Sàng lọc doanh nghiệp khắc nghiệt hơn

ANTĐ - Số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê cho thấy, một lượng lớn doanh nghiệp phải giải thể, tạm ngừng hoạt động trong năm  qua, chứng tỏ thị trường có sự sàng lọc khắc nghiệt.  

Sàng lọc doanh nghiệp khắc nghiệt hơn ảnh 1Năm 2016, số lượng đơn hàng tăng mạnh

Khó khăn đã lùi lại

Kết quả điều tra về xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo do cơ quan này tiến hành cho thấy, 42,3% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý IV-2015 khả quan hơn quý III; 38,2% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định. Dự kiến quý I-2016 so với quý IV năm nay, có 40,9% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên. Tỷ lệ doanh nghiệp cho rằng, tình hình sản xuất kinh doanh ổn định tăng nhẹ so với cuối năm nay.

Về khối lượng sản xuất, 91,6% doanh nghiệp dự báo năm 2016 có khối lượng sản xuất tăng so với năm 2015. Theo các doanh nghiệp tham gia cuộc điều tra, trong những tháng cuối năm nay, đơn đặt hàng đã dồi dào hơn so với hồi giữa năm. Xu hướng quý I-2016, 38,2% số doanh nghiệp dự kiến có đơn hàng cao hơn quý IV-2015 và 43,7% số doanh nghiệp dự kiến có đơn hàng ổn định. Đáng chú ý, tỷ lệ doanh nghiệp dự kiến đơn hàng xuất khẩu tăng so với cuối năm 2015 cũng tăng hơn 2%. Đa số doanh nghiệp cũng kỳ vọng giá bán sản phẩm năm 2016 sẽ tăng so với hiện tại. 

Ông Nguyễn Văn Châu - Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thúy Đạt dự kiến, năm 2016, đơn hàng đến với doanh nghiệp này tăng khoảng 200%. “Tuy nhiên, thị trường vốn của Việt Nam là nỗi lo lớn của doanh nghiệp. Lãi suất cao khiến giá thành sản phẩm tăng và giảm sức cạnh tranh” - ông Nguyễn Văn Châu nói.

Doanh nghiệp trụ vững sẽ phát triển

Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê, năm 2015, cả nước có 94.754 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký 601,5 nghìn tỷ đồng, tăng 26,6% về số doanh nghiệp và tăng 39,1% về số vốn đăng ký so với năm 2014.  Số lao động dự kiến được tạo việc làm của các doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2015 là 1.471,9 nghìn người, tăng 34,9% so với năm 2014. Bên cạnh đó, nền kinh tế cũng đón thêm 21.506 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 39,5% so với năm trước.

Tuy nhiên, từ đầu năm tới nay, số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động sản xuất, kinh doanh là 9.467 doanh nghiệp, giảm 0,4% so với năm trước. Số doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động trong năm là 71.391 doanh nghiệp, tăng 22,4% so với cùng kỳ năm trước. 

Bình luận về số doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động tăng lên, ông Nguyễn Bích Lâm - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho hay, việc doanh nghiệp phải giải thể, tạm ngừng hoạt động là quy luật tất yếu của thị trường. “Trong điều kiện cạnh tranh ngày càng khốc liệt thì việc doanh nghiệp kinh doanh không hiệu quả và phải giải thể là bình thường” - ông Nguyễn Bích Lâm phân tích. 

Nhận định của các chuyên gia gần đây cũng cho thấy, nền kinh tế đã phục hồi rõ nét hơn. Nhiều doanh nghiệp mới gia nhập thị trường, đồng thời, một lượng lớn doanh nghiệp khác phải giải thể, tạm ngừng hoạt động chứng tỏ thị trường có sự sàng lọc khắc nghiệt. Những doanh nghiệp nào vượt qua được giai đoạn khó khăn này sẽ trụ vững và phát triển, khai thác được cơ hội đang rộng mở.