Sáng kiến “3 điều ước” giúp người nhà bệnh nhân Covid-19 vơi bớt nỗi đau

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra, các nhân viên “chăm sóc cuối đời” cho các bệnh nhân luôn cố gắng để giúp bệnh nhân trong những giờ phút cuối cùng của cuộc đời được ở bên người thân. Nhưng đại dịch Covid-19 đã làm đảo lộn tất cả. Covid-19 đã làm thay đổi nghi lễ này khiến nhiều người phải ra đi trong đơn độc, để lại nỗi đau khôn nguôi cho những người ở lại.
Chương trình “3 điều ước” còn như một liệu pháp để an ủi người thân trước nỗi đau mất mát

Chương trình “3 điều ước” còn như một liệu pháp để an ủi người thân trước nỗi đau mất mát

Thực hiện nguyện vọng cuối đời cho bệnh nhân

Với mong muốn giúp người nhà bệnh nhân bớt đau khổ, dằn vặt, các nhân viên y tế ở trường y David Geffen thuộc UCLA, Los Angeles, Mỹ đã điều chỉnh chương trình “3 điều ước cuối đời” trước những thách thức của dịch Covid-19. Chương trình “3 điều ước cuối đời” bắt đầu từ năm 2017 đã được nhiều bác sĩ, y tá và nhân viên bệnh viện hưởng ứng để giúp thực hiện những nguyện vọng cuối cùng cho bệnh nhân trước khi từ biệt cõi đời. Những “điều ước” có khi là những kỷ niệm, những vật lưu niệm, hay đơn giản chỉ là những lời nhắn nhủ được cá nhân hóa để gửi cho các thành viên trong gia đình và những người thân yêu đau buồn trước sự mất mát, chia ly.

Một nghiên cứu về chương trình này đã cho thấy thành công mà nó đem lại là không thể đo đếm được. Người phụ trách chương trình Thanh Neville, người nghiên cứu bệnh học tại UCLA cho biết: “Không thể ở bên người thân lúc cuối đời, không thể nói lời từ biệt bên giường bệnh đã khiến nhiều thành viên trong gia đình đau khổ, day dứt khôn nguôi, thậm chí có người bị sang chấn tâm lý…”. Sáng kiến này cũng nhận được sự ủng hộ của bệnh nhân. Nghiên cứu cho thấy, số lượng bệnh nhân mong muốn được tham gia thực hiện “điều ước” ngày càng tăng, đặc biệt là trong thời kỳ đại dịch Covid-19. Theo con số thống kê, số “điều ước” được hoàn thành trong thời gian bệnh nhân qua đời trong đại dịch Covid-19 đã tăng lên gần 1.000 trường hợp, cao hơn nhiều so với thời kỳ trước khi xảy ra dịch bệnh.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Critical Care Explorations cũng cho thấy các y tá và các nhân viên y tế mặc dù luôn quá tải khi phải chăm sóc số lượng lớn bệnh nhân Covid-19 nhưng vẫn bày tỏ mong muốn được làm điều gì đó tích cực giúp cho gia đình các bệnh nhân với đi nỗi đau. “Trong những ngày tháng bi thảm này, nhiều y tá đã nói với tôi rằng họ rất biết ơn khi có một chương trình mà họ có thể làm được những điều tốt đẹp giúp cho các bệnh nhân và gia đình họ, mặc dù việc chăm sóc bệnh nhân ở giai đoạn cuối của cuộc đời họ có thể gây áp lực tinh thần đối với bất kỳ nhân viên y tế nào, đặc biệt là những nhân viên làm việc tại các ICU trong đại dịch Covid-19” - cô Neville nói.

“Cá nhân hóa” điều ước

Vât lưu niệm thường là “điều ước” phổ biến nhất mà các bệnh nhân mong muốn được thực hiện. Chìa khóa dấu vân tay hay lọn tóc là những kỷ vật được chia sẻ với các thành viên trong gia đình và những người thân yêu sau khi bệnh nhân qua đời. 3 nghệ sĩ tình nguyện làm việc cho chương trình cũng đã tạo ra những bức tranh được cá nhân hóa kết hợp dấu vân tay của bệnh nhân. Nhóm “3 điều ước” đã phải áp dụng các biện pháp để kiểm soát việc lây nhiễm, chẳng hạn như để đảm bảo vật lưu giữ dấu vân tay của những bệnh nhân tử vong vì Covid-19 không bị nhiễm virus, họ đã phải xử lý bằng cách chiếu tia cực tím thường được sử dụng cho khẩu trang N95 để khử trùng.

Tuy nhiên, không phải tất cả các điều ước của bệnh nhân đều liên quan đến kỷ vật. Có lần nhóm đã phải mời một ban nhạc Mariachi đến bệnh viện theo mong muốn của bệnh nhân. Có những yêu cầu đặc biệt khác nữa, và một yêu cầu mà nhóm không thể quên, đặc biệt đối với Neville, đó là điều ước về một đám cưới. “Tôi đã chăm sóc cho một bệnh nhân không may cô ấy đã ở giai đoạn cuối của cuộc đời. Gia đình cô ấy nói rằng con trai của cô mới đính hôn và nếu cô ấy có thể được tham gia lễ cưới, điều đó sẽ có ý nghĩa rất lớn đối với gia đình” - Neville nhớ lại. Tuy nhiên, do bệnh tình của bệnh nhân quá nặng, không thể xuất viện nên họ đã tổ chức đám cưới trong... bệnh viện.

“Do yêu cầu hạn chế về việc thăm viếng, chúng tôi phải tổ chức đám cưới ngoài trời và cũng xin phép đặc biệt để có thêm một vài người đến thăm. Phần sân bên ngoài phòng ICU được sử dụng để tổ chức sự kiện này. Lễ cưới có hoa, bánh ngọt và cô dâu chú rể mặc trang phục cưới. Các nhân viên y tế cũng làm một sân khẩu bằng các cọc và ga trải giường. Nhóm “3 điều ước” đã tặng bệnh nhân một chiếc chăn thật đẹp và đẩy giường của bệnh nhân ra ngoài nơi tổ chức đám cưới. Nằm trên giường bệnh mà vẫn được chứng kiến lễ kết hôn của con trai, bệnh nhân nở nụ cười mãn nguyện” - Neville nói. “Đó là một đám cưới không thể nào quên. Nhìn thấy chú rể, con trai của mình, cô ấy đã khóc những giọt nước mắt buồn vui lẫn lộn khiến tôi nhận ra rằng đó là một điều vô giá khi có thể giúp cho bệnh nhân và gia đình của họ”.

Nhân viên y tế tuyến đầu đảm nhiệm thêm phần việc nhân ái

Không giống như thời kỳ trước đại dịch, khi dịch vụ chăm sóc cuối đời như vậy thường do các bác sĩ chuyên khoa thực hiện, dịch Covid-19 với những quy định nghiêm ngặt về cách ly đã khiến các nhân viên y tế tuyến đầu phải đảm nhiệm thêm phần công việc này. Neville cho biết, những y tá muốn tham gia dịch vụ chăm sóc cuối đời đầy nhân ái này phải chịu trách nhiệm về việc thực hiện thành công của chương trình “3 điều ước”. Họ thường vượt lên trên cả yêu cầu về nhiệm vụ của mình là chăm sóc y tế cho bệnh nhân”.

Neville cũng ghi nhận sự hỗ trợ từ UCLA với sự tin tưởng vào dịch vụ chăm sóc cuối đời cho bệnh nhân đầy tính nhân văn này. “Chương trình “3 điều ước” của UCLA rất đáng khen ngợi vì có thể giúp mang lại sự gần gũi cho các bệnh nhân và gia đình của họ. Lợi ích về tinh thần đem đến cho gia đình các bệnh nhân, những người phải trải qua nỗi đau mất mát không gì bù đắp được, nó như một liệu pháp để an ủi những người còn sống”.

Neville và nhóm dự định sẽ tiếp tục Chương trình “3 điều ước” cho dù còn đại dịch hay kể cả khi đại dịch đã qua đi. Sáng kiến này là nguồn cảm hứng cho nhiều chương trình, hành động nhân ái khác. Họ cũng có kế hoạch tiếp tục với nhiều phần của chương trình được thêm vào trong thời kỳ đại dịch Covid-19. Neville cho biết, việc thực hiện Chương trình “3 điều ước” chủ yếu cần có sự chủ động, lòng nhân ái và sự quyết tâm. “Có thể khó khăn khi bắt đầu, nhưng nó rất khả thi và nhóm của tôi tại UCLA cũng rất sẵn lòng trợ giúp và hướng dẫn về kinh nghiệm cho các bệnh việc khác”.