Sáng kiến đảm bảo an ninh trên Biển Đông

ANTD.VN - Mỹ đã chính thức công bố “Sáng kiến An ninh hàng hải” với các nước ASEAN nhằm tăng cường bảo đảm an ninh cũng như tự do hàng hải, hàng không trong bối cảnh Trung Quốc liên tục có những hành động gây hấn nhằm đòi chủ quyền phi lý trên Biển Đông.

Bộ trưởng Quốc Phòng Ashton Carter công bố Sáng kiến An ninh hàng hải tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng không chính thức Mỹ - ASEAN

Báo chí Mỹ ngày 2-10 cho biết, tại Hội nghị không chính thức Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ-ASEAN diễn ra trong 2 ngày 30-9 và 1-10 tại Hawaii, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã chính thức công bố "Sáng kiến An ninh Hàng hải" (MSI) mới với 10 nước thành viên hiệp hội.

Theo ông Carter, sáng kiến cùng hội nghị này là một bằng chứng cho thấy tầm quan trọng của ASEAN trong chiến lược “tái cân bằng” sang châu Á-Thái Bình Dương của chính quyền Tổng thống Barack Obama cũng như đối với việc tăng cường các lực lượng của quân đội Mỹ trong tương lai. 

Triển khai MSI, Mỹ sẽ đăng cai một số sự kiện với ASEAN về an ninh hàng hải, trong đó có Đối thoại Hàng hải ASEAN và tập huấn nâng cao nhận thức về hàng hải. Bên cạnh đó, Lực lượng Bảo vệ Bờ biển của Mỹ cũng sẽ tăng cường hợp tác về an ninh hàng hải với các nước ASEAN.

Thực ra, MSI mà Mỹ công bố tại Hội nghị không chính thức Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ-ASEAN do Thượng nghị sĩ John McCain, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, phát động và được Quốc hội Mỹ thông qua từ tháng 6-2015. Theo MSI, Mỹ sẽ thực hiện 5 năm việc tăng cường hợp tác, hỗ trợ cho 5 quốc gia ASEAN (Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam) trong việc bảo đảm an ninh hàng hải.

Trong khuôn khổ MSI, khi tới thăm Việt Nam vào tháng 5 năm nay, ông Carter thông báo cung cấp 18 tàu tuần tra cao tốc Metal Shark, đồng thời hỗ trợ công tác huấn luyện và trang thiết bị thực thi pháp luật trên biển cho lực lượng Cảnh sát Biển Việt Nam. Bên cạnh đó, hải quân hai nước cũng tiến hành hợp tác nhằm đảm bảo an ninh và an toàn hàng hải. 

Tàu tuần tra cao tốc Metal Shark mà Mỹ cung cấp cho Việt Nam dài 13,7m, rộng 4,6m, tốc độ tới 74km/giờ và có giá để gắn súng phía trước mũi. Loại tàu này có thể dùng cho mục đích tuần tra bảo vệ cảng, chữa cháy, bảo vệ bờ biển, thực thi pháp luật trên biển. 

Philippines là nước được Mỹ dành ngân sách tài trợ lớn. Trong đó, gần 85% của ngân sách (hơn 41 triệu USD) được cấp cho Philippines nhằm củng cố hoạt động chỉ huy - kiểm soát giữa quân đội, cảnh sát biển và Trung tâm Giám sát bờ biển Quốc gia, cung cấp các bộ cảm ứng ISR, đào tạo bay không người lái và radar trên bộ, hỗ trợ và bảo trì tàu tuần tra biển.

MSI được triển khai trong bối cảnh an ninh và tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông đang bị de dọa nghiêm trọng bởi những hành động hung hăng, gây hấn của Trung Quốc khi ráo riết hiện thực hóa tham vọng đòi chủ quyền 80% diện tích theo yêu sách “đường lưỡi bò” 9 đoạn phi lý.

Là những nước liên quan và bị tác động trực tiếp, nặng nề nhất khi tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông bị đe dọa, song lực lượng hải quân, bảo vệ luật pháp trên biển của các nước ASEAN lại quá yếu so với Trung Quốc, nên chính quyền Tổng thống Obama muốn thông qua MSI để hỗ trợ, tăng cường năng lực đảm cho các quốc gia khu vực, từ đó góp phần đảm bảo an ninh hàng hải.