lúc nào cũng có công dân đến làm, đáp ứng tốt nhất tiến độ cấp Căn cước công dân. (Còn nữa)