"Sáng tác" tin đồn có thể đối mặt với nguy cơ phạm tội

ANTD.VN - Thời gian qua, tình trạng tung tin đồn nhảm trong mọi lĩnh vực từ kinh tế đến an ninh trật tự gây thiệt hại không nhỏ về kinh tế, làm ảnh hưởng đến ANTT. Mới đây nhất, việc tung tin đổi tiền đã gây hoang mang dư luận những ngày qua và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ Công an truy tìm thủ phạm tung tin đồn nhảm.

Phạt nặng đối tượng tung tin thất thiệt

Có thể nói, việc tung tin đổi tiền xuất hiện vào khoảng cuối tháng 11 đã khiến thị trường ngoại tệ, vàng trong nước biến động, gây tâm lý bất ổn trong nhân dân. Để trấn an dư luận, đại diện Ngân hàng Nhà nước đã lên tiếng bác bỏ thông tin này và khẳng định đây là thông tin thất thiệt, đồng thời khuyến cáo người dân cần cảnh giác trước những thông tin sai lệch, gây ảnh hưởng đến đời sống dân sinh, an ninh tiền tệ. 

Có lẽ, đây chỉ là một trong số hàng chục vụ tung tin đồn nhảm gây hậu quả xấu diễn ra trong thời gian qua. Cuối tháng 7-2016, chủ tài khoản Facebook tên Dương Thành Nam đã đăng clip lên mạng xã hội với nội dung ở Việt Nam đang có loại xoài nhựa, nguồn gốc từ Trung Quốc, gây ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng. Thông tin này không chỉ khiến người dân  hoang mang, lo lắng mà còn đẩy các hộ kinh doanh mặt hàng này rơi vào cảnh lao đao, hàng hóa tồn đọng... Cơ quan chức năng đã vào cuộc xác minh và khẳng định thông tin trên hoàn toàn sai sự thật.

Trước đó, Nguyễn Đức Thành ở thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình cũng đã tung tin bịa đặt về cá bè xước có nguy cơ bị nhiễm độc lên mạng xã hội. Ngay sau đó, thông tin này được lan truyền, chia sẻ nhanh chóng, gây ảnh hưởng xấu đến việc khai thác thủy hải sản của ngư dân và việc kinh doanh buôn bán của các tiểu thương. Vì vậy, đầu tháng 3-2016, Công an tỉnh Quảng Bình đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 10 triệu đồng đối với Nguyễn Đức Thành.

Cũng tại tỉnh Quảng Bình, giữa tháng 3-2016, Công an tỉnh đã xử phạt 25 triệu đồng đối với Ngô Đình Sơn do đã tung tin đồn trên mạng xã hội về việc có một thanh niên đi xe ôtô 5 chỗ qua địa bàn xã Quang Phú (Đồng Hới) va chạm với một ôtô tải. Sau va chạm, lái xe 5 chỗ đã rút súng ngắn bắn chết 2 người đi trên xe tải rồi lên xe trốn chạy. Tiếp nhận thông tin này, lực lượng chức năng ngay lập tức xác minh, tuy nhiên kết quả xác minh cho thấy, đây hoàn toàn là thông tin bịa đặt…

Có thể nói, hành vi tung tin đồn nhảm trên mạng xã hội ngày càng gia tăng cả về số lượng, tính chất, mức độ phức tạp. Ngoài những tin đồn vô hại thì nhiều tin sai sự thật đã gây thiệt hại đến danh dự, uy tín, nhân phẩm hoặc tài sản của các tổ chức, cá nhân, thậm chí còn gây ảnh hưởng đến an ninh quốc gia. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do sự thiếu hiểu biết về pháp luật cộng với lối sống “ảo”, nhu cầu “câu like” của một số cá nhân.  Hoặc do một số đối tượng phá hoại, cố tình tung tin gây nhiễu loạn làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến ANTT. Trong khi đó, không ít người lại khá dễ dãi, không kiểm chứng khi chia sẻ các thông tin này khiến chúng được lan truyền trên diện rộng. Đến khi thông tin “bùng nổ”, việc ngăn chặn, dập tắt hay trấn an dư luận là không hề đơn giản.

Cần tỉnh táo chắt lọc thông tin

“Có thể khẳng định, việc tung tin đồn thất thiệt về người khác hoặc tin đồn khủng bố, bắt cóc, dịch bệnh, thực phẩm nhiễm độc… lên mạng là việc làm vi phạm pháp luật. Tùy thuộc vào tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi,  cơ quan chức năng sẽ áp dụng hình thức xử lý thích hợp”, luật sư Nguyễn Thành Trung, Đoàn Luật sư Hà Nội nhận định.

Ở góc độ dân sự, khi bị tung tin không đúng sự thật, tổ chức, cá nhân bị ảnh hưởng có quyền khởi kiện ra Tòa án nhân dân có thẩm quyền để yêu cầu người tung tin đồn thất thiệt phải xin lỗi cải chính công khai, bồi thường thiệt hại do tin đồn gây ảnh hưởng đến việc sản xuất, kinh doanh theo quy định của Bộ luật Dân sự. Về xử phạt hành chính, người có hành vi bịa đặt, loan tin, đưa tin không đúng sự thật về tình hình thị trường, giá cả hàng hóa, dịch vụ gây tâm lý hoang mang trong xã hội và bất ổn thị trường có thể bị xử phạt theo quy định của Nghị định 109/2013/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn… 

Còn theo Nghị định 174/2013/NĐ-CP, người cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân có thể bị phạt tiền từ 20-30 triệu đồng. Ngoài ra, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có Thông tư số 09/TT-BTTTT quy định chi tiết về hoạt động quản lý, cung cấp, sử dụng thông tin trên trang thông tin điện tử và mạng xã hội. Mặc dù vậy, việc kiểm soát và xử lý những kẻ tung tin đồn thất thiệt trên mạng xã hội chưa thực sự hiệu quả.

Cũng theo luật sư Nguyễn Thành Trung, nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, người tung tin đồn nhảm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu xác định được chính xác người “sáng tác” ra tin đồn thất thiệt và tin đồn đó có tính chất vu khống thì theo Điều 122, Bộ luật Hình sự, người phạm tội có thể phạt tù từ 3 tháng đến 7 năm. Ngoài ra, còn có thể bị phạt tiền từ 1-10 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm. Trường hợp chỉ xác định được người tung tin trái với quy định của pháp luật, xâm phạm lợi ích của cơ quan, tổ chức, cá nhân, xâm phạm trật tự, an toàn xã hội gây hậu quả nghiêm trọng lên mạng thì cá nhân đó có thể bị phạt tù từ 6 tháng đến 7 năm.

Truy đến cùng xử lý nghiêm

Những hệ lụy do thông tin không chính xác gây ra là khôn lường. Nó tác động tiêu cực không chỉ đối với một vài cá nhân mà có thể gây ảnh hưởng xấu đến toàn xã hội. Thực tế cho thấy, chỉ từ những thông tin vu vơ, đồn nhảm trên mạng xã hội mà hàng trăm hộ nông dân phải trắng tay, phá sản do nông sản xuống giá, ế ẩm, hàng chục tiểu thương rơi vào cảnh hàng hóa không tiêu thụ được, nhiều cơ quan chức năng đã phải huy động lực lượng để vào cuộc xác minh. Thậm chí, có người chỉ vì tin đồn đã tuyệt vọng, bế tắc phải tìm đến cái chết… 

Tuy vậy, việc xử lý các đối tượng tung tin thất thiệt là điều không hề đơn giản đối với các cơ quan chức năng. Bởi việc xác minh, điều tra người nghĩ ra và tung tin đồn, thu thập chứng cứ để xác định trách nhiệm cá nhân liên quan mất khá nhiều thời gian và công sức. Nhằm ngăn chặn tình trạng này, trước hết, các cơ quan có thẩm quyền cần công khai, minh bạch những thông tin quan trọng, liên quan đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, những chủ trương, chính sách mới rộng rãi, kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân có thể dễ dàng tiếp cận và nắm bắt. 

Bên cạnh đó, những nhà làm luật cần sớm hoàn thiện chế tài xử lý, quy trách nhiệm tới cùng đối với những đối tượng có hành vi tung tin đồn thất thiệt, gây thiệt hại cho người khác và cộng đồng. Đồng thời, nhanh chóng có biện pháp chấn chỉnh, quản lý chặt chẽ hơn những thông tin được phát tán trên mạng, làm rõ những đơn vị thông tin truyền thông tiếp tay cho những tin đồn phát tán rộng rãi. Ngoài ra, để tránh bị nhiễu thông tin, mỗi cá nhân cần giữ bình tĩnh, tỉnh táo, thận trọng xem xét, kiểm tra trước các tin giật gân, “nóng” trước khi bấm “thích” (like) hoặc “chia sẻ” (share), nên thu thập tin tức từ những cơ quan chính thống.