Sáng tác như trò chơi của cảm xúc!

ANTĐ - Thành Vương, một tác giả trẻ, sở hữu 10 giải thưởng của Bài hát Việt trên tất cả các hạng mục. Một khuôn mặt điển trai và rất… thư sinh. 
Thành Vương tham gia “sân chơi” âm nhạc và thành công, một kết quả không quá khó để lý giải bởi phong cách âm nhạc ấn tượng, cá tính sáng tác rất riêng. Nghe những ca khúc của Thành Vương thấy có sự phá cách và chiều sâu cảm xúc. Những gạch đầu dòng như vậy có lẽ là chưa đủ để nói về Thành Vương? Hãy để chàng nhạc sỹ tiềm năng này tự sự…  

- Đến bây giờ anh có điều gì tiếc nuối khi gắn thân, gắn nghiệp với âm nhạc?

- Chưa bao giờ vì tôi không phải hoàn toàn tự “đi” trên con đường này! - Cả nhà tôi đều theo nghệ thuật nên từ rất sớm, từ khi còn chưa đi học văn hóa tôi đã sống trong không gian nghệ thuật rồi. Còn âm nhạc thì đúng là từ trong bụng mẹ, sinh ra và lớn lên chỉ toàn âm nhạc; tính tôi hiếu kỳ, bé chưa biết nhạc như thế nào nhưng thấy nốt nhạc hay nên cũng tập viết, ông nội thấy tôi vậy nghĩ chắc thằng bé này có năng khiếu, vậy nên ông là người đầu tiên dạy nhạc cho tôi. Ông mua bảng đen về kẻ dòng nhạc và dạy những nốt đồ rê mi… đầu tiên khi tôi mới 4 tuổi! Còn bố thì đã định hướng ngay từ đầu cho tôi, bắt đầu học như thế nào, trung cấp rồi lên đại học sẽ học cái gì và sau đấy ra sao; và cứ thế tôi đi theo kim chỉ nam đấy cho đến tận ngày hôm nay. 

- Người ta thường nói theo nghệ thuật thì nghèo lắm?

- Thỉnh thoảng tôi cũng suy nghĩ về điều này, nhưng thú thật tôi không đè nặng vấn đề cơm-áo-gạo-tiền lên bản thân bởi tôi may mắn được sinh ra và trưởng thành trong một gia đình mà tất cả mọi người đều hoạt động nghệ thuật - đây chính là “bệ đỡ”, động viên, sẻ chia với tôi rất nhiều về mặt tinh thần mỗi khi buồn vui. Tôi nghĩ mình đủ sống, còn dư giả thì không có thôi! (Cười)

- Hiện để vượt qua ranh giới giữa nhạc sỹ nghiệp dư và chuyên nghiệp là một việc không hề dễ dàng? 

- Ranh giới ở đây chỉ để áp dụng dành cho người nghe mà thôi, bởi với người nghe quan trọng nhất là sản phẩm của người nhạc sỹ tạo ra mang tính học thuật hay đại chúng. Với tôi, chuyên nghiệp rất dễ phân định bởi đó phải là những nhạc sỹ được đào tạo bài bản trong các trường lớp chuyên nghiệp, có thẩm mỹ âm nhạc tốt cộng thêm tay đàn piano để định hình cho tác phẩm của mình.

- Sản phẩm âm nhạc mới xuất hiện từng ngày, nhưng không ít các ca khúc ấy nếu bỏ đi phần nhạc thì ca từ trở nên cực kỳ vô nghĩa?

- Bỏ phần nhạc đi thậm chí phần lời còn không được là một bài thơ. (Cười) Đôi khi nằm trong một bài hát ca từ vẫn có thể chấp nhận được, bởi tính cao thấp của giai điêu bổ trợ cho ca từ khá nhiều. Quan điểm của tôi là sẽ làm những gì tốt và hợp lý nhất về phần ca từ, cố gắng làm sao để người nghe nhớ đến ca từ qua giai điệu chứ không phải nhớ đến giai điệu qua ca từ.

-  Với số lượng nhạc sỹ trẻ ngày một đông đảo, điều đó có tạo cho anh một sức ép nào không?

- Khi có nhiều người đam mê sáng tác sẽ tạo nên một điều rất hay và thú vị, đó chính là mọi khía cạnh của đời sống đều được khai thác. Tôi nghĩ đơn giản rằng việc của ai người đấy làm, tôi cũng đã chọn và có con đường đi của riêng mình. Tôi không dám nhận cho mình khái niệm “nhạc sỹ” mà chỉ thấy mình là một tác giả trẻ thôi. 

- Người ta thường dùng khái niệm đỉnh cao trong âm nhạc bác học, vậy âm nhạc thị trường có sự đỉnh cao hay không?

- Tôi khẳng định ngay âm nhạc thị trường có sự đỉnh cao, đỉnh cao một cách rõ nét. Chúng ta nên hiểu thị trường đúng nghĩa hơn một chút, làm cái gì cũng cần có thị trường, thị trường không phải là “rẻ tiền”. Chúng ta chưa thể so với thị trường âm nhạc tại Mỹ nhưng mặt bằng chung của một thị trường âm nhạc cao hay thấp thì hoàn toàn do thẩm mỹ của người nghe. Nhiều người đang hiểu sai và không thích khái niệm “thị trường” có lẽ bởi hiện giờ mặt bằng chung âm nhạc của chúng ta xuống thấp quá. Nếu chúng ta có một ngành công nghiệp âm nhạc đàng hoàng, thị trường âm nhạc đúng nghĩa thì sẽ có một diện mạo khác hơn rất nhiều. 

- Hai mặt đối lập đơn giản và cầu kỳ được anh xử lý thế nào trong sáng tác?

- Đơn giản nhưng hiệu quả, mọi thứ vừa đủ sẽ đưa lên một tổng thể tốt. Một tác phẩm âm nhạc bao gồm rất nhiều thứ, ví dụ phần trình bày của ca sỹ, viết bài hát, phối khí, thu âm, … thì tất cả mọi thứ phải hợp lý và vừa vặn với nhau. Tôi đề cao sự đơn giản!

- Dường như “sân chơi” Bài hát Việt là một cú hích đưa cái tên Thành Vương đến gần hơn với công chúng?

- Trong nghề thì tôi đã làm từ lâu, anh em biết nhau cả, nhưng đến khi tham gia Bài hát Việt công chúng mới biết tôi là ai, làm gì…

- Đã bao giờ anh nghĩ về “một cộng đồng những tác giả trẻ làm nhạc” chưa? 

- Đã nghĩ đến và cũng chính về thế mà chúng tôi chơi với nhau rất thân, mọi hoạt động xã hội đều gọi nhau cả. Sự liên kết và va đập trong cộng đồng nhỏ đó giúp ích rất nhiều cho những tác giả trẻ như chúng tôi, bởi chính vì sự gần nhau sẽ giảm thiểu đi rất nhiều sự đố kỵ trong nghề nghiệp. Chúng tôi đã từng hợp tác và một tác phẩm không hoàn toàn một người làm tất cả, chúng tôi chia nhỏ công việc, mỗi người làm một chút như người viết lời, viết nhạc, phối khí, thu âm, người hát…; chúng tôi đã thử và thấy tính chuyên nghiệp và khách quan rất cao. 

- Liệu như thế có mất đi cái tôi của tác giả không?

- Cái tôi của bản thân không phải lúc nào cũng tốt, giữ được cái tôi là việc cần, nhưng có những thứ đè nặng cái tôi quá là không được. 

- Tại sao anh lại chọn Jazz cho con đường phát triển sự nghiệp âm nhạc của mình?

- Nếu nói Jazz là sự lựa chọn có lẽ hơi quá, tôi chỉ dám nhận là đang sử dụng một chút ít ỏi những gì được học vào âm nhạc, tạo thêm màu sắc cho bản phối của mình. Nhạc Jazz hay trong phần hòa âm, tính ngẫu hứng trong giai điệu và sự lỗi cuốn trong những tiết tấu rất đặc trưng. Cái tôi chọn là Smooth Jazz, bởi nó không đòi hỏi quá nhiều sự trưng trổ về kỹ thuật như Jazz kinh điển như Swing. Smooth Jazz là thể loại hướng đến tính thẩm mỹ cao, sự chỉn chu về cả phần âm nhạc và âm thanh. Hòa âm Smooth Jazz khá phức tạp, khi tính tự sự của tâm hồn được đẩy lên cao thì dù vui hay buồn đều có thể hòa mình vào nó được. Tôi chọn nó bởi bất kỳ lúc nào nghe Smooth Jazz, tôi luôn tìm thấy mình ở trong đó. 

- Đối với anh, không gian sáng tác có quan trọng không?

- Tôi luôn cần một không gian yên tĩnh, không bị ảnh hưởng bởi những âm thanh bên ngoài. Không có tạp âm cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Tĩnh như một người ngồi thiền vậy, luôn giữ cho mình một trạng thái thăng bằng nhất có thể. Lúc đấy tôi làm việc tốt nhất không chỉ trong việc sáng tác mà cả phối khí, mix bài trong phòng thu. Tôi hay nói đùa với bạn bè mình rằng sáng tác như là một trò chơi của cảm xúc, nó đến thì đến mà không thì thôi. Nó đến thì viết rất nhanh, còn nó không đến thì ngồi nghĩ nát óc cũng chẳng ra. 

- Một nhạc sỹ chuyên nghiệp cần phải điều khiển được cảm xúc chứ? 

- Nhạc sỹ kiêm nhà soạn nhạc nổi tiếng nước Nga Petr Ilitch Tchaikovski đã từng nói: “Sáng tác rất cần những xúc cảm tự nhiên, tuy vậy không phải lúc nào nó cũng tự nhiên đến, ta buộc phải đi tìm nó thôi, hoặc sẽ chẳng bao giờ nó đến cả!”

- Cảm ơn và chúc anh thành công!