Sáng rõ hơn về 30 năm Đổi mới và phát triển kinh tế biển

ANTĐ - Văn kiện Đại hội XII được phân tích và góp ý dưới góc độ của một nhà khoa học kinh tế chính trị. Dưới đây là cuộc trao đổi với PGS.TS Đại tá Bùi Ngọc Quỵnh, Chủ nhiệm khoa Kinh tế Chính trị, Học viện Chính trị (Bộ Quốc phòng).
Sáng rõ hơn về 30 năm Đổi mới và phát triển kinh tế biển ảnh 1

PGS.TS Đại tá Bùi Ngọc Quỵnh

- Dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội XII của Đảng đã nhìn lại 30 năm Đổi mới – một dấu mốc đặc biệt quan trọng kể từ Đại hội VI của Đảng. Ông có nhận định gì về nội dung này trong dự thảo Văn kiện?

- PGS.TS Đại tá Bùi Ngọc Quỵnh: Báo cáo chính trị tại Đại hội XII của Đảng đã nêu nhận định: “Nhìn tổng thể qua 30 năm Đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên con đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Đồng thời cũng còn nhiều vấn đề lớn, phức tạp, nhiều hạn chế, yếu kém cần tập trung giải quyết, khắc phục để đưa nước ta phát triển nhanh, bền vững”.

Tôi cho rằng, nhận định trên là hoàn toàn chính xác. Tuy nhiên trong phạm vi ở đây tôi chỉ tập trung làm rõ về thành tựu, hạn chế ở khía cạnh phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Bởi vì, đây là thành tựu thực sự mang tính bước ngoặt và rất to lớn  đối với đời sống kinh tế - xã hội của nước ta kể từ khi Đảng ta khới xướng đường lối Đổi mới. Thành tựu to lớn ấy có thể được xem xét trên cả hai phương diện nhận thức và thực tiễn. 

Trên phương diện nhận thức, như chúng ta đã biết trước năm 1986, kinh tế hàng hóa, kinh tế thị trường là những thuật ngữ còn rất ít được sử dụng và thậm chí còn rất xa lạ với chúng ta. Kinh tế thị trường được xem là không tương thích với CNXH. Nhưng kể từ sau năm 1986, cùng với quá trình Đổi mới, Đảng ta đã nhận thức ngày càng rõ, sát thực tế hơn tính tất yếu, mục tiêu, bản chất, đặc trưng, cấu trúc, thể chế và cơ chế vận hành của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Trước Đổi mới ta không thừa nhận kinh tế thị trường trong CNXH. Khi bắt đầu Đổi mới, Đảng ta quan niệm kinh tế hàng hóa có những mặt tích cực cần vận dụng. Trong quá trình Đổi mới, từ thực tiễn Đảng ta nhận thức rõ hơn, kinh tế hàng hóa, kinh tế thị trường không phải là sản phẩm riêng có của CNTB mà là thành tựu của văn minh nhân loại, là phương thức, điều kiện tất yếu để xây dựng CNXH.

Tại Đại hội IX, Đảng ta khẳng định: Kinh tế thị trường định hướng XHCN là mô hình kinh tế tổng quát của thời kỳ quá độ lên CNXH ở nước ta. Đến Đại hội XI, Đảng ta khẳng định: Nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta là nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Có thể khẳng định đây là một bước tiến và là thành tựu quan trọng có ý nghĩa lịch sử trong tư duy lý luận của Đảng ta. 

Trong quá trình Đổi mới, Đảng ta đã nhận thức rõ hơn về chế độ sở hữu và các thành phần kinh tế. Trước Đổi mới, ta chỉ thừa nhận có một chế độ sở hữu toàn dân và cũng chỉ thừa nhận có hai thành phần kinh tế là quốc doanh và tập thể. Nhưng trong quá trình Đổi mới, Đảng ta khẳng định, nền kinh tế thị trường, định hướng XHCN ở nước ta có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế. Chúng ta đã có sự nhận thức đầy đủ hơn về cấu trúc của nền kinh tế thị trường.

Các yếu tố thị trường và các loại thị trường được xây dựng ngày càng đồng bộ hơn, bảo đảm quan hệ cung - cầu, cạnh tranh lành mạnh; sử dụng có hiệu quả các công cụ, chính sách vĩ mô theo các nguyên tắc của thị trường. Hình thành và không ngừng phát triển, hoàn thiện các loại thị trường: thị trường hàng hóa, dịch vụ; thị trường tài chính, tiền tệ; thị trường lao động; thị trường bất động sản; thị trường khoa học - công nghệ.

Chúng ta đồng thời đã có sự đổi mới cơ bản trong nhận thức về vai trò, chức năng của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường. Nhà nước quản lý, điều tiết nền kinh tế thị trường thông qua pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách, công cụ kinh tế và lực lượng vật chất cần thiết phù hợp với nguyên tắc của kinh tế thị trường. Nhà nước đóng vai trò là một chủ thể kinh tế trên thị trường thông qua việc đầu tư vốn và quản lý tài sản công; tách quyền của chủ sở hữu và quyền quản lý, sử dụng; có sự phân cấp ngày càng nhiều hơn để phát huy tính tự chủ của cơ sở; xóa bỏ bao cấp; hạn chế, kiểm soát độc quyền kinh doanh.

- Là một nhà khoa học kinh tế chính trị, ông nhìn nhận thế nào về những hạn chế của kinh tế thị trường định hướng XHCN được đề cập trong dự thảo Văn kiện?

- Về hạn chế, tôi xin phép nêu ở cả hai phương diện nhận thức và thực tiễn. Về nhận thức, hạn chế nổi bật là chưa hình thành được khung lý luận đầy đủ và hệ thống về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhất là về một số nội dung của định hướng XHCN trong nền kinh tế thị trường; về mối quan hệ giữa Nhà nước và thị trường; giữa hội nhập kinh tế quốc tế và xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ; về chế độ sở hữu và phân định các thành phần kinh tế.

Về thực tế, hạn chế của nền kinh tế chủ yếu phát triển theo chiều rộng, chậm chuyển sang phát triển theo chiều sâu, thiếu tính bền vững. Một số yếu tố thị trường phát triển chưa đồng bộ, quy mô, cơ cấu và trình độ các loại thị trường còn hạn chế, bất cập; kinh tế vĩ mô ổn định chưa vững chắc, tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế chưa cao, còn lệ thuộc vào một vài thị trường bên ngoài; doanh nghiệp nhà nước chưa thể hiện đầy đủ vai trò là lực lượng nòng cốt của kinh tế nhà nước, hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp, để xảy ra thất thoát, lãng phí; kinh tế tập thể còn nhiều mặt yếu kém kéo dài, hiệu quả kinh tế thấp, hoạt động của bộ máy nhà nước còn nhiều yếu kém chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.

Sáng rõ hơn về 30 năm Đổi mới và phát triển kinh tế biển ảnh 2

Những chiếc tàu đánh bắt cá hiện đại của ngư dân huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi)
chuẩn bị ra khơi  -  Ảnh: THUẦN THƯ

- Biển Đông luôn là tuyến hàng hải huyết mạch, có quốc gia như Singapore - nền kinh tế phụ thuộc hẳn vào Biển Đông. Trong khi đó, tình hình Biển Đông luôn chứa đựng những phức tạp, biến động khó lường. Ông có nhận định như thế nào về bối cảnh các nền kinh tế trong khu vực phụ thuộc vào Biển Đông, cũng như nội dung phát triển kinh tế biển được đề cập trong Báo cáo chính trị?

- Như đã biết, Việt Nam chúng ta nằm bên bờ Biển Đông, vùng biển có vị trí địa kinh tế, chính trị đặc biệt quan trọng và từ lâu đã là nhân tố không thể thiếu trong Chiến lược phát triển không chỉ của các nước xung quanh Biển Đông mà còn của một số cường quốc hàng hải khác trên thế giới. Hiện nay, nhiều nước và vùng lãnh thổ trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore... có nền kinh tế hầu như phụ thuộc sống còn vào Biển Đông.

Hàng năm, có khoảng 70% khối lượng dầu mỏ nhập khẩu và 45% hàng hóa xuất khẩu của Nhật Bản, khoảng 60% khối lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của Trung Quốc... được vận chuyển bằng con đường này. Đặc biệt, nền kinh tế Singapore hầu như phụ thuộc hoàn toàn vào Biển Đông. Việt Nam có lợi thế là vùng biển nằm ngay trên một số tuyến hàng hải chính của quốc tế qua Biển Đông, trong đó có tuyến đi qua eo biển Malacca, là một trong những tuyến có lượng tàu bè qua lại nhiều nhất thế giới.

Bờ biển Việt Nam lại rất gần các tuyến hàng hải đó nên rất thuận lợi trong việc phát triển giao thương quốc tế. Hiện nay, hầu hết khối lượng hàng hóa xuất nhập khẩu và một phần giao lưu nội địa của nước ta được vận chuyển bằng đường biển trên Biển Đông. Trong một vài thập kỷ tới, với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao của các nước trong khu vực, khối lượng hàng hóa vận chuyển qua Biển Đông sẽ tăng gấp hai, ba lần hiện nay, khi đó Biển Đông nói chung và vùng biển Việt Nam nói riêng càng có vai trò to lớn trong thương mại thế giới; vùng biển Việt Nam sẽ trở thành chiếc cầu nối quan trọng để phát triển thương mại quốc tế và mở rộng giao lưu với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Hơn nữa, xét về mặt chính trị, quân sự, Biển Đông đang nổi lên là một vùng biển có những bất đồng mà chưa thể giải quyết trong thời gian ngắn. Hầu hết các quốc gia có lợi ích trên vùng biển này đều đang tìm cách đẩy mạnh khẳng định quyền và lợi ích của mình bằng cách tập trung đầu tư cho phát triển kinh tế biển như phát triển nghề cá, đẩy mạnh khai thác dầu khí, phát triển du lịch biển… gắn với các hoạt động quốc phòng. Do vậy, nội dung về phát triển kinh tế biển được đề cập trong Báo cáo chính trị là hết sức cần thiết và đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn. 

- Ông có góp ý, kiến nghị cụ thể gì vào nội dung văn kiện về phát triển kinh tế biển?

- Tôi cho rằng, trong thời gian tới Trung ương cần có sự đầu tư mạnh mẽ hơn nữa cho sự phát triển kinh tế biển theo Chiến lược phát triển kinh tế biển theo Nghị quyết 09-NQ/TW ngày 9-2-2007 về “Chiến lược biển Việt Nam đến 2020” đã xác định để vừa khai thác tiềm năng thế mạnh của biển vừa tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh trên biển. Theo đó, tôi đề nghị bổ sung thêm những vấn đề lớn cần định hướng trong phát triển kinh tế biển của Báo cáo như giải quyết vấn đề xã hội của người dân vùng biển, phát triển khoa học và công nghệ biển, phát triển hệ thống cảng biển.

Cụ thể là tôi kiến nghị cần bổ sung vào cuối nội dung này như sau: “Giải quyết tốt các vấn đề xã hội, cải thiện một bước đáng kể đời sống nhân dân vùng biển và ven biển, trên các đảo và những người hoạt động trên biển; phát triển mạnh hệ thống cảng biển quốc gia, xây dựng đồng bộ một số cảng biển đạt tiêu chuẩn khu vực và quốc tế; phát triển khoa học và công nghệ biển làm động lực cho sự phát triển các lĩnh vực liên quan đến biển. Tăng cường kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh trong các lĩnh vực của kinh tế biển”.

- Về nội dung quản lý phát triển xã hội, thực hiện công bằng xã hội, ông có góp ý cho văn kiện điều gì?

- Trong phần VIII Quản lý phát triển xã hội, thực hiện công bằng xã hội, ở nội dung thứ hai “Giải quyết tốt lao động, việc làm và thu nhập cho người lao động” cần diễn đạt lại nội dung của khổ đầu để có tính khái quát và mạch lạc hơn. Theo đó, tôi cho rằng, nên viết lại là: “Tạo cơ hội để mọi người có việc làm và thu nhập ổn định. Xây dựng, hoàn thiện và khắc phục cơ bản những bất hợp lý trong hệ thống chính sách về tiền lương, tiền công. Điều chỉnh chính sách dạy nghề, chính sách xuất khẩu lao động. Hoàn thiện và thực hiện tốt chính sách bảo hộ lao động”.

- Xin cảm ơn những đóng góp quý báu của PGS.TS!

Thực lực kinh tế tăng lên gấp 6 lần 
Trên thực tế sau 30 năm tiến hành công cuộc Đổi mới, nền kinh tế thị trường định hướng XHCN từng bước hình thành và phát triển; thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN được quan tâm xây dựng và từng bước hoàn thiện.

Thực lực của nền kinh tế tăng lên (năm 2001 là 31 tỷ USD, năm 2014 là 184 tỷ USD, gấp 6 lần), dự trữ ngoại tệ khoảng 36 tỷ USD; kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định; lạm phát được kiểm soát; tăng trưởng kinh tế được duy trì hợp lý và ở nhóm nước có mức độ tăng trưởng khá cao trên thế giới (bình quân cho cả 30 năm khoảng 6,7%; riêng 2010-2014 khoảng 5,83%, trong khi đó của thế giới 2001-2014 chỉ đạt khoảng 3,0%); đất nước đã ra khỏi tình trạng kém phát triển bước vào nhóm nước đang phát triển có thu nhập trung bình, GDP/người 2014 của Việt Nam là 2.028 USD; nền kinh tế ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. 

Có thể nói, mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội của đất nước ta trên mọi vùng miền đã được thay da đổi thịt so với trước đổi mới. Đây là thành tựu quan trọng có ý nghĩa lịch sử.