Sáng kiến chống tham nhũng

ANTĐ - Tham nhũng, nếu không bị ngăn chặn và đẩy lùi có hiệu quả, sẽ làm cản trở phát triển kinh tế-xã hội của nhiều quốc gia ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Học sinh Ấn Độ giương cao những biểu ngữ chống tham nhũng

Sau gần 10 năm là thành viên của Sáng kiến chống tham nhũng châu Á-Thái Bình Dương do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) khởi xướng, Việt Nam đã lần đầu tiên tổ chức cuộc họp của Ban điều hành Sáng kiến này. Cuộc họp của Ban điều hành diễn ra ngày 22-10 tại Hà Nội là sự kiện thường niên nhằm rà soát, đánh giá và tiếp tục thúc đẩy các nỗ lực hợp tác trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương về phòng chống tham nhũng.

Cách đây hơn 10 năm, vào thời điểm mà thế giới nói nhiều tới những “Con Rồng“, “Con Hổ” kinh tế ở châu Á - Thái Bình Dương với những thành tựu tăng trưởng kinh tế vượt bậc thì tham nhũng cũng là một vấn đề đau đầu với khu vực. Tham nhũng, khi đó đã được xem là một hiểm họa lớn, có thể đe dọa đẩy lùi thành quả phát triển kinh tế, đồng thời mang lại những hệ luỵ khôn lường với cả xã hội và chính trị.

Chính vì thế, ADB và OECD đã cùng khởi xướng Sáng kiến chống tham nhũng khu vực châu Á - Thái Bình Dương vào năm 1999, hay còn gọi là Sáng kiến ADB/OECD về chống tham nhũng châu Á - Thái Bình Dương, nhằm thúc đẩy sự hợp tác giữa các quốc gia cũng như việc phòng chống tham nhũng tại từng quốc gia trong khu vực. Sau khi Việt Nam chính thức tham gia từ năm 2004, đến nay đã có 17 quốc gia và vùng lãnh thổ ở châu Á-Thái Bình Dương ký kết và cam kết thực hiện Bản Kế hoạch hành động chống tham nhũng theo Sáng kiến ADB/OECD.

Nỗ lực của từng quốc gia cũng như trong khuôn khổ Sáng kiến chống tham nhũng đã tạo ra bước chuyển biến được ghi nhận song đây vẫn là một thách thức lớn với khu vực trong tương lai. Theo ADB, khu vực châu Á - Thái Bình Dương có thể trở thành châu lục thịnh vượng nhất hành tinh từ nay đến năm 2050 nếu khu vực này thực hiện chống tham nhũng có hiệu quả và chính phủ các nước khu vực chấp nhận minh bạch hóa lĩnh vực này.

Nhiều quốc gia khu vực cũng nhìn nhận về nguy cơ tham nhũng đối với sự phát triển của mình. Tổng thống 

Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono từng cho rằng tham nhũng cùng những thủ tục hành chính quan liêu, rườm rà, phiền hà và phức tạp đang cản trở tăng trưởng kinh tế của nước này. Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo cũng cảnh báo rằng cơ cấu quyền lực của nước này có thể đối mặt với sự đe dọa nếu không bài trừ nạn tham nhũng. 

Trong bối cảnh đó, cuộc họp tại Hà Nội là dịp để các thành viên Sáng kiến chống tham nhũng khu vực châu Á - Thái Bình Dương xem xét những tiến triển trong công tác phòng, chống tham nhũng, trong đó có việc thực thi Công ước LHQ về chống tham nhũng. Các nước thành viên cũng cập nhật, chia sẻ sáng kiến của các quốc gia quan sát viên, các tổ chức quốc tế là thành viên của Ban cố vấn Sáng kiến về những nỗ lực chống tham nhũng đáng chú ý gần đây trên phạm vi toàn thế giới. “Việc bài trừ nạn tham nhũng dù rất khó khăn song đóng vai trò cơ bản để tất cả các nước duy trì được tính minh bạch và bảo đảm ổn định xã hội và chính trị”, ADB nhấn mạnh. 

Phát biểu tại hội nghị, Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh nêu rõ, Việt Nam rất coi trọng Sáng kiến ADB/OECD về chống tham nhũng tại khu vực. Ông cam kết, Việt Nam tích cực tham gia vào hoạt động hợp tác của Sáng kiến góp phần thúc đẩy hợp tác chung vì hòa bình, ổn định, phát triển thịnh vượng của khu vực.