Sản xuất nhựa từ khoai tây và vỏ trái cây

ANTD.VN - Việc tìm kiếm giải pháp nhựa sinh học an toàn và dễ phân hủy đang là hướng đi của các nhà khoa học cùng Chính phủ các nước để giải bài toán ô nhiễm môi trường hiện nay. Trong số đó phải kể đến vật liệu từ tinh bột khoai tây có tính chất tương tự như nhựa - một sản phẩm của Pontus Trenquist - cựu sinh viên của Đại học Lund (Thụy Điển).

Sản xuất nhựa từ khoai tây và vỏ trái cây ảnh 1Pontus Trenquist đã tạo ra những dụng cụ nhà bếp như dao, nĩa, thìa, đĩa… từ “nhựa khoai tây”

Thành công từ việc… “lỡ tay”

Pontus Trenquist, 24 tuổi, cựu sinh viên ĐH Lund (Thụy Điển) đã được giới khoa học chú ý đến bởi công trình nghiên cứu cho ra sản phẩm nguyên liệu nhựa từ tinh bột khoai tây tại cuộc thi thiết kế “The James Dyson”. Pontus Trenquist đã tạo ra những dụng cụ nhà bếp như dao, nĩa, thìa, đĩa… từ “nhựa khoai tây”. Ngoài tinh bột khoai tây, Trenquist còn sử dụng 2 loại nguyên liệu có sẵn mà không gây hại cho môi trường đó là nước và glycerin (một hợp chất có vị ngọt như siro, là thành phần chính trong chất béo hoặc dầu thực vật). 

Đặc biệt, Trenquist chia sẻ: “Lúc đầu tôi lên kế hoạch sản xuất đá, gạch xây nhà từ tảo biển nên tôi đã về quê và tìm kiếm rong biển để phơi khô. Tôi đã loay hoay để tìm kiếm một chất kết dính cho rong biển và trong số đó tôi để ý đến tinh bột khoai tây kết hợp với nước. Tuy nhiên, do lỡ tay nên tôi đã đổ hỗn hợp chất lỏng này tràn ra ngoài. Và rất ngạc nhiên sau đó tôi phát hiện, hỗn hợp khoai tây trộn với nước khi khô đi có đặc tính như màng nhựa. Chính điều đó đã khiến tôi nảy ý tưởng nghiên cứu nhựa từ tinh bột khoai tây”. 

Pontus Trenquist, 24 tuổi, cựu sinh viên ĐH Lund (Thụy Điển) đã được giới khoa học chú ý đến bởi công trình nghiên cứu cho ra sản phẩm nguyên liệu nhựa từ tinh bột khoai tây tại cuộc thi thiết kế “The James Dyson”. Pontus Trenquist đã tạo ra những dụng cụ nhà bếp như dao, nĩa, thìa, đĩa… từ “nhựa khoai tây”. 

“Sau đó, tôi tiếp tục thêm glycerin vào trong hỗn hợp tinh bột khoai tây và nước, hỗn hợp đã trở nên dẻo hơn, dễ dàng cán và tạo hình ra những sản phẩm theo ý thích của mình mà không hề bị rách hay rạn nứt, thậm chí chúng còn xuất hiện lớp màng mỏng có thể tạo ra những chiếc túi nilon hoàn toàn bằng thực vật”, Trenquist chia sẻ thêm. 

Hiện nay, Trenquist đang làm việc tại Phòng Nghiên cứu Thiết kế Vật liệu tại trường Đại học Công nghệ và Thiết kế Copenhagen (Đan Mạch) và vẫn tiếp tục phát triển sản phẩm của mình. 

Mới đây, một nhóm nghiên cứu của Đại học Y khoa Vienna (Áo) cho biết, họ đã tìm thấy 9 loại vi hạt nhựa khác nhau có trong các mẫu phân của các tình nguyện viên tham gia thí nghiệm. Điều này chứng tỏ chúng ta đang nuốt phải chất thải nhựa cùng với thức ăn hàng ngày. Các vi chất nhựa này có thể gây ức chế hệ miễn dịch, làm lây lan các độc tố, virus và vi khuẩn trong cơ thể con người. 

Do đó, nghiên cứu của Trenquist có thể là một trong những thành công trong việc vừa tiết kiệm được nông sản bỏ đi (khoảng 20% khoai tây sau thu hoạch bị loại) vừa là lời giải cho bài toán cứu lấy đại dương. 

Bao bì làm từ vỏ trái cây và khoai tây

Hồi năm 2006, một nhà máy tại Pháp đã sản suất ra các loại bao bì từ bột khoai tây và có thể tự phân hủy trong khoảng từ 5-6 tháng sau khi sử dụng. “Bao bì này sẽ giúp chúng ta tiết kiệm năng lượng hơn, ít tốn nguyên liệu, bền hơn nhờ độ đặc của tinh bột khoai tây, đồng thời tạo thu nhập cho người nông dân”, ông Renault - Giám đốc Công ty Plastiques et Tissages de Luneray cho biết. Và lợi ích lớn nhất là “giá của bao bì nhựa thông thường sẽ tăng theo giá dầu, trong khi bao bì làm từ khoai tây sẽ hạ giá khi sản lượng khoai thu hoạch tăng”. 

Một công ty khác cũng đã nỗ lực để thay đổi vấn đề này đó là Biome Bioplastics (Anh) khi sản xuất loại cốc, ly có thể phân hủy và tái chế. Loại nguyên liệu để làm ra những chiếc cốc đó là tinh bột khoai tây, ngô và cellulose. Sản phẩm cốc, ly của của Biome Bioplastics hoàn toàn có thể tự phân hủy trong thùng rác thực phẩm hoặc thùng giấy tái chế. 

Bên cạnh đó, cả một công ty chuyên sản xuất thực phẩm và nước giải khát khổng lồ như PepsiCo cũng đang nhắm đến mục đích sản xuất bao bì từ vỏ khoai tây bỏ đi sau khi sản xuất khoai tây chiên giòn tại nhà máy tại Leicester (Anh). 

Trước đó, tại Malaysia, các nhà nghiên cứu tại nước này đã phát triển loại bao bì nhựa phân hủy sinh học làm từ vỏ trái cây nhiệt đới không chỉ bền, tiết kiệm mà còn giúp chúng ta hạn chế được việc gây ô nhiễm môi trường. GS.TS Hanafi Ismail cùng nhóm nghiên cứu đặt tên sản phẩm là “FruitPlast” - sản phẩm của sự chuyển đổi từ vỏ trái cây biến thành tinh bột rồi thành nhựa phân hủy sinh học. 

Hiện nay, giới khoa học cho biết ý tưởng sử dụng nhựa phân hủy sinh học thân thiện với môi trường, thay thế cho nhựa truyền thống làm từ nhiên liệu hóa thạch là rất khả quan.