Triển khai Nghị định 01 của Chính phủ ngày 6-8-2018 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an

Sẵn sàng nhận nhiệm vụ ở vị trí công tác mới

ANTD.VN - Nghiêm túc triển khai thực hiện Nghị định 01/CP của Chính phủ và Đề án 106 của Bộ Công an về sắp xếp lại tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, CATP Hà Nội đã sắp xếp, hợp nhất một số đơn vị trong đó có Phòng CSTT và Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH. Phóng viên Báo ANTĐ đã có cuộc trao đổi với Thượng tá Hoàng Văn Trụ, Phó trưởng Phòng CSTT - CATP Hà Nội trước thời điểm hợp nhất với Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH...

PV - Quan điểm của Thượng tá về việc hợp nhất 2 đơn vị CSTT và Cảnh sát QLHC về TTXH theo Đề án 106 của Bộ Công an như thế nào?

Thượng tá Hoàng Văn Trụ: Năm 1984, Phòng CSTT được tách từ Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH - CATP Hà Nội. Năm 1999, Phòng CSTT đã có thêm chức năng Cảnh sát 113. Thực tế chứng minh sự cần thiết, nhu cầu cần có một lực lượng CSTT duy trì trật tự, lực lượng Cảnh sát 113 phòng chống tội phạm; 34 năm qua lực lượng CSTT đã duy trì lực lượng giải quyết lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, giao thông tĩnh, tạo nên đường thông, hè thoáng trên địa bàn TP Hà Nội, góp phần chống ùn tắc giao thông...

Thượng tá Hoàng Văn Trụ, Phó trưởng Phòng Cảnh sát trật tự CATP Hà Nội

Đến giai đoạn này, thực hiện, Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị, Nghị định 01/CP của Chính phủ, Đề án 106 của Bộ Công an về tinh gọn bộ máy, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, 2 đơn vị hợp nhất, thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về con người, các vi phạm trật tự đô thị, quản lý “bao trùm từ trong nhà ra ngoài ngõ”, cá nhân tôi nhận thấy rất tốt, giảm đầu mối cấp phòng, tăng cường lực lượng cho Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH quân số đông, đủ lực lượng xử lý vi phạm.  

Lực lượng Cảnh sát QLHC về TTXH cũng phải xử lý vi phạm, kiểm tra các quán bar, nhà nghỉ, khách sạn và lực lượng CSTT cũng kiểm tra như vậy, nhưng trong mảng phòng chống tội phạm. Do đó, 2 lực lượng hợp nhất và phối hợp thực hiện nhiệm vụ tương đối phù hợp với thực tiễn, góp phần nâng cao hiệu quả công tác.

- Khi có chủ trương về việc hợp nhất, chỉ huy Phòng CSTT và Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH đã phối hợp với Phòng Tổ chức cán bộ CATP thực hiện Đề án này như thế nào?

- Trước khi có Đề án, Giám đốc CATP đã chỉ đạo 2 đơn vị họp bàn về phương án hợp nhất. Chỉ huy 2 phòng đã có sự trao đổi và đã đi đến kết luận thống nhất cuối cùng việc hợp nhất là chủ trương đúng và quyết định hợp nhất 2 đơn vị vì từ cách đây 34 năm đã là 1 đơn vị, có gốc căn bản.

Lực lượng CSTT - CATP Hà Nội làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát, giữ gìn trật tự đô thị

Ngày 31-8 tới đây, các đơn vị hợp nhất sẽ chính thức công bố quyết định thành lập phòng mới. Để chuẩn bị cho việc này, từ nhiều ngày trước, Phòng Tổ chức cán bộ đã triệu tập cán bộ chủ chốt họp, thống nhất quyết định phương án hợp nhất; bỏ phiếu tín nhiệm với các đồng chí trong diện quy hoạch Trưởng phòng, Trưởng Công an quận, huyện; bầu 1 đồng chí là Trưởng phòng Cảnh sát QLHC về TTXH. Đối với các Đội nghiệp vụ của Phòng CSTT vẫn giữ nguyên 2 Đội tuần tra kiểm soát TTCC, 2 Đội Cảnh sát 113; riêng 2 Đội Tham mưu của 2 phòng hợp nhất thành một đội. Đối với CBCS vẫn tiếp tục thực hiện chức năng nhiệm vụ của mình.

- Để phát huy hiệu quả của việc thực hiện Đề án 106 và Nghị định só 01, theo Thượng tá hai đơn vị được hợp nhất cần triển khai ngay những biện pháp, kế hoạch cụ thể như thế nào?

- Sau khi tổ chức ổn định, CBCS sẽ bắt tay vào công việc  theo đúng chức năng nhiệm vụ của mình từ trước đến nay.

Theo lộ trình Đề án 106 đến năm 2020, tịnh biên số chỉ huy đến tuổi nghỉ hưu, số còn lại sẽ tiếp tục ở vị trí công tác cũ; tương tự với CBCS sau tịnh biên quân số một phòng được bao nhiêu CBCS, nếu đủ quân số sẽ tiếp tục công tác, nếu không sẽ về cơ sở, tăng cường lực lượng cho quận, huyện và Công an xã.