Sản xuất khẩu trang phòng dịch: Thừa năng lực, thiếu đơn đặt hàng

ANTD.VN - Về vấn đề sản xuất khẩu trang, Bộ Công Thương khẳng định, không phải doanh ngiệp không làm được mà do thiếu đơn đặt hàng nên chưa thể sản xuất hết công suất...

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải phát biểu tại hội nghị

Chiều 21-3, Bộ Công Thương đã có buổi làm việc với UBND TP Hà Nội để ghi nhận các thông tin về công tác chuẩn bị hàng hóa ứng phó với dịch Covid -19. 

Dự trữ hàng hóa gấp 3-5 lần

Theo Sở Công Thương Hà Nội, ngoài 7 mặt hàng thiết yếu, các sản phẩm có nhu cầu cao trong dịch bệnh như khẩu trang, nước sát khuẩn, nước đóng chai cũng được dự trữ gấp 300-500% so với bình thường.

Các doanh nghiệp sẵn sàng mở cửa bán hàng muộn; tăng nhân viên giao hàng, đẩy mạnh bán hàng online. Lượng hàng hóa tại khi của các doanh nghiệp đảm bảo cung cấp cho thị trường Hà Nội trong vòng 60-90 ngày…TP đã dự trữ hàng hóa thiết yếu gấp đôi so với tháng bình thường; dự trữ hàng hóa cho 3 tháng tới…

Tại buổi làm việc, Sở Công Thương đề xuất Bộ Công Thương chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất khẩu trang kháng khuẩn và khẩu trang y tế có kế hoạch sản xuất khẩu trang kháng khuẩn đủ để phục vụ nhu cầu của cả nước nói chung và của thành phố Hà Nội nói riêng.

Riêng về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, năng lực ngành dệt may Việt Nam - một nước với vị thế cường quốc về may mặc, hoàn toàn đảm bảo cung cấp đủ nhu cầu.

Thứ trưởng Bộ Công Thương khẳng định, không phải doanh ngiệp không làm được mà do còn thiếu đơn đặt hàng nên chưa thể sản xuất hết công suất.

"Với 1,5 triệu công nhân may; tối đa một người làm đươc 40 chiếc khẩu trang 1 ngày… nên hoàn toàn thừa đáp ứng nhu cầu người dân. Thủ tướng đã chỉ đạo ngành y tế chi trả, đặt hàng các doanh nghiệp. Hà Nội cũng nên xem xét trích kinh phí đặt mua khẩu trang phục vụ nhân dân. Việc giảm giá các mặt hàng, Bộ sẽ xem xét nghiên cứu đề xuất Chính phủ", Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói.

Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Doãn Toản phát biểu tại buổi làm việc

Không để cuộc sống người dân bị xáo trộn

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đánh giá cao sự chủ động, nỗ lực, quyết liệt của Hà Nội trong triển khai các giải pháp, biện pháp chống dịch COVID-19; làm tốt khâu cân đối và điều tiết cung cầu hàng hóa phục vụ người dân trên địa bàn trong thời gian qua.

"Tối qua, TP đã dỡ bỏ khu cách ly trên phố Trúc Bạch sau 14 ngày, bà con nhân dân rất tin tưởng, phấn khởi", Thứ trưởng dẫn chứng.

Nhất trí với các giải pháp của TP Hà Nội đặt ra để đảm bảo nguồn cung hàng hóa trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Công Thương đề nghị TP quyết liệt, chủ động và bình tĩnh trong công tác chỉ đạo liên quan đến chuẩn bị hàng hóa ứng phó với dịch COVID-19.

Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về bình ổn thị trường, đảm bảo nguồn cung hàng hóa để ổn định tâm lý nhân dân, không hoang mang, tích trữ hàng hóa.

Bên cạnh đó, cần theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, triển khai các biện pháp bảo đảm nguồn cung thiết yếu; bảo đảm bình ổn giá, bảo đảm chất lượng các sản phẩm.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải mong muốn Hà Nội tiếp tục có các biện pháp, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất mặt hàng thiết yếu bởi trong tình hình dịch bệnh hiện nay các doanh nghiệp sẽ hết sức khó khăn.

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản cho biết, việc xây dựng kịch bản nguồn cung hàng hóa không phải là việc đầu tiên Thành phố triển khai. Đây là việc làm thường xuyên của Thành phố đặc biệt là vào các dịp Tết, vào mùa mưa bão để đáp ứng nhu cầu tăng trong các dịp này.

Với diễn biến của dịch bệnh, Hà Nội cũng tính đến các tình huống xấu để chủ động chuẩn bị.

Theo ông Nguyễn Doãn Toản: "Hà Nội chủ động để đưa ra các tình huống; cân đối nguồn ngân sách, bảo đảm hậu cần. TP sẽ cấp giấy phép cho xe các doanh nghiệp cung ứng thực phẩm 24/24; kiểm soát giá cả, làm sao để hàng hóa đến nhanh nhất, không làm xáo trộn đời sống người dân".