Sân Thanh Hóa một mình một phách

ANTĐ - Không chỉ các CĐV mà ngay cả BTC giải lẫn Ban Kỷ luật VFF cũng cảm thấy “sốc” trước cách mà BTC sân Thanh Hóa xử phạt hành vi đốt pháo sáng. Dẫu ghi nhận mặt tích cực, song nhiều ý kiến tỏ ra lo ngại cách xử phạt kiểu “lệ làng” của Thanh Hóa sẽ gây tác dụng ngược.

Sân Thanh Hóa một mình một phách ảnh 1
Cách “dập pháo sáng” mà BTC sân Thanh Hóa đang áp dụng dễ gây hiệu ứng ngược


Phạt “rắn” nhất V-League

Những CĐV Hải Phòng đến sân Thanh Hóa cổ vũ trận đấu vòng 6 V-League đã phải “mắt tròn, mắt dẹt” trước thông báo từ BTC sân này: “CĐV nào vào sân cố tình đốt pháo sáng sẽ bị phạt 50 triệu đồng, ai tố giác được thưởng 20 triệu đồng”, bởi lẽ, ngay cả trong quy định về kỷ luật mà VFF ban hành cũng không hướng tới đối tượng là cá nhân và chỉ đưa ra mức từ 15-25 triệu đồng với BTC sân nếu để tình trạng đốt lửa, đốt pháo diễn ra trên sân. Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch CLB Thanh Hóa tỏ ra khá tâm đắc với ý tưởng này: “Chúng tôi chủ động đưa ra mức phạt “rắn” để đảm bảo an toàn trận đấu. Và sự thật, nó đã phát huy hiệu quả tức thời. Trận đấu đó, CĐV Hải Phòng mang theo rất nhiều pháo sáng nhưng đã không dám đốt trong sân, mà chỉ đốt ngoài sân, lúc sau trận đấu”. 

Trước câu hỏi: “Mức phạt cao như vậy, liệu người vi phạm có chịu nộp?”, ông Đệ cho biết: “Nếu phát hiện ai vi phạm, lực lượng an ninh sân sẽ giữ lại, chờ khi nào người nhà nộp đủ tiền mới cho về”. Theo khẳng định của Chủ tịch CLB xứ Thanh, BTC sân không chỉ áp quy định này với trận tiếp Hải Phòng - đội bóng có CĐV từng gắn liền với hành vi đốt pháo sáng trong quá khứ - mà còn duy trì đến hết giải. Thậm chí, sân này đang cân nhắc tăng mức phạt khi mức độ khốc liệt các trận đấu và lượng người xem đông dần về cuối giải. “Tôi nghĩ các sân khác cũng nên áp dụng quy định này, vì rõ ràng nó rất hiệu quả”, ông Đệ tự tin.

Ghi nhận nhưng không cổ súy

Trái ngược với sự tự tin của người nêu ý tưởng, đại diện BTC giải và Ban kỷ luật lại lo ngại về tính khả thi, cũng như những hệ lụy từ quy định này. Trưởng BTC giải Trần Duy Ly cho biết: “Tôi chưa được Thanh Hóa thông báo về quy định này. Tôi ghi nhận, sân Thanh Hóa đang rất nỗ lực trong việc siết kỷ luật, đảm bảo công tác an ninh, an toàn trận đấu. Tuy nhiên, theo tôi nếu mức phạt 50 triệu đồng có thật thì cao quá. Vả lại, quy định về kỷ luật của VFF cũng đã quy định đầy đủ các mức phạt cho hành vi tương tự, mình không nên làm khác, tạo tiền lệ không hay”.

Trong khi đó, Trưởng Ban kỷ luật Nguyễn Hải Hường cho rằng, nếu muốn áp mức phạt trên, BTC sân Thanh Hóa cần có sự cho phép của Công an tỉnh, trên cơ sở Luật Dân sự. “Nhưng điều quan trọng nhất là các quy định đưa ra phải có tham khảo, nhận sự tán đồng của người chấp hành, ở đây là CĐV, chứ không phải anh cứ thích phạt bao nhiêu thì phạt”, ông Hường nêu quan điểm. 

Cũng trong cuộc trao đổi thắng thắn với phóng viên ANTĐ, người đứng đầu Ban kỷ luật còn khẳng định cách xử phạt mà BTC sân áp dụng là không khả thi, thậm chí gây tác dụng phụ. “Thử hỏi với mức lương hiện tại của đa số khán giả, có ai đủ tiền hoặc chấp nhận nộp 50 triệu đồng vì đốt pháo khi cổ vũ không. Lỡ người ta chơi ì, anh cũng khó mà ép họ nộp. Chưa kể, việc “giữ người, chờ người nhà đến nộp mới thả về” mà BTC sân định làm chẳng khác gì “bắt giữ con tin”, thậm chí không khéo còn vi phạm pháp luật”, ông Hường lo ngại.

10 năm chưa phạt được ai

Từ 10 năm trước, khi soạn thảo các Quy định về kỷ luật, Trưởng Ban kỷ luật Nguyễn Hải Hường đã rất chú ý và lên đầy đủ các án phạt cho các CĐV có hành động phá rối, làm ảnh hưởng trận đấu… “Nhiều lần tôi nói với BTC giải, các anh cứ đưa vài cái tên CĐV có biểu tượng quá khích sang tôi để xử làm gương. Tôi sẽ cho in ảnh, dán ở cổng vào các sân và cấm vào sân, như cách mà nhiều sân bóng châu Âu đã áp dụng. Song thực tế, đến nay vẫn chưa xử được 1 trường hợp nào như thế vì thiếu sự đồng bộ, bởi riêng Ban kỷ luật thôi chưa đủ. Điều này cũng dễ hiểu vì bóng đá chúng ta vẫn chưa chuyên nghiệp”, ông Hường chia sẻ.